Lãi suất USD vọt lên 6%, sau khi lãi suất VNĐ bị khống chế 14%. |
Vậy tại sao trong suốt thời gian dài lãi suất không giảm, mặc dù Chính phủ đã đưa ra chủ trương này và NHNN cùng Hiệp hội Ngân hàng đã có nhiều nỗ lực? Có ý kiến cho rằng, những cơn “sóng ngầm” lãi suất trong suốt thời gian qua có một phần nguyên nhân từ việc áp dụng quy định mới của Ngân hàng Nhà nước về an toàn vốn đối với các ngân hàng, bao gồm yêu cầu nâng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu từ 8% lên 9% và thay đổi cách tính tỷ lệ này.
Theo chuyên gia về tài chính, tiền tệ Phan Thanh Hà ở Bộ Kế hoạch và đầu tư, biểu hiện “lâm sàng” dễ thấy nhất của thị trường tiền tệ đang bị “méo mó” thể hiện ngay trên bảng niêm yết các mức lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại hiện nay. Đó là gần như chỉ có một mức lãi suất cho tất cả các kỳ hạn.
Theo lẽ thường, nếu kỳ hạn tiền gửi vào ngân hàng càng lâu thì lãi suất sẽ càng cao do rủi ro càng lớn. Tuy nhiên theo dõi bảng lãi suất của các NHTM những năm gần đây thì chúng ta thấy điều ngược lại. Chẳng hạn, lãi suất huy động tiết kiệm tiền VNĐ của ngân hàng An Bình có kỳ hạn một tuần ngang bằng với ba tháng đều là 14%. Nhưng nếu gửi trong thời gian 48 tháng thì lãi suất người gửi được hưởng sẽ chỉ là 12%. Và điều này tất yếu dẫn đến việc người dân sẽ chỉ chọn gửi tiền ngắn hạn để hưởng lãi suất cao. Những người trước đó gửi tiền chót gửi dài hạn thì nay cũng rút trước hạn để gửi lại ngắn hạn để thu lợi. Chính vì vậy, NHNN lại phải áp dụng biện pháp hành chính để ngăn chặn làn sóng này. Trong Thông tư số 04/2011/TT-NHNN ban hành ngày 10-3-2011, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định, trong trường hợp tổ chức, cá nhân rút tiền gửi trước hạn, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ chỉ được áp dụng lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng theo từng đồng tiền.
Qua đó, nhiều người đặt câu hỏi phải chăng vào thời điểm này, các ngân hàng đang thiếu tiền và họ chỉ cần tiền trong ngắn hạn? Ai sẽ là khách hàng của các ngân hàng trong thời điểm lãi suất cao này? Theo một cuộc khải sát nhỏ của người viết thì hầu hết các doanh nghiệp đều chưa có ý định đi vay ngân hàng để mở rộng sản xuất, kinh doanh trong thời gian này. Theo họ, số doanh nghiệp buộc phải đi vay thời điểm này là để duy trì hoạt động hoặc đáo hạn cho các khoản vay trước đó…
Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Sunhouse và là ủy viên ban chấp hành CLB doanh nghiệp trẻ Hà Nội nhận định, với mức lãi suất đi vay từ 18% đến 20% như hiện nay thì “không một doanh nghiệp nào làm ăn nghiêm túc có lãi”. Theo ông Phú, hiện hàng hóa sản xuất trong nước bị phải cạnh tranh rất mạnh từ hàng nhập khẩu chính tắc cũng như hàng nhập lậu, khiến thị phần càng bị thu hẹp. Mặt khác, người lao động đang có xu hướng bỏ các doanh nghiệp ra đi vì lạm phát tăng cao khiến thu nhập của họ giảm sút, trong khi doanh nghiệp không có lợi nhuận để tăng lương giữ chân người lao động. Ông Nguyễn Xuân Phú cũng chia sẻ, chính các ngân hàng hiện nay cũng đang gặp khó bởi cho vay lãi suất cao cũng đồng nghĩa với rủi ro cao...
