Năm 2010, thị trường liên tiếp chứng kiến 2 kỷ lục về giá USD và giá vàng. Sự can thiệp của nhà điều hành vào thị trường còn khá thụ động.
1. Việt Nam liên tục bị các tổ chức nước ngoài hạ bậc tín nhiệm
Năm 2010, Việt Nam bị 3 tổ chức nước ngoài là Fitch, Moody’s và Standard & Poor’s hạ bậc tín nhiệm.
Đồng thời 6 ngân hàng lớn là ACB, BIDV, MB, SHB, Techcombank, VIB cũng bị các tổ chức xếp hạn nước ngoài hạ bậc xếp hạng tín dụng.
Nguyên nhân chính để các tổ chức này hạ bậc xếp hạng Việt Nam là do ảnh hưởng của vụ "Vinashin".
Trong nước, số nợ của Vinashin với các Ngân hàng thương mại nhà nước lớn lên đến 16.000 tỷ đồng (đã được cơ cấu lại), Thống đốc Ngân hàng nhà nước cho biết.
Thống đốc ngân hàng nhà nước cũng cho biết thêm, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng năm 2010 là 2,4%, nhưng nếu tính thêm khoản nợ của Vinashin, tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng thêm 0,7%.
Ngoài ra, việc dự trữ ngoại hối ở mức thấp (có thời điểm chỉ đảm bảo 7-8 tuần nhập khẩu), tăng trưởng tín dụng nóng, lạm phát leo thang và đồng nội tệ mất giá cũng khiến Việt Nam bị hạ bậc xếp hạng.
Việc Việt Nam bị hạ tín nhiệm sẽ tác động rất lớn tới các ngân hàng và doanh nghiệp đang có trái phiếu phát hành trên thị trường quốc tế. Nguyên nhân là lợi tức đối với các trái phiếu này sẽ tăng cao khi nhà đầu tư lo ngại hơn về rủi ro trả nợ.
Trong trường hợp các ngân hàng nội địa chào bán cổ phiếu cho đối tác nước ngoài để tăng thêm vốn, thị giá của chứng khoán cũng sẽ bị ảnh hưởng do uy tín tài chính của các ngân hàng Việt Nam nói chung bị giảm sút.
2. Các ngân hàng liên tục phá vỡ đồng thuận
Năm 2010, chính phủ đồng ý cho thực hiện lãi suất thoả thuận thì Hiệp hội Ngân hàng đã phải ba lần can thiệp bằng cách yêu cầu các Ngân hàng cam kết áp trần lãi suất huy động, tránh cuộc đua lãi suất trong toàn hệ thống.
Tuy nhiên, các mức đồng thuận 11%, 12% và 14% lần lượt đều bị các ngân hàng phá vỡ.
Đỉnh điểm là khi Techcombank áp dụng chương trình khuyến mại “3 ngày vàng” với lãi suất huy động cao nhất 17,6%, trong khi mức trần theo quy định là 14%. Việc làm này đã tạo ra cuộc đua lãi suất nóng trong hệ thống, các ngân hàng TMCP nhỏ đã áp dụng biện pháp thoả thuận ngầm với lãi suất lên đến 18%.
Lãi suất huy động tăng cao khiến cho lãi suất cho vay cũng tăng đột biến lên 21%. Trong khi đó lãi suất liên ngân hàng liên tục tăng, có lúc tất cả các kì hạn lãi suất đều ở mức trên 13%.
Trước tình hình này, NHNN đã phải can thiệp bằng cách chỉ đạo các NHTM không được vượt quá mức lãi suất huy động 14%, đồng thời, nhịp nhàng bơm vốn trên OMO (có tuần ngân hàng nhà nước bơm ròng 12.000 tỷ đồng - theo CTCK Bảo Việt) để bình ổn thị trường.
Hiện nay, tình hình lãi suất huy động và cho vay trên thị đã ổn định trở lại, lãi suất huy động chủ yếu từ 14% trở xuống, lãi suất cho vay giảm về 18 – 20%. Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất qua đêm giảm về 10%.
