Tập đoàn InnovGreen mới đây đã có thư ngỏ gửi Chính phủ, nhân dân và các cơ quan truyền thông xin đổi các lô đất rừng “nhạy cảm” lấy diện tích đất rừng khác. Đây là một trong không ít dự án FDI đang được công luận đặc biệt quan tâm.
Trong lá thư ngỏ nêu trên, ông Wu Guo Wei, Tổng giám đốc Tập đoàn InnovGreen cho rằng, trong gần một năm qua, một số phương tiện thông tin đại chúng, diễn đàn, website… đưa tin về doanh nghiệp này thuê hàng trăm ngàn ha đất rừng đầu nguồn và các vị trí chiến lược biên giới Việt Nam, làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của InnovGreen.
Những lo ngại…
Vị Tổng giám đốc khẳng định: “Nếu giờ đây các khu đất chúng tôi đã được giới thiệu thuê được coi là “nhạy cảm, phương hại đến an ninh quốc phòng” thì InnovGreen sẵn sàng bàn giao lại toàn bộ các diện tích đó ngay nếu Nhà nước Việt Nam ban hành quyết định cho thuê và bàn giao đất ở khu vực khác với diện tích, thời hạn thuê tương đương, phù hợp để trồng rừng, đồng thời bồi thường các chi phí liên quan đến đầu tư làm đường, trồng, chăm sóc rừng đã thực hiện”. Thực tế, Công ty InnovGreen đã thuê 274.848 ha, chiếm 87% diện tích đất thuê của các dự án trồng rừng có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Với 8.123 ha đã được cấp, InnovGreen đã nộp ngân sách 77.946 USD. Như vậy, giá thuê đất trồng rừng trung bình khoảng 9,6 USD/ha, tương đương 180.000 đồng/ha, một mức được coi là rất “khiêm tốn”.
Tuy vậy, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Kỳ họp Quốc hội, các dự án đều đã được cấp phép đúng trình tự, thủ tục và tuân thủ các quy định luật đầu tư hiện hành ! Chưa rõ cách thức xử lý của cơ quan chức năng đối với đề nghị này của nhà đầu tư, song từ câu chuyện này có thể thấy, trong lĩnh vực FDI, những khoảng trống cả về hành lang pháp lý lẫn sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng là có. Và khi thấy có thể, tất sẽ có những nhà kinh doanh tìm cách lợi dụng.
Một dự án khác, dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp phức hợp Nam Hội An, do liên doanh Genting VinaCapital làm chủ đầu tư có vốn đầu tư đăng ký lên tới 4 tỷ USD vừa được UBND tỉnh Quảng Nam cấp phép giấy chứng nhận đầu tư. Vấn đề là ở chỗ quy mô, địa điểm và lĩnh vực kinh doanh của nó khiến người ta liên tưởng đến dự án Bãi Biển Rồng với số vốn 4,15 tỷ USD vừa bị rút giấy phép do không triển khai đúng cam kết. Bên cạnh đó, trong bối cảnh dòng đầu tư nước ngoài không còn dồi dào như trước, cộng thêm việc một số đối tác đầu tư truyền thống của Việt Nam như Hàn Quốc, Đài Loan, EU, Hoa Kỳ… gần đây đã kiểm soát chặt chẽ hơn dòng vốn đầu tư ra bên ngoài do bản thân nền kinh tế các nước này chậm phục hồi… đã khiến người ta không khỏi lo ngại về tính khả thi của dự án.
Chưa hết, những ngày gần đây rộ lên cuộc tranh luận về đề xuất xây dựng trường đua xe công thức 1 (Formula 1) tại Việt Nam. Ông Hans Geist, người đưa ra ý tưởng này đã có cuộc làm việc với Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Theo đó, trường đua sẽ được xây dựng trên một khu đất rộng 300 ha, bên bờ Vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa với chi phí xây dựng khoảng 150 triệu USD. Thời gian dự kiến để xây dựng trường đua này là 3 năm. Sau khi hoàn thành, Việt Nam có thể đăng cai một chặng trong giải F1 thế giới hàng năm.
