Điều quan trọng trong điều hành tiền tệ là phải tạo được sự ổn định dài hạn nhằm củng cố niềm tin của người dân vào đồng nội tệ. Như thế, tự khắc nó sẽ hóa giải được việc găm giữ USD.
Các biện pháp cương quyết của cơ quan quản lý vừa qua đã thay cho lời cảnh báo mạnh mẽ về việc siết chặt thị trường ngoại hối. Tuy nhiên, để xóa bỏ thị trường tự do và thói quen găm giữ USD không phải muốn là được, và không phải cứ bằng biện pháp hành chính là xong.
Buông quá đâm khó quản
Từ Tết Nguyên đán trở ra, cơ quan quản lý đang triển khai hàng loạt các biện pháp mạnh mẽ để chấn chỉnh thị trường ngoại hối, trong đó tập trung vào việc giao dịch hàng hóa bằng USD và mua bán USD tự do. Hiệu quả gần như tức thì khi thị trường USD chợ đen lập tức ngừng giao dịch; một vụ bắt giữ mua bán USD số lượng lớn đã được thực hiện...
Bắt quả tang mua bán trái phép gần 400.000 USD là vụ việc lớn nhất từ trước đến nay, song đối với đa số người dân, đây có lẽ không phải là chuyện gì "quá lớn". Thực tế, những giao dịch như thế đã trở nên quen thuộc, và có nhiều vụ mua bán số lượng lớn hơn rất nhiều không bị phát hiện.
Một điều phải thừa nhận, dù Việt Nam đã có các quy định hệ thống và cụ thể về giao dịch ngoại tệ nhưng một thời gian dài, rất nhiều quy định đã không được thực thi. Cơ quan quản lý đã buông lỏng dẫn đến sự dễ dàng và công khai trong sử dụng USD.
Chẳng hạn, ra quy định cấm niêm yết hàng hóa bằng USD trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng thực tế lại diễn ra phổ biến kéo dài nhiều năm qua. Từ việc nhỏ nhất là chén cà phê, cốc nước giải khát tính bằng USD, lớn hơn là thiết bị điện tử, đồ công nghệ nhập khẩu niêm yết bằng USD, và cả những tài sản lớn như nhà đất cũng chọn USD làm đơn vị niêm yết và thanh toán. Việc đó diễn ra công khai và hầu như cả người mua và người bán đều chấp nhận nó như một sự bình thường.
Thậm chí, cơ quan chức năng cũng làm ngơ, để tình trạng này kéo dài nhiều năm. Chỉ đến khi giá USD biến động, người dân bị thiệt hại và kêu ca nhiều thì nhà quản lý mới có các văn bản và tổ chức đi kiểm tra chấn chỉnh.
Cũng như thế, theo quy định, người dân không được tích trữ và mua bán USD trái phép, nhưng trong hệ thống ngân hàng Việt Nam lại vẫn duy trì hình thức huy động vốn bằng USD; tiền gửi ngoại tệ của người dân được xem là nguồn tài sản hợp pháp của cá nhân. Các ngân hàng vẫn nồng nhiệt chào đón những nguồn vốn này mà không bao giờ có thủ tục xác minh nguồn gốc ngoại tệ ở đâu.
Trong khi đó, trên thị trường tự do, việc mua bán trao đổi diễn ra công khai và thoải mái không hạn chế về đối tượng và số lượng. Người dân tự do mua bán. Đến nỗi, bất cứ khi nào có nhu cầu, thay vì nghĩ đến ngân hàng người dân ra thẳng các "chợ USD" tự do là được đáp ứng. Hơn thế, các DN khi cần USD với số lượng lớn cũng có thể được đáp ứng...
Một thị trường như thế đã tồn tại và ngày càng bành trướng. Nó còn tác động lớn vào tâm lý người dân, gây sức ép lên chính sách điều hành..., song chưa bao giờ có một biện pháp nào đề xuất để xử lý triệt để. Thị trường này được thể cứ phát triển rộng ra.
Như vậy, dù được chấp nhận như việc gửi tiết kiêm USD, hay không được chấp nhận về mặt pháp lý, nhưng sự dễ dãi để cho tồn tại... khiến việc giao dịch và sở hữu USD của người dân trở nên phổ biến và trở nên quen thuộc. USD vô hình chung trở thành một tài sản tích lũy, một phương tiện thanh toán... mà nhiều người dân không còn ý thức đó là những việc phạm luật.