3. Chật vật đảm bảo hệ số CAR 9%
Thông tư 13 có hiệu lực từ 1/10/2010, theo đó các Ngân hàng thương mại phải nâng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu từ 8% lên 9%, khiến một loạt ngân hàng phải lên kế hoạch thu xếp lại nguồn vốn tự có qua việc thoái bớt vốn hay quyết định rút lui không rót thêm vốn cho các đợt phát hành cổ phiếu tăng thêm tại các tổ chức tín dụng khác trong năm nay.
Điển hình là trường hợp của Vietcombank, một ngân hàng lớn nhưng lại phải qua 2 lần tăng vốn mới đảm bảo hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR). Bên cạnh đó, Vietcombank cũng phải bán đi 10 triệu cổ phiếu của Eximbank để thu xếp vốn.
Thông tư 13 cũng quy định tổng dư nợ cho vay và chiết khấu giấy tờ có giá không vượt quá 20% vốn điều lệ. Điều này sẽ khiến các Ngân hàng buộc phải tăng huy động từ dân, gây nguy cơ về cuộc đua lãi suất trong hệ thống.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định tỷ lệ cho vay không được vượt quá 80% vốn huy động (Đáng chú ý vốn huy động sẽ không còn bao gồm: Vốn tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức, vốn tự có của NHTM, vốn đầu tư của tổ chức), gây khó khăn cho việc cấp tín dụng của Ngân hàng.
Nhìn thấy khó khăn, các Ngân hàng đã phải nhờ tới sự giúp đỡ của Hiệp hội Ngân hàng để có những kiến nghị về sự bất hợp lý của Thông tư 13 lên NHNN.
Và chỉ ngay trước khi Thông tư 13 chính thức có hiệu lực vài ngày, NHNN đã ban hành Thông tư 19 sửa đổi bổ sung một số điều của thông tư 13. Theo đó, các ngân hàng đã dễ thở hơn khi 25% tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức kinh tế và khoản vay của TCTD khác có thời hạn từ 3 tháng trở lên được tính vào nguồn vốn huy động, đồng thời các ngân hàng sẽ không còn bị hạn chế bởi tỷ lệ 20% vốn vay trên thị trường liên ngân hàng để cấp tín dụng.
4. Chênh lệch giữa tỷ giá trên thị trường tự do và thị trường chính thức hơn 10%
Năm 2010 Ngân hàng nhà nước đã có hai đợt điều chỉnh tỷ giá nhằm kiềm chế nhập siêu, tuy nhiên điều này cũng khiến tỷ giá biến động khó lường.
Lần điều chỉnh thứ nhất vào ngày10/2/2010, NHNN điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng từ 17.941 đồng lên 18.544 đồng/USD (tăng 3,3%), như vậy trần mua bán USD tại các NHTM là 19.100 đồng/USD.
Tỷ giá trên được duy trì trong 6 tháng, đến 17/8 NHNN điều chỉnh lần thứ hai, tỷ giá bình quân liên ngân hàng tăng lên 18.932 đồng/USD, trần mua bán USD tại các NHTM tăng lên 19.500 đồng/USD.
Sau khi NHNN điều chỉnh tỷ giá lần 2, giá USD trên thị trường tự do tăng lên mức kỉ lục 21.400 VND/USD. Chênh lệch giữa tỷ giá trên thị trường tự do và tỷ giá niêm yết tại ngân hàng là hơn 10%.
Trước việc chênh lệch quá cao so với mức bình thường, NHNN đã phải bơm mạnh ngoại tệ nhằm bình ổn tỷ giá, theo nguồn tin từ NHNN, trong tháng 10 đã có 200 triệu USD được bơm ra để bình ổn thị trường. Sau động thái này, giá USD hạ nhiệt dần, giảm xuống dưới 21.000 VND/USD.
5. Giá vàng trong nước lập kỉ lục, NHNN phải 3 lần cho nhập vàng.
Năm 2010, giá vàng trong nước đã lập kỉ lục lên cao nhất 38,5 triệu đồng, tăng 43,6% so với năm 2009. Có thời điểm, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới 2 triệu đồng/lượng. Kết thúc năm 2010, giá vàng trong nước tăng 35% so với năm 2009.
Giá vàng thế giới cũng lập kỷ lục của năm lên 1.427,8 USD/oz, việc giá vàng vượt ngưỡng 1.400 USD/oz là nguyên nhân chính khiến giá vàng trong nước tăng đột biến.
