Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thị trường vàng 2012: Còn ham hố, còn gánh rủi ro

Nếu không có gì thay đổi về lộ trình chính sách của Ngân hàng Nhà nước, vàng sẽ trở nên một kênh đầu tư "rủi ro rất cao" trong ít nhất hai năm tới.

"Trả lại cho César"

Các nhà đầu tư vàng ở Việt Nam chắn chắn sẽ không hài lòng nếu nghe đến giả thuyết về vàng sẽ không còn là kênh đầu tư hấp dẫn trong tương lai, mà trước mắt là trong năm 2012 này.

Những người không hài lòng nhất sẽ có thể lấy ngay minh chứng rằng trong năm 2011, chẳng có kênh đầu tư nào khác ngoài vàng mà đã làm nên những cú tăng trưởng ngoạn mục, đem lại tỷ lệ lời lãi đến ít ra 30% cho người cầm vàng.

Đến cuối năm Tân Mão, cho dù giá vàng trong nước đã giảm khá nhiều nhưng vẫn còn chênh cao hơn thời điểm đầu năm 2011 khoảng 10%. Tỷ lệ này chỉ có thể được cạnh tranh bởi kênh tiết kiệm ngân hàng, trong khi giá ngoại tệ gần như làm thành một đường kéo ngang, còn bất động sản và chứng khoán thì trượt hết từ hố bĩ cực này xuống hố bĩ cực khác.

Lý lẽ trên là hoàn toàn đúng. Nhưng đáng tiếc là nó chỉ thích hợp cho đến hết quý 3/2011. Còn từ đầu quý 4 trở đi, giá vàng thế giới đã phải "trả cho César những gì thuộc về César".

Nghe như một triết lý ngược ngạo, trong lúc vẫn còn quá nhiều người kỳ vọng vào việc giá vàng thế giới sẽ còn tăng, tăng mạnh hơn nữa.

"Thật bất ngờ là vàng lại không giữ được các mức giá cao trong một môi trường đầy bất ổn như hiện nay. Tôi cho rằng, trong năm 2012, vàng sẽ là tài sản có sự thay đổi về giá tệ nhất trong số các kim loại", ông Christoph Eibl, người sáng lập kiêm CEO của quỹ đầu cơ hàng hóa cơ bản Tiberius ở Thụy Sỹ, nhận định.

Vậy là đã có một sự thay đổi cơ bản về quan niệm như trường hợp Christoph Eibl. Chỉ cách đây 3-4 tháng, những nhà đầu tư như ông ta không phải là hiếm, đã đóng góp một lời đồn thổi về chuyện giá vàng có thể ít nhất chạm mốc 2.000 USD/oz vào cuối năm 2011.

Nhưng vì sao giá vàng lại không thể lên cao hơn nữa, để ít nhất cũng vượt qua đỉnh cũ của nó là 1.923 USD/oz được lập vào tháng 8/2011? Không ít người đã bị bất ngờ vì chính "tật xấu" của họ, một loại tâm lý đặc thù của các nhà đầu cơ vàng: chỉ mong cái thế giới này càng bất ổn càng tốt!

Song triết lý ngược ngạo đã xảy ra, đơn giản là do giá vàng thế giới đã tạo bong bóng. Trong suốt 11 năm qua, kể từ mốc thời điểm năm 2000, giá vàng thế giới đã tăng 7,6 lần. Trong khi đó giá vàng Việt Nam tăng đến một chục lần chẵn.

Sự trả giá cho một quá trình đầu tư tích lũy liên tục là tất yếu phải xảy ra. Cũng như bong bóng bất động sản hay bong bóng chứng khoán, tiền đầu cơ được dồn vào vàng hết chu kỳ này đến chu kỳ khác, bất chấp khả năng tăng trưởng của giá vàng chỉ có giới hạn so với nhu cầu đích thực của xã hội, đã khiến cho ngay cả SPDR, quỹ đầu tư ủy thác vàng lớn nhất thế giới, cũng đã lâm vào cảnh lỗ lã trong quý IV/2011.

40 tấn vàng là con số bán ròng mà SPDR đã thực hiện chỉ trong tháng 12/2011. Còn số bán ròng của công ty SJC và những doanh nghiệp vàng khác ở Việt Nam thì tất nhiên... không được công bố.

Với tư cách hoàn toàn thiếu minh bạch, trong khi đầy rẫy hành vi làm giá, thị trường vàng Việt Nam đã trở nên một loại hình đầu cơ "linh hoạt và uyển chuyển" nhất trong năm Con Mèo. Vượt hơn nhiều so với cơ chế thả nổi lãi suất huy động tại một số ngân hàng thương mại, giá vàng trong nước đã thường xuyên chênh cao hơn giá thế giới từ 2-4 triệu đồng/lượng mà không quá lo ngại bị thanh tra Ngân hàng nhà nước "sờ gáy".

Nhưng sự an ủi hiếm hoi là dù có nổi bật về hình ảnh đầu cơ, thị trường vàng Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ trong xu thế giảm điều chỉnh của giá vàng thế giới. Ít ra từ đỉnh được lập vào tháng 8/2011, nếu đến nay giá vàng thế giới đã giảm khoảng 20% thì giá vàng trong nước cũng phải mất 15%.

Tăng mạnh hơn giá vàng thế giới trong chu kỳ tăng, và giảm nhẹ hơn giá vàng thế giới trong chu kỳ giảm - đó cũng là một đặc tính đầu cơ nổi bật của thị trường vàng trong nước.

"Rủi ro" từ tái cấu trúc thị trường vàng

Trong một lần trả lời báo chí trước thềm năm mới 2012, thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình đã nêu ra một nhận định rất đáng chú ý: "Với chính sách quản lý vàng, trong thời gian tới, vàng cũng không phải là kênh đầu tư hấp dẫn, thậm chí rủi ro rất cao".

