Chính sách thắt chặt chi tiêu công của Châu Âu diễn ra như một hiện tượng khu vực năm 2010 trong bối cảnh hội tụ nhiều yếu tố khách quan và chủ quan.
Tham gia khu vực eur, các nước thành viên đã tự tước bỏ khả năng sử dụng các công cụ lãi suất và tỉ giá như một động lực kích thích tăng trưởng kinh tế.
Lựa chọn bắt buộc
Họ chỉ còn sự lựa chọn duy nhất là tăng chi tiêu công trong bối cảnh lan tỏa toàn cầu của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính từ Mỹ những năm 2007 - 2008. Sự thái quá và lạm dụng chi tiêu công trong các nước vốn có chính sách an sinh xã hội cao này đã trực tiếp dẫn đến gánh nặng nợ công và thâm hụt NSNN, thậm chí đã trở thành cơn dịch đe dọa sự an toàn và lành mạnh của khu vực kinh tế được nhất thể hóa cao nhất thế giới này. Vì vậy, cắt giảm chi tiêu công nhằm khống chế nợ công và thâm hụt NSNN đã trở thành lựa chọn số 1 và bắt buộc của các nước trong khối EU nhằm cứu vẵn sự ổn định và uy tín của cộng đồng khối, cũng như tạo lòng tin cho các nhà đầu tư, từ đó giúp phục hồi kinh tế khu vực.
Chính sách thắt chặt chi tiêu chính phủ phải bắt đầu bằng ý thức của các công chức
(ảnh: xe công đi lễ chùa - vấn nạn đã bị lên tiếng nhiều nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để)
Sau khi chính phủ Hy Lạp công bố mức thâm hụt ngân sách của nước này là 12,7% GDP (trong khi mức cho phép của eurozone đối với mỗi nước thành viên là thâm hụt ngân sách không quá 3% GDP và tổng nợ công không quá 60% GDP) và ngày 23/4/2010 Hy Lạp chính thức cầu cứu EU và IMF, đến ngày 2/5/2010, Hy Lạp cho biết đạt được thỏa thuận với EU và IMF để nhận được gói giải cứu 110 tỷ eur, đổi lại nước này phải giảm chi tiêu 30 tỷ eur trong 3 năm tới. Đây là nước đầu tiên tại khu vực đồng tiền chung Châu Âu được hỗ trợ. Ngày 10/5/2010, một kế hoạch khẩn cấp trị giá 750 tỷ eur, tương đương gần 1.000 tỷ USD để hỗ trợ thị trường tài chính và vực dậy eur, ngăn đồng tiền này chịu ảnh hưởng tệ hại từ khủng hoảng nợ Hy Lạp được tung ra, bao gồm 440 tỷ eur từ các nước thuộc eurozone, 60 tỷ eur từ công cụ nợ của Châu Âu và IMF đóng góp 250 tỷ eur. Tiếp đó, 16 nước thành viên eurozone đã đua nhau đưa ra các kế hoạch thắt chặt chi tiêu, cụ thể: Ngày 18/5/2010 Chính phủ Đức, trong nỗ lực ngăn hoạt động đầu cơ tài chính được coi như nguyên nhân dẫn dến khủng hoảng nợ, công bố cấm bán khống vô căn cứ cổ phiếu của 10 tổ chức tài chính lớn nhất tại Đức, trái phiếu chính phủ eur và hợp đồng hoán đổi vỡ nợ tín dụng (CDS); tiếp đó, từ ngày 8/6/2010 công bố thực hiện một loạt chính sách nhằm tiết kiệm khoảng 80 tỷ USD từ nay đến năm 2014. Pháp cũng tuyên bố xóa bỏ một số chính sách miễn giảm thuế, ngừng các chương trình chi tiêu tốn kém kể từ năm 2011 để đưa thâm hụt ngân sách nhà nước từ 8% trong năm 2010 xuống còn 3% vào năm 2013... Ngay cả Anh, một nước ngoài khu vực eur, cũng công bố kế hoạch tiết kiệm hơn 7 tỷ eur từ ngân sách của các bộ như y tế, quốc phòng...
Tác động hai mặt
Chính sách thắt chặt chi tiêu chính phủ của các nước đang và sẽ có tác động hai mặt đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội: Một mặt, về nguyên tắc, chính sách thắt chặt chi tiêu công, thể hiện ở các nội dung như: giảm hoặc trì hoãn trả lương và tiền thưởng, trợ cấp hưu trí và các chế độ phúc lợi xã hội khác; bãi bỏ các khoản miễn, giảm thuế và tăng mức thu thuế đối với một số loại thuế và lĩnh vực, sản phẩm; trì hoãn hay cắt giảm các khoản đầu tư công và chi phí mua sắm công, kể cả chi phí quốc phòng; thậm chí nới lỏng các điều kiện tuyển dụng và sa thải lao động... sẽ trực tiếp và gián tiếp giúp giảm bớt các khoản chi từ NSNN, cải thiện thâm hụt NSNN, cũng như tình trạng nợ công khác, tăng niềm tin và khích lệ đầu tư xã hội, từ đó giúp khôi phục và ổn định kinh tế vĩ mô.
