Ngày 3-1, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có bài viết nêu bật những nội dung chủ yếu của dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2011.
Theo đó, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cắt giảm các công trình chưa cần thiết, tập trung nguồn lực cho các dự án tạo ra năng lực sản xuất... là những quyết sách của Chính phủ trong năm 2011. (Xin xem toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trên www.phapluattp.vn.)
Thủ tướng nhận định năm 2010 kinh tế phục hồi và đạt tốc độ tăng trưởng khá cao (6,78%), xuất khẩu tăng nhanh (25,5%), nhập siêu chỉ còn bằng 17,3% kim ngạch xuất khẩu, thâm hụt cán cân thanh toán tổng thể giảm mạnh. Tuy nhiên, lạm phát và lãi suất tăng cao, tỉ giá biến động gây sức ép đến ổn định kinh tế vĩ mô, sản xuất kinh doanh khó khăn và đe dọa tăng trưởng bền vững. Vì thế, năm 2011 phải tập trung sức để tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Phải giảm bớt chênh lệch giữa tiết kiệm và đầu tư, kiên quyết cắt giảm các công trình chưa thực sự cần thiết, giảm bội chi ngân sách và thâm hụt cán cân thương mại, kiềm chế tốc độ tăng giá.
Cạnh đó, phải đẩy nhanh tiến trình đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Điều quan trọng là phải đặt DNNN vào môi trường cạnh tranh và quy định các chỉ tiêu chất lượng hoạt động của DN, thực hiện chế độ kiểm toán bắt buộc và công khai kết quả kiểm toán.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh phải hoàn thiện thể chế quản lý trên nguyên tắc bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân và thúc đẩy hình thành đồng bộ các yếu tố của kinh tế thị trường. Rà soát lại hệ thống phân cấp, bảo đảm tăng cường sự quản lý thống nhất của trung ương về quy hoạch phát triển, khai thác tối đa lợi thế so sánh theo tầm nhìn liên vùng nhằm tiết kiệm nguồn lực và bảo đảm quy mô kinh tế.
Ba đột phá trong giai đoạn 2011-2020
Một là, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính.
Hai là, phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ.
Ba là, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.
(Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com