Tuy nhiên, các nhà phân tích kinh tế cho rằng, thế giới hiện có hàng trăm trường đua lớn nhỏ khác nhau, nhưng đủ điều kiện để đua F1 thì tính cho đến mùa giải 2010, chỉ có 19 trường đua được chọn, trong đó có 8 trường đua tại châu Á (Malaysia, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Abu Dhabi và Bahrain). Cơ hội cho những nước như Việt Nam “kéo” F1 về nước mình là không nhiều. Mặt khác, hiệu quả kinh doanh từ việc xây dựng trường đua F1 thuần túy là… không tưởng ! Thái Lan, vốn có công nghiệp du lịch phát triển hơn Việt Nam rất nhiều, cũng chưa có trường đua loại này.
Một điểm không kém phần quan trọng khác, vị trí xây dựng trường đua (Vịnh Nha Trang) được coi là một địa điểm nhạy cảm về môi trường tự nhiên. Có ý kiến lo ngại, “kéo” được khách đến xem đua F1 vài ngày trong năm, chúng ta sẽ mất một lượng khách lớn trong tất cả những ngày còn lại ! Việc bãi biển Nha Trang và Mũi Né vừa bị đưa vào danh sách “bãi biển tệ nhất hành tinh” (dù có những tranh luận) vì những công trình nhân tạo đang lấn át cảnh quan thiên nhiên là một bài học đáng suy ngẫm.
Đó là những diễn biến mới, chưa kể câu chuyện đã hàng chục năm nay chưa đến hồi kết về “kỹ xảo” chuyển giá, về kết quả làm ăn thua lỗ trường kỳ của nhiều “đại gia” nước ngoài và nghịch lý “càng lỗ càng mở rộng sản xuất, kinh doanh” !
Và cách nhìn toàn cục
Trao đổi với DOANH NHÂN về vấn đề này, TS Phan Hữu Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đầu tư nước ngoài (CFIS), nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, không thể nhìn vào một vài “lát cắt” để đưa ra kết luận. Những năm qua và nhiều năm trước mắt, dòng vốn ngoại vẫn hết sức cần thiết đối với Việt Nam, góp phần tạo ra những thay đổi lớn lao về tăng trưởng kinh tế, giải quyết công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân…
“Chúng ta trách nhà đầu tư chưa bỏ vốn xứng đáng vào những dự án công nghệ cao; sản xuất, chế biến sâu để tạo ra giá trị gia tăng lớn, nhưng trong khi đó nhiều yếu kém nội tại vẫn chậm được cải thiện như thiếu điện, cơ sở hạ tầng dịch vụ thiếu, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu, thủ tục hành chính vẫn cồng kềnh, một bộ phận công chức nhũng nhiễu. Một ví dụ điển hình là Tập đoàn Intel lúc đầu có ý định đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), nhưng rồi khu này triển khai quá chậm, khiến họ phải thay đổi kế hoạch. Intel cũng phàn nàn rằng họ không sao tìm đủ nguồn nhân lực địa phương có tay nghề đáp ứng được công việc. Còn về những khoảng trống pháp luật bị lợi dụng thì “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, chúng ta cần phải kịp thời trám lại”, ông Thắng nhận định.
Tuy nhiên, ông Phan Hữu Thắng thừa nhận, ngay cả đầu mối quản lý là Cục Đầu tư nước ngoài không phải lúc nào cũng có đầy đủ thông tin để đánh giá tình hình FDI một cách toàn diện và chính xác, từ đó tham mưu kịp thời cho Chính phủ về định hướng, kế hoạch, giải pháp quản lý hữu hiệu đối với các dự án này. Việc phân cấp đầu tư đã khiến nguồn thông tin từ các địa phương, đơn vị không “chảy” về Cục này một cách thông suốt, kịp thời, đó là chưa kể trường hợp nhà đầu tư không có thiện chí hợp tác. Một ví dụ điển hình về sự bất cập trong công tác báo cáo định kỳ về FDI là việc vào năm 2008, Cục Đầu tư nước ngoài phải hai lần “chính thức công bố” số liệu về vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam !
“Theo chỗ tôi biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện, dự kiến ban hành trước cuối năm nay Thông tư quy định chế độ báo cáo định kỳ về FDI với những chế tài cụ thể cho việc không báo cáo đầy đủ thông tin. Đó là việc làm hết sức cần thiết, bên cạnh công kiểm tra, giám sát thường xuyên”, ông Thắng nói.
(Doanh Nhân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com