Thực tế cho thấy, việc điều chỉnh ngân sách dựa vào cắt giảm các khoản chi cho phúc lợi xã hội hoặc hóa đơn tiền lương của chính phủ sẽ tạo ra lợi ích về lâu dài, kéo giảm mức nợ công xuống thấp hơn và kích thích tăng trưởng GDP nhanh hơn so với việc giảm chi ngân sách dựa trên việc tăng thuế và cắt giảm đầu tư công. Vì vậy, hầu hết các nước Châu Âu đều chọn kế hoạch giảm tiền lương khu vực công và phúc lợi, là các hình thức cắt giảm ngân sách ít gây tổn hại cho quá trình phục hồi nền kinh tế. Việc cắt giảm mạnh tay chi tiêu khu vực công và phụ cấp đã được tiến hành ở Ireland, Tây Ban Nha và Hy Lạp. Italia dự định giảm lương khu vực công trong ba năm. Đức và Hy Lạp sẽ giảm chi lương hưu. Bồ Đào Nha giảm trợ cấp thất nghiệp. Về triển vọng, với một eur đang sụt giá, dao động ở khoảng 1,24 USD đổi lấy 1 eur cũng có thể là một đòn bẩy giúp xuất khẩu của khu vực sử dụng đồng tiền chung Châu Âu tăng lên, tức cho phép eurozone phần nào lấy lại cân bằng trước những thiệt thòi do chính sách cắt giảm chi tiêu gây nên.
Mặt khác, làn sóng cắt giảm chi tiêu công lại làm dấy lên một mối lo mới, vì có thể làm gia tăng tình trạng thất nghiệp và mất ổn định xã hội; làm tiêu giảm động lực tăng trưởng kinh tế từ khu vực công, khi mà sự hồi phục kinh tế vĩ mô trên phạm vi quốc gia hay toàn cầu, cũng như năng lực tài chính vi mô của nhiều DN, và cả sự hồi phục sức mua thị trường xã hội là chưa thực chắc chắn, tức sẽ đẩy các nền kinh tế rơi trở lại vùng suy thoái. Viễn cảnh thất nghiệp và tăng thuế suất nhằm giảm nợ công có thể sẽ làm tổn hại tới tình hình tài chính cá nhân, khiến hạn chế chi dùng cá nhân, tức đồng nghĩa với trì trệ sức mua và các thị trường có liên quan. Trong bối cảnh kinh tế khu vực eur đình đốn, tỉ lệ thất nghiệp tăng hơn 10%, trong đó Tây Ban Nha dẫn đầu, với 19%, việc siết chặt các khoản chi tiêu công nhằm giảm bớt nợ công, thu hẹp thâm hụt ngân sách nhằm lấy lại uy tín trong mắt các nhà đầu tư, tô điểm lại hình ảnh của đồng tiền chung Châu Âu, rất có thể đi ngược lại mục đích kích thích kinh tế phát triển, thậm chí làm căng thẳng thêm tình trạng khủng hoảng ngân sách cấp bách do thu thuế bị sụt giảm và tiền trả cho người thất nghiệp tăng lên... tạo ra vòng luẩn quẩn định mệnh với nguy cơ suy thoái kép, cả do từ các nguyên nhân khó khăn bên ngoài, lẫn do các nguyên nhân bên trong tự thân chính sách thắt chặt chi tiêu của chính phủ gây ra. Điển hình là Ireland, việc hạn chế chi tiêu đã dẫn đến giảm sản lượng đầu ra, tăng thất nghiệp và tăng lãi suất trái phiếu thay vì đầu tư mới. Nếu Anh, Đức hoặc những nước khác cũng làm như vậy thì chính sách này sẽ có ảnh hưởng hệ thống đến Châu Âu và toàn thế giới.