Rõ ràng, thị trường và người dân đã vi phạm những quy định về quản lý và giao dịch USD, nhưng thật khó trách họ khi chính các cơ quan chức năng đã buông lỏng quản lý, để mọi việc dường như quá đà. Người dân thấy có lợi thì làm, và khi điều đó đã trở thành một thói quen sẽ khó thay đổi. Có lẽ vì thế, bây giờ siết lại quá khó?.
Gốc là tạo niềm tin vào đồng Việt Nam
Vì sao người dân thích chọn đồng USD để thanh toán và như là tài sản lưu trữ? Điều này đã được giải thích rất nhiều lần, đó là do người dân và doanh nghiệp luôn coi sử dụng USD như cách để chống mất giá.
Thực tế, từ nhiều năm qua, Việt Nam liên tục điều chỉnh tỷ giá khiến cho VND mất giá đáng kể so USD. Lần điều chỉnh mới đây nhất, USD đã tăng giá hơn 9% so với VND. Theo tính toán của TS. Vũ Đình Ánh (Viện Khoa học Thị trường giá cả - Bộ Tài chính), đồng tiền Việt Nam so với chính nó từ năm 2008 đến nay mất giá khoảng 43%. Trong khi đó, tỷ giá hối đoái chúng ta điều chỉnh tỷ giá 6 lần (từ tháng 1/2008 đến nay), đồng Việt Nam mất giá so với USD là 28%.
Qua mỗi lần như thế, người dân mua hàng "ngoại" đắt đỏ hơn, DN tốn kém hơn khi nhập khẩu, người mang nợ bằng ngoại tệ sẽ thêm gánh nặng... nếu quy đổi từ USD ra Việt Nam đồng. Trong khi đó, người có tài sản và hàng hóa nếu định giá bằng VND sẽ cảm thấy thiệt thòi khi tính lại bằng USD.
Hơn thế, việc điều chỉnh USD diễn ra khá dày trong những năm gần đây, cộng với việc điều chỉnh thường diễn ra một cách khá bất ngờ, khiến nhiều người dân và DN không kịp trở tay. Cách tốt nhất là người ta tự bảo hiểm cho mình bằng việc dùng USD để tích trữ và thanh toán.
USD là một ngoại tệ mạnh, giá trị và sự ổn định của nó khiến cho rất nhiều người coi đây là một tài sản tích lũy để bảo toàn giá trị. Trong khi đó, với lạm phát và điều chỉnh tỷ giá làm VND tự mất giá, và mất giá khá lớn so với USD những năm qua.
Vì thế, không có gì khó hiểu khi các chuyên gia luôn nhắc đi nhắc lại nguyên nhân sâu xa của việc găm giữ và ưu tiên thanh toán bằng USD của người dân xuất phát từ nguyên nhân sâu xa là niềm tin của người dân vào chính sách điều hành, sự ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định giá trị của đồng tiền.
Khi niềm tin chưa được củng cố thì có lẽ, không cách này hay cách khác, người dân vẫn cố làm sao để sở hữu USD, để tin rằng tài sản của mình không bị mất giá. Thậm chí, nếu không có USD, người ta sẽ chọn một phương thức khác và một tài sản khác.
Một chuyên gia kinh tế nhấn mạnh rằng, điều quan trọng trong điều hành tiền tệ là phải tạo được sự ổn định dài hạn nhằm củng cố niềm tin của người dân vào nội tệ. Như thế, tự khắc nó sẽ hóa giải được việc găm giữ USD. USD ở Việt Nam không thiếu, nhưng chúng ta luôn khan hiếm vì không ai dám bán ra vì tâm lý sợ USD tăng giá đeo bám.
Vì thế, trong khi các cơ quan chức năng đang làm ráo riết để giải quyết tính trạng giao dịch USD trái phép, làm thị trường tự do đóng băng nhưng dường như, đó mới chỉ là bề nổi khi tất cả đang nghe ngóng và rút vào hoạt động "ngầm", mà vụ bắt gần 400.000 USD mới đây là một ví dụ.
Thực thi các biện pháp quản lý hành chính mạnh tay là cần thiết, nhưng có lẽ, việc đó mới chỉ giải quyết được phần nào câu chuyện. Điều quan trọng để thay đổi được thói quen sử dụng và tích trữ USD cần phải làm cho người dân có niềm tin vào VND - lúc đó cùng với các chính sách quản lý mạnh mẽ, người dân sẽ từ bỏ dần. Điều đó đòi hỏi một sự đồng bộ từ chính sách đến nguồn lực ngoại tệ và cả những giải pháp tuyên truyền cụ thể. Còn không, sẽ rất khó giải quyết triệt để được vấn đề.
(vef)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com