Tình hình nợ nần của Vinashin có thể ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng tín dụng của các ngân hàng trong nước.
Hãng định mức tín nhiệm Standard & Poor’s Rating Services cho rằng, tình hình nợ nần của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) có thể ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng tín dụng của các ngân hàng trong nước thông qua việc gây áp lực đối với lợi nhuận và vốn của các ngân hàng này.
Đây được xem là cảnh báo mới nhất của giới quan sát quốc tế về “sức khỏe” của các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam.
“Khó khăn ở Vinashin cho thấy mức độ minh bạch nghèo nàn, trách nhiệm giải trình kém và năng lực quản trị doanh nghiệp thấp ở Việt Nam”, tờ Wall Street Journal dẫn một báo cáo do nhà phân tích tín nhiệm Ivan Tan của Standard & Poor’s công bố ngày 13/12.
“Đang tồn tại một khoảng cách lớn giữa tỷ lệ nợ xấu được các ngân hàng thông báo và tình hình chất lượng tài sản thực sự của hệ thống ngân hàng”, nhà phân tích này nhận định.
Theo Standard & Poor’s, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang tiếp tục phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp nhà nước - khu vực chiếm khoảng 40% GDP. Trong khi đó, cũng theo hãng định mức tín nhiệm này, các doanh nghiệp nhà nước hiện chiếm khoảng 30-40% tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại quốc doanh của Việt Nam.
“Vinashin là doanh nghiệp nhà nước đầu tiên của Việt Nam cho thấy các ngân hàng quốc doanh có nhiều khoản vay đáng ngờ hơn là những gì người ta vẫn tưởng trước đây. Điều này có thể làm giảm giá trị của các ngân hàng quốc doanh, nhưng vấn đề là ở chỗ, người ta còn chưa biết tình hình thực sự phức tạp đến đâu”, ông Alain Cany, Chủ tịch Hội đồng Thương mại châu Âu tại Việt Nam, nhận định với hãng tin tài chính Bloomberg.
Trước Standard & Poor’s, hai hãng định mức tín nhiệm hàng đầu thế giới khác là Fitch Ratings và Moody’s cũng đã lần lượt lên tiếng cảnh báo về vụ Vinashin cũng như các khoản cho vay của các ngân hàng Việt Nam.
Hồi cuối tháng 9, Fitch cho rằng, chất lượng các khoản vay từ các ngân hàng Việt Nam có thể xấu đi trong trung hạn do tăng trưởng tín dụng mạnh, đồng thời cảnh báo rằng, vấn đề của Vinashin có thể tác động tiêu cực tới chất lượng tài sản của các ngân hàng trong nước.
Cuối tháng 11, đến lượt Moody’s nhận định, nợ của Vinashin có thể chiếm tới 3% tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng Việt Nam, đồng thời, khả năng trả nợ thiếu chắc chắn của Vinashin có thể làm tổn hại tới định mức tín nhiệm dành cho các doanh nghiệp quốc doanh khác.
Theo số liệu do Chính phủ Việt Nam công bố hồi tháng 8, tổng nợ của Vinashin tính đến tháng 6/2010 là 86 ngàn tỷ đồng (tương đương 4,41 tỷ USD). Trong báo cáo ngày 13/12, Standard & Poor’s nhận định, khả năng Vinashin vỡ nợ trong ngắn hạn đối với các khoản vay ngoại tệ đang ngày càng gia tăng.
Trong số nợ mà Vinashin đang mang, có một khoản vay 600 triệu USD do Credit Suisse sắp xếp vào năm 2007. Theo Wall Street Journal, ngày 29/11 vừa qua, lãnh đạo Vinashin đã viết thư gửi các nhà cho vay đề nghị xin hoãn thanh toán số tiền gốc 60 triệu USD đáo hạn vào ngày 20/12 trong trường hợp công ty không có tiền trả khoản này.
Nguồn tin thân cận cho tờ Wall Street Journal biết, nhiều chủ nợ đã chung tay bỏ tiền cho Vinashin vay khoản 600 triệu USD nói trên, do vậy, việc đạt được sự chấp thuận của tất cả các chủ nợ là một việc khó khăn. Tuy nhiên, việc hoãn thanh toán nợ mà không được chủ nợ đồng ý có thể đẩy Vinashin vào thế rủi ro vỡ nợ.
Trong một nhận định đưa ra trên Bloomberg, quỹ Vietnam Holding cho rằng, với tình hình thâm hụt ngân sách hiện nay, Chính phủ Việt Nam sẽ không giải cứu Vinashin.
“Cho tới nay, các ngân hàng thương mại cả trong và ngoài nước đều cho rằng, những khoản vay mà họ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam đều sẽ được Chính phủ Việt Nam bảo đảm. Dường như, vụ Vinashin sẽ là một bài kiểm tra khắc nghiệt đối với quan niệm này”, Vietnam Holding nhận xét.
(NDHMoney)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com