Đưa ra quan điểm cá nhân, bà Phan Thanh Hà cho rằng, sự “méo mó” lãi suất có một số nguyên nhân, trong đó có Thông tư 13/2010/TT-NHNN và Thông tư sửa đổi bổ sung số 19/2010/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, trong đó quy định từ ngày 1-10-2010, các ngân hàng phải nâng tỷ lệ an toàn vốn từ 8% lên 9% và giới hạn tỷ lệ cho vay 80% số vốn huy động. Quy định này đã khiến nhiều ngân hàng thiếu tiền cho hoạt động tín dụng. Trong khi, nguồn thu từ hoạt động này luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng nguồn thu của các ngân hàng, thậm chí ở các ngân hàng cỡ nhỏ và vừa, tỷ lệ này lên đến 80%-90%. Cùng với đó, các NHTM phải tăng vốn điều lệ tối thiểu lên 3.000 tỷ đồng, khiến các ngân hàng nhỏ phải tìm nhiều cách huy động vốn và nhiều cổ đông phải vay vốn để góp cổ phần. Việc tăng vốn tạo thêm sức ép về lợi nhuận từ các cổ đông, khiến các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất để huy động tiền vào, rồi cho vay ra thu lợi nhuận. Thế nhưng để kiềm chế tình trạng kinh tế phát triển quá nóng và lạm phát đang tăng cao, Chính phủ chủ trương hạn chế tăng trưởng tín dụng dưới 20% nên NHNN đã quyết định khống chế trần lãi suất huy động ở mức 14%.
Vậy là, một số ngân hàng đã chuyển sang huy động “ngầm” với mức lãi suất vượt trần. Anh Huy ở Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, cách nay vài ngày mẹ anh mang tiền đến một ngân hàng nọ để gửi và vẫn được hưởng mức lãi suất lên tới 17%. Và để lách trần lãi suất của NHNN, thì ngân hàng này yêu cầu chị giữ “bí mật”. Đồng thời biến báo khoản chênh lãi suất 3% kia cho hợp lý. Theo đó, ngân hàng sẽ “thưởng” khoản “lãi suất 3%” kia cho một người thứ ba với danh nghĩa là người môi giới. Sau đó, người này lại làm “cho tặng” lại khách hàng gửi tiền. Với cách làm này, ngân hàng có thể qua mặt NHNN.
Trong khi đó, một số ngân hàng khác thì chuyển sang huy động bằng ngoại tệ, rồi chuyển sang tiền đồng để cho vay, khiến nhu cầu USD và lãi suất huy động USD vào thời gian này cũng bị đẩy lên cao tới 6%. Nhưng rồi, ngày 9-4, NHNN lại ban hành Thông tư số 09/2011/TT-NHNN quy định mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng đồng USD của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng (TCTD) là 3%, được áp dụng từ ngày 13-4-2011.
Các ngân hàng đang thiếu tiền nên phải tăng lãi suất để huy động, nhưng theo bà Phan Thanh Hà: “càng thiếu, càng thắt, lại càng méo mó”; Các biện pháp hành chính chưa phù hợp quy luật kinh tế không giải quyết được khó khăn mà lại làm nảy sinh vấn đề khác. Các ngân hàng thương mại phải tìm cách “lách” một cách hợp pháp các quy định đó để đạt được mục tiêu hoạt động của mình.
Trong bối cảnh hiện nay, hầu hết các quyết định của NHNN đều nhận được sự đồng tình cao của nhiều chuyên gia và người dân. Tuy nhiên, cách làm và bước đi thì cũng còn những ý kiến khác nhau. Bà Phan Thanh Hà cho rằng, NHNN nên có lộ trình thích hợp để các ngân hàng thương mại có đủ thời gian điều chỉnh và không nên áp dụng đồng thời cho tất cả các ngân hàng phải nâng tỷ lệ an toàn vốn lên 9%, mà nên áp dụng linh hoạt đối với từng ngân hàng. Trong thời gian chuyển đổi, nếu ngân hàng nào hoạt động tốt thì chưa nên yêu cầu tăng ngay tỷ lệ này, giúp các ngân hàng giảm lãi suất huy động, chi phí vốn và có thêm nguồn vốn để hoạt động. Chuyên gia này còn cho rằng, nhiều ngân hàng của chúng ta còn yếu về vốn, không nên bắt họ phải chịu sức ép quá sức một cách đột ngột. Việc tăng tỷ lệ an toàn vốn lên cao là cần thiết nhưng chỉ nên áp dụng đồng loạt trong điều kiện kinh tế vĩ mô đi vào ổn định hơn.
(Theo Xuân Bách/Nhandan)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com