Vì thế, mỗi NHTM đang chọn cho mình một cách “về đích”, mà không nhất thiết cứ phải theo con đường tín dụng.
Chỉ còn một quý nữa để các NHTM hoàn thành kế hoạch năm. Một trong những chỉ tiêu đáng lo nhất hiện nay là tăng trưởng tín dụng (TTTD). Mức tăng 2,35% của tín dụng ba quý vừa qua là rất thấp so với kế hoạch đề ra của toàn Ngành. Tuy nhiên, thực tế khó khăn của cả nền kinh tế trong nước và thế giới đã khiến các ngân hàng phải lấy chất hơn lượng. Vì thế, mỗi NHTM đang chọn cho mình một cách “về đích”, mà không nhất thiết cứ phải theo con đường tín dụng.
Ông Phạm Hồng Hải – Giám đốc Khối Kinh Doanh Vốn và Thị Trường Tiền Tệ- Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam):
Chất lượng tín dụng mới là quan trọng
Ông Phạm Hồng Hải |
Tôi nghĩ rằng, các ngân hàng cũng đang gặp tình thế khó. Vì nếu giờ hạ lãi suất huy động xuống hay nâng lãi suất cho vay lên đều có nguy cơ mất khách hàng bởi cạnh tranh của các ngân hàng khác. Còn nếu ngân hàng cho vay với lãi suất chỉ bằng hoặc thậm chí thấp hơn huy động thì lại ảnh hưởng đến bài toán kinh doanh.
Bên cạnh đó, về mặt thanh khoản của các ngân hàng hiện nay mặc dù được nhìn nhận là đã cải thiện hơn trước rất nhiều nhưng đa số là vốn ngắn hạn. Nguồn trung, dài hạn chiếm tỷ lệ thấp nên các ngân hàng cũng lo ngại nếu đưa lãi suất xuống, khi có biến động thanh khoản sẽ không xử lý kịp.
Do đó tôi cho rằng, TTTD thấp hiện nay không phải do lãi suất. Bây giờ cho dù có “ép” lãi suất xuống thì cũng khó cải thiện tín dụng vì bản chất bên cầu hiện nay chỉ có thế. Hơn thế nữa từ tháng 8 đến nay, chỉ số lạm phát đang tăng khá mạnh trở lại, nên nếu trần lãi suất huy động hạ xuống 8% hoặc 7% thì sẽ có một lượng tiền đồng bị rút khỏi hệ thống và chuyển qua ngoại tệ hoặc vàng.
Vì vậy mục tiêu TTTD từ 8% đến 10% năm nay có lẽ khó đạt được, mà có thể chỉ ở mức từ 6-8%. Tuy nhiên, không nên xem đây là vấn đề quá lo ngại. Thậm chí nhìn ở chiều ngược lại, đây là điều tốt và cần thiết cho thị trường trong lúc này. Trong khoảng 5 năm gần đây, tín dụng đã tăng rất cao thì cũng có thời điểm mình nên chậm lại.
Và theo tôi, giai đoạn tập trung tái cấu trúc hiện nay chính là thời điểm phù hợp để “chậm lại” và để chúng ta cùng nhận ra rằng, các ngân hàng không nhất thiết phải TTTD mạnh thì mới kiếm tiền được mà có thể phát triển những mảng dịch vụ khác. Về phía các DN, khách hàng, đây cũng là lúc họ thấy không thể vay để đầu tư dàn trải nữa mà phải chọn lọc, tính toán kỹ càng. Quan trọng hơn lúc này là chúng ta cần chú ý nhiều hơn tới chất lượng tín dụng.
Việc phải đẩy tín dụng ra bằng nhiều cách và với mọi đối tượng chính là một trong những nguyên nhân khiến nợ xấu ở nhiều ngân hàng tăng cao. Giờ là lúc ngân hàng phải lựa chọn khách hàng tốt để cho vay ra. Làm như vậy thì có thể tổng tín dụng sẽ thấp đi, nhưng bù lại, chất lượng tín dụng sẽ được nâng lên.
Ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Chính sách Công, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright:
Xu hướng tự nhiên
Ông Nguyễn Xuân Thành |
Kinh nghiệm cho thấy, khi một hệ thống ngân hàng khó khăn thì bao giờ cũng xảy ra tình trạng TTTD thấp đi. Xét riêng bối cảnh hiện nay, tôi cho rằng mục tiêu TTTD 8% -10% của năm nay khó đạt.
Thực ra đây cũng là một xu hướng tự nhiên như chúng ta từng thấy ở nhiều nước Đông Nam Á, sau khủng hoảng tỷ lệ tín dụng trên GDP của họ giảm mạnh. Tại Việt Nam, sau một thời gian TTTD bùng nổ thì bây giờ cần điều chỉnh lại. Đấy là thể hiện tính năng động của nền kinh tế. Bản thân DN của Việt Nam cũng đang điều chỉnh như thế là tốt và cần khuyến khích. Giúp các DN không nhất thiết phải bằng cách cho họ vay thêm mà làm sao khuyến khích họ giảm được nợ.
Ông Lê Quang Trung - Phó tổng giám đốc VIB:
Vốn ngân hàng đang “tạm trú” ở trái phiếu Chính phủ
Ông Lê Quang Trung |
Chuyện TTTD là bài toán hầu như ngân hàng nào cũng đang đau đáu để giải quyết. Về cơ bản, các ngân hàng xác định huy động vốn là phải cho vay được một tỷ lệ nhất định. Nhưng, thời điểm này tín dụng đang gặp khó trong đầu ra. Câu hỏi đặt ra: tiền của ngân hàng chảy đi đâu.
