Tất nhiên, không thể phủ nhận là đồng USD có giá trị và hấp dẫn hơn so với VND, nhưng đó là trong giao dịch thương mại. Thực tế, cho dù bản đồ chính trị, kinh tế thế giới đã, đang có nhiều biến động, nhưng đồng USD vẫn được lựa chọn là đồng tiền dự trữ chính của nhiều quốc gia. Đồng USD vô hình trung được lấy làm thước đo giá trị đối với đồng bản tệ của các nước. Việt Nam không ngoại lệ, lâu nay NHNN vẫn điều hành chính sách ngoại hối và tỷ giá xoay quanh cái neo là đồng USD. Quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia luôn có mối quan hệ với nguồn vốn FDI, ODA, kiều hối... nhưng "thân thiết" nhất vẫn là kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng năm.
Dù Việt Nam đã mở rộng quan hệ thương mại với nhiều nước trên thế giới, nhưng giao dịch chủ yếu vẫn bằng đồng USD. Kết quả của công trình nghiên cứu "Tỷ giá hối đoái giai đoạn 2000 - 2010: Các nhân tố quyết định, mức độ sai lệch và tác động đối với xuất khẩu" của một nhóm tác giả mới được công bố mới đây cho biết: Nếu lấy năm 2000 làm gốc, thì VND đã lên giá thực tế gần 25,9 % so với USD. Và với 80% nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu phải nhập khẩu thì chính sách tỷ giá hỗ trợ xuất khẩu mà chúng ta theo đuổi nhiều năm qua thực chất không mang lại lợi ích đáng kể.
Sự mất giá của đồng VND còn dễ dàng thấy được qua giá vàng. Dẫu cho sự tăng giá chóng mặt của vàng thế giới trong năm 2011 nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, nhưng với việc lạm phát ở mức 2 con số trong năm nay, vị thế của VND đang tiếp tục sụt giảm cho dù GDP vẫn có mức tăng trưởng cao so với nhiều nước trên thế giới trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay.
Và trong bối cảnh sinh mệnh của đồng tiền chung Châu Âu đang bị đe dọa, đồng Nhân dân tệ "đòi" lên ngôi; đồng Yên yếu thế, thì USD tỏ ra khá "kiên cường" trong việc khẳng định vị thế của mình trên bản đồ tiền tệ thế giới. Đã có nhiều lo ngại rằng, cho dù chống được đôla hóa, thì rất có thể Việt Nam sẽ bị vàng hóa hay Nhân dân tệ hóa... Nguy cơ là có thật, vậy nên vấn đề mấu chốt hiện nay không phải là chống cái gì hóa, mà là nâng cao vị thế của VND. Nhưng, cách nào?
"Xuất khẩu" VND: Tại sao không?
Cuộc tái cấu trúc hệ thống tài chính, ngân hàng giúp tạo nên cơ hội để thực hiện một cách mạnh mẽ hơn chủ trương nâng cao vị thế cho VND. |
Có một thực tế rất khó để thay đổi là người dân Việt Nam khá "nhạy bén" với lạm phát kỳ vọng. Hay cụ thể hơn, cứ mỗi khi có chính sách tăng lương cơ bản, điều chỉnh tỷ giá, giá vàng tăng... y rằng, niềm tin VND mất giá gia tăng. Những chính sách tiền tệ của NHNN, cho dù mang lại những hiệu quả tích cực cũng khó gia tăng niềm tin vào đồng nội tệ của người dân. Chính điều đó tạo thành lực "đẩy" vị thế VND tụt dốc nhanh hơn.
Câu hỏi làm cách nào nâng cao vị thế VND vẫn treo đó! Nhiều chuyên gia cho rằng, trước hết giảm vai trò của đồng USD trong nền kinh tế, đặc biệt trong giao dịch hàng ngày của người dân. Cụ thể, ngoài cấm các niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ thì ngân hàng cần thu hẹp và tiến tới không nhận và cho vay bằng ngoại tệ.
