Sau hơn 20 năm thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN), Việt Nam tiếp thu một lượng vốn và công nghệ rất đáng khích lệ, góp phần tạo hàng triệu việc làm. ĐTNN đang khẳng định là một kênh cấp vốn cho tăng trưởng kinh tế. Song quá trình thu hút vốn và những hoạt động liên quan còn bộc lộ một số tồn tại cần từng bước khắc phục.

Lắp ráp ô tô tại Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam). Ảnh: Bá Hoạt
Theo các chuyên gia, hoạt động ĐTNN tại Việt Nam trong thời gian qua còn một số tồn tại không thể xem nhẹ. Trước hết là hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư, kinh doanh đối với DN có vốn ĐTNN vẫn còn một số điểm thiếu đồng bộ. Trên thực tế, hơn 20 năm qua là quá trình vừa nghiên cứu chính sách, vừa tiếp nhận dòng vốn, triển khai các hoạt động liên quan đến ĐTNN. Cơ quan quản lý phải thường xuyên ban hành, điều chỉnh hệ thống văn bản để tạo ra một khung pháp lý phù hợp nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, ở từng thời điểm những quy định về thuế, hải quan, điều kiện ưu đãi... vẫn tạo ra cách hiểu khác nhau gây khó khăn cho việc xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư cũng như hướng dẫn DN xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai dự án.
Việc phân cấp toàn bộ cho UBND các địa phương và Ban Quản lý khu công nghiệp - khu chế xuất trong quản lý ĐTNN là chủ trương đúng, tạo thế chủ động và nâng cao trách nhiệm cho địa phương trong quản lý hoạt động ĐTNN. Song, trong điều kiện một số quy hoạch chưa đồng bộ, việc phân cấp đang bộc lộ một số hạn chế. Cụ thể, nhận thức về thu hút và quản lý vốn ĐTNN tại các địa phương chưa đồng nhất, có khi nóng vội, thiên về lợi ích trước mắt, chưa tính đến vấn đề chiến lược. Một số nơi còn chạy theo số lượng thu hút đầu tư mà thiếu quan tâm đến chất lượng, ảnh hưởng đến cân đối tổng thể của nền kinh tế. Bài học về cấp phép ồ ạt các dự án sân gôn, dự án khai thác khoáng sản và trồng rừng cần được nhìn nhận, rút kinh nghiệm nghiêm túc. Người ta vẫn chưa quên những thông tin về quy mô vốn của một số dự án được "thổi" lên đầy hứa hẹn tới hàng chục tỷ USD nhưng cuối cùng chỉ là "hình như" hoặc "dự định"... Ở đây cũng có vấn đề yếu kém về trình độ thẩm định và mỏng về đội ngũ những người làm công tác quản lý ĐTNN. Vai trò điều phối, kiểm soát, hướng dẫn của các bộ, ngành còn những hạn chế, thiếu các quy hoạch hoặc quy hoạch không cụ thể, đôi lúc lúng túng trước yêu cầu kết hợp hài hòa giữa lợi ích địa phương với lợi ích tổng thể của quốc gia.
Các cơ quan quản lý chỉ ra rằng, quá trình hoạt động của nhiều dự án ĐTNN ở Việt Nam là nguyên nhân trực tiếp gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, đặc biệt là nguồn nước, không chỉ gây thiệt hại cho sản xuất mà còn gây bất ổn xã hội, phương hại đến sức khỏe cộng đồng cùng những hệ lụy lâu dài mà chưa thể "đong đếm" một sớm một chiều. Trường hợp Công ty Vedan là minh chứng cụ thể. Đây là vấn đề cần được quan tâm rút kinh nghiệm từ khâu rà soát, thẩm tra, cấp giấy chứng nhận đến triển khai thực hiện, cũng như quá trình hoạt động của dự án.
Nhìn chung công nghệ áp dụng ở Việt Nam ở các dự án ĐTNN thường cao hơn mặt bằng công nghệ cùng ngành trong nước. Tuy vậy, mức độ hiện đại chưa thể so với mặt bằng chung của DN ở chính quốc, chưa đáp ứng yêu cầu tiếp thu công nghệ nguồn - công nghệ hiện đại để đẩy nhanh tốc độ CNH-HĐH. Cá biệt, có nhà đầu tư đã lợi dụng việc thiếu các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, sự yếu kém trong kiểm tra giám sát để nhập thiết bị lạc hậu hoặc không phù hợp vào Việt Nam. Sự chuyển giao công nghệ mới, hiện đại cho đối tác Việt Nam sau 20 năm chỉ dừng lại mức rất khiêm tốn. Bài học về sự thất bại trước mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ô tô đích thực ở Việt Nam thông qua các dự án ĐTNN là một ví dụ, khi đến nay có tới hơn 10 dự án ô tô có vốn nước ngoài chủ yếu dừng lại ở những công đoạn lắp ráp linh kiện nhập khẩu, mức độ nội địa hóa chưa đạt 10%.
Mức vốn thực hiện trong tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án chưa thật sự thuyết phục, trong đó không ít trường hợp chậm triển khai các hạng mục, dẫn đến chậm tiến độ hoạt động đủ công suất hoặc kéo dài giai đoạn đầu tư, hoàn chỉnh cho dây chuyền sản xuất. Đến nay, cả nước đã tiếp nhận gần 200 tỷ USD vốn ĐTNN đăng ký nhưng mới có khoảng hơn 80 tỷ USD được giải ngân, một phần lớn vốn vẫn tồn tại dưới dạng "tiềm ẩn" chưa thể phát huy trong sản xuất, kinh doanh, nhất là không tạo ra được những đóng góp thỏa đáng khi nền kinh tế cần được tiếp sức.