Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

TS Vũ Thành Tự Anh: Điều chỉnh tỷ giá và sức ép lạm phát

Đúng như kỳ vọng và tương tự như năm 2010, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định giảm giá tiền đồng khi cả nước vừa mới ăn Tết xong. Nhưng vẫn có một sự ngạc nhiên, đó là khác với những lần điều chỉnh tỷ giá trước đây, lần này tiền đồng giảm giá tới 9,3%. Tại sao tỷ giá lại được điều chỉnh ở thời điểm này và với mức độ cao như vậy?

Theo Thống đốc NHNN, “đây là thời điểm thích hợp và thuận lợi để điều chỉnh tỷ giá do nguồn ngoại hối dồi dào, các khoản vốn đầu tư trực tiếp, gián tiếp, ODA cũng đang giải ngân tốt... qua đó, sẽ giúp thị trường ngoại hối ổn định, không bị xáo trộn”.

Thế nhưng, cũng tồn tại một thực tế khác. Đó là từ hơn nửa năm nay, tỷ giá trên thị trường phi chính thức luôn luôn vượt trần, có khi tới trên 10%. Bên cạnh đó, dòng vốn nước ngoài (FDI, ODA và kiều hối) tuy lớn nhưng không đủ bù đắp thâm hụt thương mại cũng như khoản “sai số và thiếu sót” (mà nguyên nhân là do người dân và doanh nghiệp chuyển danh mục tiền tệ sang vàng và đô la). Kết quả là cán cân thanh toán luôn bị thâm hụt và dự trữ ngoại hối tụt xuống mức thấp nhất kể từ năm 2005 dù tính theo con số tuyệt đối hay tính theo số tuần nhập khẩu.

Như vậy, áp lực giảm giá tiền đồng tích tụ suốt nhiều tháng qua đã buộc NHNN phải “buông” tỷ giá. Vì chỉ chấp nhận điều chỉnh tỷ giá khi không thể tiếp tục níu kéo thêm nữa nên NHNN đã tự đánh mất sự tự chủ (vốn rất eo hẹp), đồng thời gây ra sự giật cục trong chính sách.

Tác động của việc điều chỉnh tỷ giá tới lạm phát là vấn đề được thảo luận sôi nổi trong mấy ngày qua. Về cơ bản, có hai luồng ý kiến trái chiều. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng tỷ giá tăng sẽ làm tăng giá nhập khẩu, do đó đẩy mặt bằng giá lên cao. Luồng ý kiến thứ hai cho rằng việc thay đổi tỷ giá sẽ không làm tăng mặt bằng giá vì từ trước đến nay mọi giao dịch liên quan đến ngoại tệ trên thực tế đều sử dụng tỷ giá thị trường.

Mặc dù trong mỗi luồng ý kiến đều có một phần sự thật nhưng cả hai đều không hoàn toàn chính xác. Đúng là việc điều chỉnh tỷ giá sẽ không ảnh hưởng nhiều đến mức giá nhập khẩu trong các giao dịch sử dụng tỷ giá thị trường, nhưng nó chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới giá nhập khẩu một số mặt hàng quan trọng vốn được ưu tiên tiếp cận ngoại tệ theo giá chính thức như xăng và phân bón. Không những thế, việc điều chỉnh tỷ giá với mức độ lớn như lần này còn tạo ra tình trạng điều chỉnh “quá trớn” (overshooting) trên thị trường phi chính thức, khiến tỷ giá bị đội tiếp lên so với trước khi điều chỉnh. Bên cạnh đó, hành vi “té nước theo mưa” cũng là một nguyên nhân góp thêm vào việc làm tăng mặt bằng giá.

Nói tóm lại, việc điều chỉnh tỷ giá lần này chắc chắn sẽ làm gia tăng lạm phát. Tuy nhiên, về lý thuyết, sự gia tăng này chỉ là một lần; còn về thực tế, sự gia tăng này sẽ chỉ ở mức độ vừa phải. Nói cách khác, áp lực lạm phát ở Việt Nam trong năm 2011 chủ yếu sẽ đến từ các nguồn khác chứ không phải từ việc điều chỉnh tỷ giá vừa rồi.

Thứ nhất, việc điều chỉnh giá điện (với mức tăng ít nhất 18% so với năm 2010) dự kiến bắt đầu từ 1-3-2011 và việc cho phép các hàng hóa năng lượng quan trọng như xăng, dầu, than “vận hành theo cơ chế thị trường” chắc chắn sẽ là một cú hích đáng kể đối với lạm phát.

Thứ hai, xu thế giá thế giới của các hàng hóa cơ bản (đặc biệt là năng lượng, thực phẩm, vật tư nông nghiệp và kim loại) tiếp tục tăng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mặt bằng giá trong nước vì nền kinh tế của chúng ta đã trở nên rất mở. Không những thế, như một hiện tượng có tính quy luật, giá hàng hóa cơ bản ở các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam) một khi đã tăng thì thường tăng cao hơn nhiều so với các nước phát triển. Chẳng hạn như trong năm 2010, chỉ số giá hàng hóa cơ bản ở các nước đang phát triển là 31% trong khi trên toàn thế giới chỉ là 19%.

Thứ ba, trong năm 2010, với tốc độ tăng cung tiền và tín dụng đều ở mức trên 25% và tỷ lệ đầu tư trên 40% trong khi tốc độ tăng trưởng GDP thực chỉ là 6,8% thì lạm phát tiền tệ sau một độ trễ nhất định sẽ được thể hiện trong chỉ số giá. Điều chỉnh tỷ giá và tăng giá điện đều là những việc không thể không làm để giảm sự méo mó trong giá thị trường, vốn là một điều kiện cần để nền kinh tế có thể giảm chi phí giao dịch và phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, nếu không thay đổi phương thức điều hành mang tính đối phó và thiếu phối hợp như hiện nay thì doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ tiếp tục phải “chịu trận” trước một loạt các cú sốc lớn và dồn dập. Rõ ràng là để đạt mục tiêu ổn định vĩ mô thì cách tư duy và điều hành vĩ mô của Chính phủ phải được thay đổi một cách cơ bản.

___________________

Tác giả: TS Vũ Thành Tự Anh, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Doanh nghiệp vẫn có thể “lách” bán ngoại tệ
  • Siết vốn, chủ đầu tư địa ốc tháo chạy?
  • Báo động dư nợ tín dụng lĩnh vực nóng của nhiều ngân hàng
  • Tỉ giá, lãi suất, thiếu vốn… “bao vây” doanh nghiệp
  • Ba lý do khiến cho đồng USD giữ được sức mạnh
  • Kiểm toán các tập đoàn: kết quả không như đồn thổi
  • Ngân hàng Trung ương - Cuộc chơi trở nên phức tạp hơn
  • Sân chơi lãi suất bất bình đẳng và "tái cấu trúc" tư duy
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!