Thông tư 13/2010/TT-NHNN, của Ngân hàng Nhà nước chưa đi vào thực tế đời sống được ngày nào đã phải chỉnh sửa là một trong những chuyện hy hữu trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta.
Công luận đánh giá cao sự cầu thị của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên công bằng mà nói, qua sự việc vô tiền khoáng hậu này, các doanh nghiệp - những đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp của Thông tư nói trên, vừa mừng lại vừa lo.
Mừng vì trước sự phản ứng gay gắt của các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), thậm chí Thủ tướng Chính phủ cũng đã phải chỉ đạo điều chỉnh một số điểm bất hợp lý của Thông tư nói trên, Ngân hàng Nhà nước cuối cùng đã biết lắng nghe tiếng vọng từ thực tiễn sinh động kinh tế xã hội nước nhà để chỉnh sửa chính sách điều hành vĩ mô trong lĩnh vực hết sức nhạy cảm đối với bất cứ sự vận động xã hội nào đó là tiền tệ. Điều này đã phần nào đáp ứng sự kỳ vọng của các doanh nghiệp về hạ dần lãi suất tín dụng trong tương lai gần bởi định hướng hỗ trợ đối với các tổ chức tín dụng về nguồn vốn và một loạt các giải pháp khả thi khác. Một số điểm sửa đổi như “Tỷ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động” thay cho “Tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động” đã thể hiện sự “nâng cấp” tư duy khi quy định này đã thay đổi bản chất của định chế và ràng buộc đối với nguồn vốn mà các tổ chức tín dụng được phép dùng để cho vay. Tức là, quy định về tỷ lệ cấp tín dụng là đối với nguồn vốn “từ nguồn vốn huy động”. Ở đây có thể hiểu là nó độc lập với nguồn vốn tự có của các ngân hàng. Những sửa đổi, bổ sung Thông tư 13 (bằng Thông tư 19) của Ngân hàng Nhà nước đã mang lại giá trị lớn cho các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, hiểu theo nghĩa họ “được phép làm những gì mà pháp luật không cấm”.
Lo vì một loạt kiến nghị khác của các doanh nghiệp và hiệp hội nghề nghiệp vẫn chưa được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh như hệ số rủi ro (250%) đối với các khoản cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản và chứng khoán, việc đưa tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức kinh tế vào vốn huy động để cho vay cũng chỉ được xét ở mức 25%, giãn lộ trình thực hiện nâng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu từ 8% lên 9% v.v…
Lo vì một văn bản pháp luật chưa được thực thi đã bị phản ứng gay gắt và phải chỉnh sửa, đã nói lên sự vô cảm và thiếu hiệu năng của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khi mà các văn bản điều hành chưa theo kịp với những biến đổi mạnh mẽ, đa chiều của nền kinh tế nước ta trong cơ chế thị trường vốn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro.
Lo vì Ngân hàng Nhà nước là cơ quan tham mưu của Thủ tướng về quản lý tiền tệ quốc gia mà ban hành văn bản điều hành lại chứa nhiều bất cập như vậy thì liệu cái tầm hiện tại có đáp ứng được nhiệm vụ? Và có người cắc cớ: Nếu người đứng đầu Chính phủ không kịp thời chỉ đạo chỉnh sửa Thông tư 13 của Ngân hàng Nhà nước thì liệu các doanh nghiệp có “được nhờ” như hôm nay?
(tamnhin)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com