Khả năng lãi suất tiền gửi sẽ theo chiều hướng lên và cạnh tranh về huy động vốn sẽ gay gắt hơn trong thời gian tới, dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát ở mức thấp trong 7 tháng qua cũng như mục tiêu cả năm.
Không chỉ với nhà băng nhỏ, mà ngay cả ngân hàng lớn cũng tăng khuyến mãi trong thời gian gần đây, bên cạnh áp dụng mức lãi suất tiền gửi cao nhất 11,2%/năm theo đồng thuận, với kỳ vọng hút thêm được tiền nhàn rỗi trong dân cư. Song kỳ vọng huy động được tiền từ thị trường một (dân cư) của nhà băng không hẳn để đẩy mạnh cho vay, mà chủ yếu để cân đối lại nguồn trước khi quy định nâng tỷ lệ an toàn vốn từ 8% lên 9% bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1/10 tới theo Thông tư 13/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Lãi suất khó giảm
Chủ trương của Chính phủ đưa ra là tiếp tục điều chỉnh lãi suất huy động về 10%/năm và cho vay xuống 12%/năm để kích thích tăng trưởng. Trước đó, nhiều dự đoán cho rằng, lãi suất tiền gửi sẽ giảm dần trong tháng 8/2010. Thế nhưng, lãi suất huy động vốn đã diễn biến trái chiều. Trong đó, nhiều ngân hàng nhỏ giảm lãi suất đầu tháng 7 vừa qua (mức cao nhất còn 10,8%/năm) đã nhanh chóng điều chỉnh lên mức tối đa theo sự đồng thuận giữa các thành viên của Hiệp hội Ngân hàng là 11,2%/năm. Đồng thời, mức lãi suất này được áp dụng cho tất cả các kỳ hạn từ 3 - 12 tháng.
Trong những ngày qua, không ít ngân hàng tiếp tục tung ra khuyến mãi để tăng tính hấp dẫn cho lãi suất. Cạnh tranh về huy động vốn từ thị trường một ngày một nóng thêm khi quy định nâng tỷ lệ an toàn vốn lên 9% đang gần kề. Vì thế khó tránh khỏi việc một số nhà băng nhỏ đã mạnh tay đẩy vốn cho vay trong 2 quý đầu năm phải "căng sức" để huy động vốn từ thị trường một nhằm cân đối lại nguồn. Bởi theo quy định hiện hành của NHNN, các ngân hàng không được sử dụng quá 20% vốn trên thị trường liên ngân hàng so với vốn huy động. Mặt khác, Thông tư 13 quy định, các ngân hàng chỉ được sử dụng tối đa 80% vốn huy động để cho vay.
Nhưng điều đáng nói là nguồn vốn huy động dùng để cho vay (80% nói trên) của ngân hàng không bao gồm tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức kinh tế, kho bạc nhà nước, bảo hiểm xã hội và các tổ chức khác. Có nghĩa là, ngoài tỷ lệ 20% vốn huy động về của các ngân hàng thương mại không được sử dụng để cho vay theo quy định tại Thông tư 13, thì khoản tiền gửi không kỳ hạn (15 - 20%) huy động từ tổ chức kinh tế, kho bạc nhà nước, bảo hiểm xã hội và các tổ chức khác, ngân hàng cũng không được cho vay.
Trong khi đó, theo lý giải của các ngân hàng thương mại, đây chính là nguồn vốn ổn định cao. Do đó, để đáp ứng được yêu cầu theo quy định tại Thông tư 13, các nhà băng, nhất là những đơn vị quy mô vừa và nhỏ sẽ gặp khó khăn, do uy tín trên thị trường chưa cao, huy động vốn từ thị trường một không dễ dàng, nên tìm cách gia tăng lãi suất.
Trao đổi với ĐTCK ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN - Chi nhánh TP. HCM cho biết, trong 2 ngày qua, NHNN - Chi nhánh TP. HCM tiếp tục thành lập đoàn kiểm tra về lãi suất huy động vốn tại các ngân hàng thương mại sau khi có những thông tin trái chiều về việc một số nhà băng áp dụng lãi suất cao hơn nhiều so với mức đồng thuận 11,2%/năm. Qua đó ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi để các nhà băng có thêm điều kiện giảm lãi suất cho vay, nhằm kích thích tăng trưởng dư nợ tín dụng.
Tuy nhiên, trước bối cảnh thị trường hiện nay, khi một số quy định "siết" kênh huy động cũng như sử dụng vốn của ngân hàng, thì nhiều khả năng lãi suất sẽ khó giảm thêm trong thời gian ngắn. Để cân đối được nguồn, các ngân hàng nhỏ tìm mọi cách để thu hút khách hàng, mặt bằng lãi suất tiền gửi từ đó không thể giảm thì lãi suất đầu ra cũng khó giảm theo. Tuy lãi suất cho vay thỏa thuận được nhiều ngân hàng đưa xuống 11,5 - 12,5%/năm, nhưng không phải khách hàng nào cũng vay được vốn giá rẻ.
Tín dụng không thể tăng nhanh?