Năm 2011, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 96,3 tỷ USD - là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới. Tổng kim ngạch nhập khẩu cùng năm ở mức 105,77 tỷ USD, xét về tỷ lệ thì nhập siêu đã giảm rất nhiều. |
Thống kê từ NHNN cho thấy, khối lượng tiền gửi bằng USD quy ra VND đã tăng khoảng 1,7 lần trong thời kỳ 2006 - 2010, trong khi tỷ trọng tiền gửi bằng USD trên tổng tiền gửi dao động trong khoảng 22 - 25%. Gần đây những con số này tăng mạnh do người dân và doanh nghiệp có xu hướng chuyển sang giữ USD nhiều hơn. Khối lượng cho vay bằng USD quy ra tiền VND cũng tăng gần gấp đôi trong thời kỳ 2006 – 2010. Riêng năm 2010, tăng trưởng tín dụng toàn ngành là 29,81%; trong đó, tín dụng bằng VND tăng 25,3%, bằng ngoại tệ tăng 49,3%. Năm 2011, tăng trưởng tín dụng là 12% (so với cuối năm 2010); tín dụng bằng VND chỉ tăng 10,2%, trong khi bằng ngoại tệ tăng tới 18,7%. Như vậy, nếu như đồng USD còn được quay vòng trong nền kinh tế nhiều hơn VND thì hiển nhiên sẽ chiếm vị thế cao hơn. Việc "lật lại thế cờ" giữa VND và USD không đơn giản. Nhưng với cuộc tái cấu trúc hệ thống tài chính, ngân hàng như hiện nay, đây là thời điểm khá thích hợp để thực hiện một cách mạnh mẽ hơn chủ trương nâng cao vị thế cho VND.
Ở một góc nhìn khác, ông Trương Văn Phước – Tổng giám đốc Eximbank (người từng có nhiều năm làm chính sách về ngoại hối, tỷ giá ở NHNN) đưa ra giải pháp, dựa trên mối bận tâm đáng ngại nhất của Việt Nam hiện nay - nhập siêu. Khi nhập siêu đã có được giảm xuống trong thực tế, theo ông Phước, tại sao không đặt vấn đề "xuất khẩu" VND? Cụ thể, khi nhập khẩu hàng hóa, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đàm phán với đối tác để thanh toán bằng VND, thay vì USD. Số VND đó có thể để trong tài khoản của đối tác mở tại ngân hàng. Số tiền đó sẽ được hưởng lãi suất và khi họ cần có thể chuyển đổi thành USD. Với mức lãi suất tiền gửi hấp dẫn, cụ thể là 14%/năm hiện nay, nếu so với lãi suất tiền gửi USD ở nước ngoài (chưa đến 1%/năm) thì rõ ràng bên bán hàng được lợi nhiều hơn, kể cả khi độ mất giá mỗi năm của VND vào khoảng 10%/năm.
Kết quả của công trình nghiên cứu "Tỷ giá hối đoái giai đoạn 2000 - 2010: Các nhân tố quyết định, mức độ sai lệch và tác động đối với xuất khẩu" của một nhóm tác giả mới được công bố cho biết: Tỷ giá danh nghĩa có xu hướng tăng trong thập kỷ qua và tăng mạnh từ năm 2008 đến nay. Trong giai đoạn này, CPI của Việt Nam tăng gần 123%, trong khi của Mỹ tăng 26,7%. |
Khi đối tác – cũng là một DN có những giao dịch khác tại Việt Nam sẽ dùng chính số VND đó để thanh toán hàng hóa, dịch vụ... mà không cần phải dùng USD rồi chuyển đổi thành VND như hiên nay. Nhưng Ông Phước cũng lưu ý, vấn đề mấu chốt ở đây là khoản tiền VND đó phải được bảo hiểm rủi ro tỷ giá và đảm bảo giá trị thanh toán nhất định. Nếu chỉ một phần trong hàng hàng ngàn hợp đồng nhập khẩu hàng hóa được chấp nhận thanh toán bằng VND, sẽ giảm áp lực cầu ngoại tệ, đồng thời nâng cao vị thế của VND...
(Theo Doanh Nhân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com