Kết thúc năm 2010, giá vàng thế giới tăng khoảng 321,60 USD/oz, tương đương khoảng 29,18% so với năm 2009. Đây là năm giá vàng tăng cao nhất kể từ năm 2007.
Trong năm nay, để bình ổn giá vàng trong nước, NHNN đã 3 lần cho phép nhập khẩu vàng, trong đó 2 lần nhập vàng với số lượng 13 tấn, giảm thuế nhập khẩu vàng từ 1% còn 0% và tăng thuế xuất khẩu vàng từ 0% lên 1%.
Sau khi giá vàng trong nước lập kỉ lục vào tháng 11, NHNN cho phép nhập vàng, từ đó đến nay giá vàng đã hạ nhiệt dần, chỉ xoay quanh mốc 36 triệu đồng/lượng, hiện nay giá vàng trong nước đã thấp hơn giá vàng thế giới khoảng 100.000 đồng/lượng.
6. NHNN siết chặt huy động, cho vay vàng để chống đôla hóa
Ngày 28/10, NHNN ban hành Thông tư 22 về quản lý huy động và cho vay bằng vàng đối với TCTD.
Theo đó, các tổ chức tín dụng không được cho vay để sản xuất và kinh doanh vàng miếng; không được chuyển đổi vốn bằng vàng thành VND, đối với số vốn bằng vàng đã chuyển đổi thành tiền trước đây phải giảm dần và tất toán chậm nhất là ngày 30/6/2011; không được huy động và cho vay bằng VND bảo đảm giá trị theo giá vàng.
Trước đây, tổ chức tín dụng được chuyển tối đa 30% vốn bằng vàng huy động được thành tiền, nhưng có hiện tượng tổ chức tín dụng sử dụng nguồn vốn bằng tiền chuyển đổi để quay vòng đầu cơ vàng và ngoại tệ, ảnh hưởng xấu đến thị trường ngoại hối và tỷ giá.
Mặc dù hạn chế được việc đầu cơ, nhưng Thông tư 22 đã tác động lớn đến tâm lý của nhà đầu tư do lo ngại nhu cầu vàng sẽ tăng lên khi các hợp đồng vay vàng toàn hệ thống (tương đương 55,6 tấn) đáo hạn, trong khi cung vàng trên thị trường khan hiếm do nguồn cung từ phía ngân hàng đã bị chặn lại.
Chính thông tư 22 cũng là nguyên nhân khiến giá vàng và USD tăng cao bên cạnh tác động của giá vàng thế giới và việc điều chỉnh tỷ giá.
7. Đóng cửa sàn giao dịch vàng nhưng vẫn xuất hiện sàn vàng chui
Ngày 6/1/2010, NHNN yêu cầu các TCTD và doanh nghiệp kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài phải chấm dứt mọi hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài.
Quyết định này khiến cho thị vàng trầm lắng trong một thời gian. Tuy nhiên, trước nhu cầu của giới đầu tư, những sàn vàng “chui” vẫn tồn tại, gây ra nhiều rủi ro với các nhà đầu tư.
Trước tình hình này, BIDV và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã có đề xuất với Chính phủ khôi phục lại hoạt động của sàn vàng nhưng có sự quản lý chặt chẽ hơn.
8. Gia hạn tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng cho các Ngân hàng thêm 1 năm
Nhằm giảm bớt áp lực về thời gian tăng vốn cho các TCTD, chấp thuận phương án đề xuất của NHNN, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo giao NHNN trình Chính phủ trước ngày 15/12/2010 việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 141 theo hướng gia hạn thời gian tăng vốn điều lệ cho các TCTD đến 31/12/2011.
Việc giãn tăng vốn đúng vào lúc thời hạn chót gần kề được xem như là giảm mối lo của thị trường. Tuy nhiên, việc giãn thời hạn tăng tăng vốn của ngân hàng có thể sẽ chuyển gánh nặng áp lực sang năm 2011 do còn tới 14/23 ngân hàng chưa hoàn thành việc tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng (tính đến ngày 30/12/2010) với tổng số vốn cần huy động thêm là gần 15.000 tỷ đồng.
(Báo điện tử Doanh nhân Việt Nam toàn cầu)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com