Ở Anh, Chương trình giảm chi tiêu trị giá 80 tỉ Bảng (là chương trình cắt giảm thâm hụt ngân sách mạnh tay nhất trong 60 năm qua) để giảm thâm hụt ngân sách 156 tỉ Bảng và khối nợ lớn của nước này, sẽ khiến khoảng nửa triệu lao động trong lĩnh vực công tại Anh có thể mất việc. Trước đó, lương của phần lớn người lao động trong cơ quan của chính phủ đã bị “đóng băng” trong 2 năm (theo chương trình thắt chặt ngân sách công bố tháng 6/2010). Từ năm 2013, khoảng 1,2 triệu gia đình Anh sẽ mất trợ cấp nuôi con, ngoài ra, phúc lợi của hàng chục nghìn người Anh khác bị cắt giảm. Nếu chính phủ Anh quyết định ngừng trợ cấp nhiên liệu mùa đông, hàng triệu người về hưu tại Anh sẽ mất trợ cấp này. Hiện khoảng 12 triệu người Anh nhận trợ cấp nhiên liệu mùa đông. Việc áp dụng chính sách "thắt lưng buộc bụng", giảm phúc lợi xã hội, thắt chặt chi tiêu, giảm lương và sa thải lao động... khiến người lao động bất bình và làn sóng biểu tình và bãi công lớn nhất trong hơn 40 năm qua đang lan rộng toàn Châu Âu, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Pháp, Italia, Czech, Ðức đến Anh và Ireland. Khẩu hiệu đình công là đặt con người và nhu cầu thiết yếu lên trên thị trường và lợi nhuận, không được trút gánh nặng khủng hoảng kinh tế lên lưng người lao động một cách bất công, trong khi họ đang mất dần các quyền lợi, các khoản thu nhập và lương hưu; không được bắt người lao động trả giá cho khủng hoảng và các chính sách thời hậu khủng hoảng mà họ là nạn nhân. Chính Thủ tướng Ðức A.Merkel cũng thừa nhận rằng, những năm tới sẽ là thời kỳ khó khăn đối với Châu Âu...
Chính phủ yêu cầu giảm bội chi ngân sách nhà nước năm 2011 xuống dưới 5% GDP Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/2 về 6 nhóm giải pháp chủ yếu để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. 6 nhóm giải pháp chủ yếu để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Theo Nghị quyết, Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương chưa khởi công các công trình, dự án mới sử dụng vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ, trừ các dự án phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai cấp bách, các dự án trọng điểm quốc gia và các dự án được đầu tư từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Bộ Tài chính có nhiệm vụ chủ trì xem xét miễn, giảm thuế, gia hạn thời gian nộp thuế nguyên liệu đầu vào nhập khẩu phục vụ sản xuất xuất khẩu đối với những ngành hàng trong nước còn thiếu nguyên liệu (như dệt may, da giầy, thủy sản, hạt điều, gỗ, dược phẩm,...); tiếp tục tạm hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với hàng hóa thực xuất khẩu trong năm 2011. Về chính sách tiền tệ, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng nhà nước VN chủ trì điều hành và kiểm soát để bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán khoảng 15-16%. Chính phủ yêu cầu giảm bội chi ngân sách nhà nước năm 2011 xuống dưới 5% GDP; phấn đấu bảo đảm nhập siêu không quá 16% tổng kim ngạch xuất khẩu;... Trong quý II/2011, cơ quan này phải trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng tập trung đầu mối nhập khẩu vàng, tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do. Chính phủ quyết nghị việc yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương chủ động sắp xếp lại các nhiệm vụ chi để tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của 9 tháng còn lại trong dự toán năm 2011 (không bao gồm chi tiền lương và các khoản có tính chất lương, chi chế độ chính sách cho con người và tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo kế hoạch đầu năm). Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng con số tiết kiệm cụ thể của các Bộ, cơ quan, địa phương ngay trong tháng 3 này. Chính phủ yêu cầu tạm dừng trang bị mới xe ôtô, điều hòa nhiệt độ, thiết bị văn phòng; giảm tối đa chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu,...; không bố trí kinh phí cho các việc chưa thật sự cấp bách; tiết giảm tối đa chi phí hội nghị, hội thảo,... Xử lý nghiêm, kịp thời và công khai những sai phạm. Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thành lập các đoàn kiểm tra, rà soát toàn bộ các công trình, dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ đã được bố trí vốn năm 2011, đề xuất biện pháp xử lý với Thủ tướng trong tháng 3/2011. Theo Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, tập trung chỉ đạo hỗ trợ giảm nghèo tại các địa phương, nhất là tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; hỗ trợ các hộ nghèo, địa phương nghèo xuất khẩu lao động; cho vay học sinh, sinh viên;... Về công tác thông tin, tuyên truyền, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, ban ngành trung ương và UBND các tỉnh phải chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch cho báo chí, nhất là những vấn đề dư luận quan tâm. 6 nhóm giải pháp gồm: Thứ nhất, thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; Thứ hai, thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước; Thứ ba, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, sử dụng tiết kiệm năng lượng; Thứ tư, điều chỉnh giá điện, xăng dầu gắn với hỗ trợ hộ nghèo; Thứ năm, tăng cường bảo đảm an sinh xã hội; Thứ sáu, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền. |
TSNguyễn Minh Phong
Viện nghiên cứu phát triển KTXH Hà Nội
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com