Mặc dù đã gần hết năm 2010 nhưng tiến độ triển khai một số dự án sử dụng vốn vay ODA của TP Hà Nội vẫn đang bị chậm so với tiến độ và kế hoạch cam kết với nhà tài trợ. Có dự án chậm do vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng (GPMB) hoặc chậm trong khâu lựa chọn tư vấn để bảo đảm triển khai các thủ tục giải ngân, có dự án xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư với nhà thầu nước ngoài trong quá trình thực hiện hợp đồng…
Một số dự án trọng điểm đang bị chậm tiến độ
Đại lộ Thăng Long, một trong những công trình hiện đại của Việt Nam
được xây dựng một phần bằng nguồn vốn ODA. Ảnh: Viết Thành
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tổng số dự án giao kế hoạch năm 2010 là 23 dự án với tổng kinh phí trên 1.265 tỷ đồng (vốn ODA là 250 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng). Dự kiến đến hết ngày 31-12-2010, ước giải ngân của các dự án là trên 1.991 tỷ đồng (đạt 157,3% kế hoạch). Trong đó, giải ngân vốn ODA trên 826,6 tỷ đồng (đạt 330,6%), vốn đối ứng trong nước trên 1.159,7 tỷ đồng (đạt 114,7%). Nhiều dự án đã triển khai tích cực, đáp ứng được tiến độ. Việc giải ngân vốn ODA cơ bản đã tập trung thanh toán cho các đơn vị tư vấn nước ngoài và thanh toán các gói thầu xây lắp như gói thầu trạm bơm Yên Sở; gói thầu cải tạo 4 hồ thuộc dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường - dự án II (gồm các hồ Bảy Mẫu, Đống Đa, Hố Mẻ, Hào Nam); gói thầu thi công các cầu bộ hành… Tuy nhiên vẫn còn một số hạng mục công trình, dự án trọng điểm bị chậm so với hợp đồng đã cam kết với nhà tài trợ. Nguyên nhân là do một số dự án chưa triển khai được các gói thầu theo kế hoạch và các thủ tục đầu tư để khởi công xây dựng. Mặt khác, công tác GPMB các dự án ODA thường có khối lượng lớn, địa bàn trải rộng nên gặp nhiều khó khăn trong công tác điều tra, khảo sát, lên phương án đền bù…
Điển hình chậm trong số các dự án ODA trọng điểm phải kể tới dự án Phát triển hạ tầng đô thị Bắc Thăng Long - Vân Trì. Hiệp định vay vốn của dự án này đã kết thúc từ tháng 12-2008 và nhiều hạng mục theo hợp đồng đã phải hoàn thành từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa xong như gói thầu xây dựng khu di dân Hải Bối 2, gói thầu xây lắp 8 giếng ngoài đê nhằm vận hành hết công suất thiết kế của nhà máy nước. Gói thầu CP2 của dự án này đang có tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu nước ngoài.
Dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới do Sở GTVT làm chủ đầu tư chậm hơn một năm so với tiến độ. Dự án này đang trong quá trình triển khai thẩm định thiết kế kỹ thuật. Sở GTVT đang rà soát nội dung xin điều chỉnh thiết kế tuyến BRT (xe buýt nhanh khối lượng lớn) đoạn Khuất Duy Tiến - Ba La để báo cáo UBND TP và Ngân hàng Thế giới. Riêng đoạn kéo dài từ Ba La - Bến xe Yên Nghĩa đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, dự kiến hoàn chỉnh và trình thẩm định phê duyệt trong tháng 12-2010.
Dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) chậm trong khâu lựa chọn đơn vị tư vấn để bảo đảm triển khai các thủ tục giải ngân vốn ODA; dự án đường sắt đô thị thí điểm Nhổn - ga Hà Nội không những chậm GPMB, việc nghiên cứu quy hoạch chi tiết và phương thức kết nối hành khách công cộng tại các ga đầu mối chưa được nghiên cứu tổng thể. Dự án này cũng đang có tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu nước ngoài. Riêng dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội - dự án II, địa bàn dự án trải rộng trên nhiều quận, huyện, nhiều hạng mục công trình vẫn đang ách tắc trong khâu GPMB…
Thuê luật sư để đàm phán hợp đồng quốc tế
Nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án sử dụng vốn ODA theo đúng tiến độ và kế hoạch đã cam kết với đối tác, ông Trần Đức Vũ, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT kiến nghị: Đối với các dự án có khối lượng GPMB lớn, TP chỉ đạo các quận, huyện được giao vốn và nhiệm vụ GPMB tích cực hơn để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc. Với các dự án mà thời hạn giải ngân đã đến hạn, đề nghị chủ đầu tư tập trung nhân lực để khẩn trương hoàn tất các thủ tục để giải ngân.
Một vấn đề cũng cần được đề cập tới, đó là việc các chủ đầu tư phía Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm trong đàm phán hợp đồng quốc tế, dẫn đến việc tranh chấp hợp đồng và gây ách tắc trong quá trình triển khai cũng như giải ngân của dự án (như dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm Nhổn - ga Hà Nội, dự án phát triển hạ tầng đô thị Bắc Thăng Long - Vân Trì). Thành phố đề nghị Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất cơ chế đối với các dự án ODA để có phần kinh phí thích đáng, cho phép các chủ đầu tư mời luật sư có kinh nghiệm trong việc lập và đàm phán hợp đồng quốc tế trong đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, các dự án ODA hiện nay triển khai kéo dài vì phải tuân thủ đồng thời quy định của Việt Nam và các quy định của nhà tài trợ. Do đó, cần có những giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hơn nữa vai trò làm chủ của Việt Nam trong việc đàm phán và tiếp nhận các khoản tài trợ ODA để các điều kiện ràng buộc riêng của từng nhà tài trợ hài hòa với các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.
Các đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn còn chưa quyết liệt
Đó là ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi, kiêm Trưởng ban chỉ đạo giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án ODA tại buổi họp kiểm điểm tiến độ các dự án ODA ngày 22-12. Theo Phó Chủ tịch, các dự án cơ bản đáp ứng được tiến độ và kế hoạch đã cam kết với nhà tài trợ. Tuy nhiên, vẫn còn những dự án, hạng mục công trình triển khai chậm. Điều này phải thẳng thắn nhìn nhận là do các đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn chưa thực sự tập trung quyết liệt nhằm đẩy nhanh tiến độ; công tác quy hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu; khâu GPMB chưa thực sự được các cấp chính quyền địa phương quan tâm đúng mức. Trong khi đó, sự phối hợp giữa các bên liên quan cũng còn chưa chặt chẽ, đồng bộ. Nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc, các đơn vị chủ đầu tư phải chủ động hơn nữa trong công việc của mình và chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, chính quyền các địa phương nơi dự án đi qua. |