Thời gian qua, cũng có nhiều ý kiến cho rằng là do có dấu hiệu thiếu thanh khoản của hệ thống ngân hàng nhưng câu trả lời trên chưa phản ánh hết thực tế. Vì hiện thanh khoản hệ thống ngày càng tốt.
Trong nhóm G12, chỉ số LDR dao động từ 70 - 85%. Tất nhiên, các ngân hàng không thể để tiền chết được, mà theo tôi trong thời gian qua các ngân hàng đã tìm đến kênh trái phiếu Chính phủ làm nơi trú ẩn an toàn. Từ đầu năm đến nay Kho bạc Nhà nước đã huy động được 147,46 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, mà 95% người mua đến từ các NHTM.
Đây là thông lệ thị trường tài chính cũng là nguyên tắc bất di bất dịch, khi rủi ro tín dụng quá cao, thì các ngân hàng, định chế tài chính sẽ trú ẩn dưới công cụ nợ của Chính phủ. Hay nói cách khác, phải nắm giữ "tài sản có" có tính thanh khoản, an toàn. Mà trái phiếu Chính phủ chính là một trong những tài sản đáp ứng được yêu cầu này của ngân hàng. Nói như vậy không có nghĩa là khuyến khích các ngân hàng tập trung vốn vào trái phiếu Chính phủ.
Thời gian tới các ngân hàng cần phải thống kê hiện đang nắm giữ bao nhiêu phần trăm trái phiếu, bao nhiêu phần trăm dư nợ tín dụng để tìm ra điểm hòa vốn. Khi tiệm cận điểm hòa vốn, ngân hàng phải nâng khẩu vị rủi ro lên và chấp nhận cho vay, chứ không thể dồn toàn bộ tiền huy động vào trái phiếu Chính phủ được. Vì trái phiếu Chính phủ là tài sản có mức sinh lợi thấp nhất trong các loại tài sản và có thể ngân hàng bị lỗ khi đầu tư.
Với những diễn biến đang diễn ra trên thị trường ngân hàng, việc đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng của cả hệ thống 8 - 10% rất khó. Tại VIB tuy được tăng trưởng tín dụng 15% nhưng, hết năm nay dự kiến chỉ đạt dưới 2 con số.
Ông Trịnh Văn Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị OCB:
Thanh khoản là ưu tiên hàng đầu
Ông Trịnh Văn Tuấn |
Dư luận đang đặt câu hỏi: Vốn chảy đi đâu khi TTTD thấp mà huy động vốn vẫn tăng mạnh. Tuy nhiên, theo tôi nếu xét trên tổng lượng tiền huy động với tổng dư nợ thì dư nợ vẫn chiếm tỷ trọng cao. Do thời gian qua không ít các ngân hàng đẩy mạnh TTTD trong khi nguồn vốn huy động không tăng tương xứng.
Vì thế, đây là thời điểm các ngân hàng cân đối nguồn vốn. Và ngân hàng nào cân đối nguồn vốn tốt thì huy động ít hơn; và ngược lại ngân hàng nào chưa được tốt trong cân đối nguồn vốn thì phải huy động nhiều hơn.
Bên cạnh đó, cũng có những ngân hàng muốn dành nguồn vốn dôi dư để đảm bảo thanh khoản tốt hơn trong thời gian tới. Việc đẩy tín dụng ra ít hơn chắc chắn ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng, nhưng trong bối cảnh hiện nay thì việc phòng thủ thanh khoản là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Tất nhiên, không phải ngân hàng chấp nhận lợi nhuận bằng 0. Khi nhận thấy sự rủi ro của dòng tiền, để đảm bảo khả năng sinh lời an toàn nhất mà thanh khoản cao thì các ngân hàng đã tìm đến kênh trái phiếu Chính phủ. Tuy kênh đầu tư này độ sinh lời ở mức thấp, nhưng tính thanh khoản cao. Khi ngân hàng cần thì có thể chuyển đổi thành tiền ngay để đảm bảo khả năng chi trả.
TTTD của OCB đang cải thiện. Nếu giải ngân tốt, chúng tôi sẽ xin được TTTD ở mức 20% - 25%. Còn trên toàn hệ thống ngân hàng vấn đề TTTD cũng đang là bài toán khó. Để xoay chuyển tình thế cần giải quyết đồng bộ, tổng thể cơ chế chính sách, kinh tế vĩ mô, hỗ trợ cho DN phát triển.
Vấn đề quan trọng nhất là hấp thụ vốn của DN mà điều này phụ thuộc vào sự ổn định cũng như phát triển của cả nền kinh tế, chứ một mình ngân hàng không thể giải quyết được. Vì nếu DN vẫn cứ ốm yếu mà ngân hàng tiếp tục bơm tiền vào thì rủi ro nợ xấu là rất lớn. Do đó, trong thời điểm này, dù tín dụng không tăng nhiều, nhưng các ngân hàng không thể không duy trì huy động vốn trong dân cư. Bởi đây là việc cần thiết, vừa giữ chân khách hàng, vừa đảm bảo cơ cấu nguồn vốn bền vững hơn. Như thế, hoạt động ngân hàng cũng an toàn hơn.
Theo Thời báo ngân hàng
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com