Vốn huy động về của ngân hàng, đặc biệt là một số ngân hàng nhỏ, trong lúc này không dám mạnh tay cho vay, mà chủ yếu là để cân đối lại nguồn. Vì nếu muốn đẩy mạnh cho vay, các ngân hàng phải tăng vốn tự có, còn không nhà băng phải giảm tài sản có xuống và điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động cho vay (tức thu hẹp tín dụng). Trong khi đó, vốn điều lệ của nhiều ngân hàng còn ở mức khiêm tốn. Theo thống kê, hiện có đến 23 đơn vị có vốn dưới 3.000 tỷ đồng.
Như vậy, ngoài những tác động của thị trường trong 5 tháng còn lại của năm 2010 được dự báo chưa hết khó khăn, tín dụng xuất khẩu sẽ chững lại do thị trường châu Âu bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp lan tỏa, thì với quy định nêu trên của Thông tư 13, các nhà băng cho biết, khó có thể kích thích được tăng trưởng dư nợ.
Cho dù "room" tín dụng còn lại để triển khai trong 5 tháng cuối năm được các nhà băng cho biết là khá lớn, vì tăng trưởng dư nợ 7 tháng qua chưa đáng kể, song muốn đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra ở mức khiêm tốn cho năm nay là không dễ. Tại VCB, ACB, Eximbank…, đây là những ngân hàng lớn, nhưng 2 quý đầu năm vẫn chưa thực hiện được phân nửa mục tiêu tăng trưởng dư nợ cả năm.
Còn ở một số ngân hàng quy mô nhỏ hơn, tuy đã thực hiện hơn 1/2 mục tiêu tăng trưởng dư nợ đưa ra cho cả năm, nhưng mục tiêu tín dụng các nhà băng này xây dựng lại rất thấp. Đơn cử tại HDBank, kết thúc hoạt động 7 tháng đầu năm 2010, Ngân hàng cho biết, dư nợ tín dụng là 7.474 tỷ đồng, đạt 71,18% so với kế hoạch cả năm, tuy nhiên nếu so với cùng kỳ năm trước, tín dụng tại HDBank chỉ tăng 11,42%.
OCB cho hay, 6 tháng đầu năm 2010, dư nợ tín dụng của Ngân hàng tăng 17% (đạt 9.816 tỷ đồng), thực hiện hơn 50% so với chỉ tiêu đề ra cho cả năm. Thế nhưng, so với năm trước, mục tiêu tăng trưởng tín dụng bình quân năm nay của OCB chỉ tăng 30%.
Theo thống kê của NHNN, 7 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng là 12,96% so với mục tiêu kiểm soát cả năm là khoảng 25%. Điều này cho thấy, "room" tín dụng còn nhiều để triển khai trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, với các nhà băng, giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng dư nợ nhằm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng cũng như chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm nay là không dễ trong thời gian còn lại của năm.
Vì thực tế, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho biết, trong quý I đầu năm, tỷ lệ sử dụng vốn trên thị trường liên ngân hàng làm vốn tín dụng ở một số nhà băng còn chiếm tỷ trọng cao nên phải từng bước giảm dần trong quý sau đó. Theo thống kê của NHNN, trong các tuần gần đây, nhu cầu vốn qua thị trường liên ngân hàng giảm. Đến nay, ngân hàng phải ra sức huy động để cân đối nguồn và đảm bảo tỷ lệ dự trữ 20% trong tổng vốn 100% (huy động từ thị trường một) nên lãi suất tiền gửi khó có thể giảm.
Trong khi đó, tâm lý khách hàng, nhất là với doanh nghiệp đứng trước bối cảnh thị trường hiện nay vẫn chờ đợi lãi suất thỏa thuận giảm thêm mới tiếp cận vốn vay.
Tổng giám đốc một ngân hàng trên địa bàn TP. HCM nhận định, với các quy định đặt ra tại Thông tư 13, từ nay đến cuối năm không ít ngân hàng phải "co" dần tín dụng, sau khi các hợp đồng cho vay đáo hạn, để đáp ứng yêu cầu. Theo vị tổng giám đốc này, khả năng lãi suất tiền gửi sẽ theo chiều hướng lên và cạnh tranh về huy động vốn sẽ gay gắt hơn trong thời gian tới, dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát ở mức thấp trong 7 tháng qua cũng như mục tiêu cả năm.
Để cạnh tranh được trong huy động vốn, trong các cuộc họp với Hiệp hội Ngân hàng, các ngân hàng nhỏ kiến nghị về việc xin cơ chế riêng về lãi suất tiền gửi. Tuy nhiên, theo ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc NHNN - Chi nhánh TP. HCM, trong một môi trường bình đẳng thì việc đó khó có thể xảy ra. Ông Hạnh cho biết, nếu nhà băng nào cố ý làm mất sự ổn định của thị trường cũng như mặt bằng lãi suất và có hành vi cạnh tranh không lành mạnh, NHNN sẽ có biện pháp kiểm soát chặt chẽ.
(Đầu tư Chứng khoán điện tử)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com