Có thể, điều đáng chú ý nhất xét trên phương diện chức vụ, là lần đầu tiên từ khi nhậm chức vào tháng 8/2011, ông Bình đề cập đến tính hấp dẫn của một số kênh đầu tư.

Và cũng là lần đầu tiên trong những năm gần đây, kênh đầu tư vàng đã bị loại thẳng thừng, còn kém hơn cả đối thủ đang quá đau khổ của nó là chứng khoán.

Thoạt nghe nhận định trên, giới nhà đầu tư vàng chuyên nghiệp và cả những người đầu tư vàng nghiệp dư có lẽ sẽ bị bất ngờ, cũng như những người đã mong cho kinh tế thế giới suy thoái nhưng rốt cuộc đến nay đầu tàu Mỹ lại đang có những dấu hiệu đầu tiên của sự gượng dậy.

Nhưng sẽ chẳng mấy bất ngờ nếu quan sát những động thái về chính sách quản lý vàng của Ngân hàng nhà nước từ tháng 8/2011 đến giờ.

Vào cuối tháng 8/2011, lần đầu tiên một ý tưởng về "huy động vàng trong dân" đã được thống đốc Ngân hàng nhà nước phác ra. Nhưng khác rất nhiều với rất nhiều ý tưởng không hề trở thành hiện thực trong quá khứ, lần này chỉ sau 3 tháng, đề án huy động vàng trong dân đã được Ngân hàng Nhà nước cơ bản hoàn thành và trình lên Chính phủ.

Đi kèm với đề án trên là một bộ khung về cơ chế chính sách, tức hàng loạt thông tư liên quan đến việc huy động và cho vay bằng vàng được áp dụng đối với các tổ chức tín dụng.

Chẳng khó khăn gì, giới phân tích vàng cũng nhận ra mặc dù giá vàng trong nước vẫn còn luôn chênh cao hơn hẳn so với giá vàng thế giới và vẫn còn gấp hơn 3 lần so với năm 2008, nhưng chỉ trong quý cuối cùng của năm Con Mèo, những doanh nghiệp kinh doanh vàng có tiếng như Bảo Tín Minh Châu, PNJ, AJC... đã rơi vào một cơn chao đảo hiếm thấy.

Những thay đổi từ chính sách quản lý vàng đã khiến một số thương hiệu vàng truyền thống có nguy cơ biến mất.

Nhưng nguy cơ lớn nhất đối với kênh đầu vàng không phải là giảm giá theo xu hướng giảm của giá vàng thế giới, mà là hình ảnh cạn kiệt khá nhanh chóng về tính thanh khoản.

Khác hẳn với giai đoạn tháng 7-9/2011, gần đây người ta thường phản ánh quan hệ cung - cầu ở các tiệm vàng như kiểu "chín người bán một người mua". Phải chăng tỷ lệ mang tính tượng trưng này lại có thể trở thành một cơ sở xác thực nhằm lượng định khả năng mua bán vàng trong thực tế?

Chưa kể đến một ý tưởng, mà cho đến nay đã không còn thuần túy là ý tưởng, về cấm hoàn toàn hoạt động kinh doanh vàng miếng. Ý tưởng này, được xem là một thành phần quan trọng trong bản dự thảo nghị định vàng mà Ngân hàng Nhà nước đang trình cho Chính phủ, đang tạo cơ hội cho một số ngân hàng lớn được độc quyền sản xuất, kinh doanh vàng miếng và có thể chuyển qua kinh doanh vàng theo cơ chế tài khoản.

Tức cách hành xử hoang dại như thị trường đầu cơ vàng tự do trong thời gian qua sẽ có thể được "tái cấu trúc" như một hình thể của "thị trường đầu cơ vàng có tổ chức".

Còn hàng chục ngàn doanh nghiệp vàng tư nhân cũng có "cơ hội" để đóng cửa đối với vàng miếng khi bắt buộc phải chuyển sang vàng trang sức.

Tất cả những dòng sông nhỏ dường như đều tập kết ở một thời điểm: tháng 5/2012. Vào thời điểm ấy, nếu kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước cơ bản được hoàn thành, hoạt động kinh doanh vàng tự do và có thể cả thói quen đầu cơ vàng sẽ "được cơ bản chấm dứt". Thay vào đó, như thống đốc Nguyễn Văn Bình giải thích trong một nội dung trả lời phỏng vấn báo chí, người dân sẽ tìm thấy những kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn.

Có vẻ đó cũng là số phận của kênh đầu tư vàng, mà nếu dự cảm đúng thì trong trung hạn và có thể cả dài hạn, vàng miếng sẽ phải chịu cảnh giảm mạnh về giá và cả về thanh khoản. Rất có thể, nếu không có gì thay đổi về lộ trình chính sách của Ngân hàng Nhà nước, vàng sẽ "phải" trở nên một kênh đầu tư "rủi ro rất cao" trong ít nhất hai năm tới.
------------------
Tác giả: Viết Lê Quân // Nguồn: VEF

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Năm 2012: Tỷ giá là một ẩn số
  • Năm 2012: Tỷ giá là một ẩn số
  • Giá vàng năm 2012 sẽ có kỷ lục mới?
  • Việt Nam: Dự báo nhập vàng - Điều hành tỷ giá - Chỉ số giá tiêu dùng 2012
  • Những sự kiện chao đảo tài chính thế giới năm 2011
  • Khó thị trường xa, tính thị trường gần
  • Kênh đầu tư nào nguy hiểm nhất trong năm 2012?
  • Ngân hàng: Những món nợ đồng lần và 'cái chết dây chuyền'
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!