Tỷ giá vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhưng cũng tồn tại lo ngại về rủi ro ngoại tệ, khi chênh lệch giữa huy động và cho vay ngoại tệ hiện cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2010.
Nguyên Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu, trong ngày họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới đã cho biết, đến ngày 20-7-2011, NHNN đã mua vào 4,8 tỉ đô la Mỹ. Từ đầu năm nay, NHNN hầu như không bán ra ngoại tệ. Ngay cả tháng 2-2011, thời điểm điều chỉnh tỷ giá, ngoại tệ cũng không hề được bán ra để can thiệp thị trường.
Dự trữ ngoại hối của Việt Nam, như số liệu của IMF vào tháng 5-2011, là 13,5 tỉ đô la Mỹ, trong đó có tính cả 1 tỉ đô la Mỹ đã tăng thêm cho đến thời điểm đó. Như vậy, ước lượng dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện vào khoảng 17-17,5 tỉ đô la Mỹ. Kim ngạch nhập khẩu cả nước trong bảy tháng đầu năm là 58,1 tỉ đô la Mỹ, bình quân 1,937 tỉ đô la Mỹ/tuần. Như vậy, dự trữ ngoại hối hiện bằng khoảng 8,5-9 tuần nhập khẩu, tức hai tháng, gia tăng đáng kể so với đầu năm.
Báo cáo của các ngân hàng lớn cho thấy không hề có hiện tượng doanh nghiệp vay ngoại tệ tăng mua đô la Mỹ để trả nợ. Người vay cân đối mỗi ngày trả một ít. Điều quan trọng là: dư nợ ngoại tệ cao, nhưng không phải tất cả các khoản vay đều đáo hạn một lúc. Những ngân hàng cho vay nhiều ngoại tệ tỏ ra tỉnh táo trong việc phân bổ điểm đáo hạn để tránh rủi ro.
Ngoài nguồn cung thương mại, hai yếu tố khác đang đỡ tỷ giá là xuất khẩu vàng và trạng thái ngoại hối thực của các ngân hàng. Nguồn cung ngoại tệ từ xuất khẩu vàng trong hai tháng 6 và 7-2011 lên tới 1,6 tỉ đô la Mỹ, theo Tổng cục Hải quan. Giới kinh doanh ngoại tệ cũng nhấn mạnh tới khoản hơn 500 triệu đô la Mỹ mà tập đoàn Mizuho (Nhật Bản) sẽ giải ngân vào cuối quí 3 tới để mua cổ phần Vietcombank.
Đó chính là cơ sở để các chuyên gia cho rằng NHNN có đủ khả năng giữ tỷ giá trong tầm kiểm soát.
Tuy nhiên, tỷ giá ổn định, chênh lệch lãi suất cho vay giữa VND và USD quá lớn (12 - 14%/năm), khiến DN đổ xô vay USD, gây ra tình trạng mất cân đối cung - cầu USD tại các ngân hàng.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, 7 tháng đầu năm 2011, tín dụng ngoại tệ tăng tới 25,7%, trong khi tín dụng nội tệ chỉ tăng hơn 3,7%. Chênh lệch huy động và cho vay ngoại tệ tính đến tháng 6/2011 là 85.000 tỷ đồng, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2010 (41.000 tỷ đồng).
Huy động USD thời điểm này rất khó do người dân có xu hướng bán USD để lấy tiền đồng gửi tiết kiệm, trong khi DN lại có xu hướng vay USD, sau đó bán lại cho ngân hàng để lấy VND kinh doanh hoặc gửi tiết kiệm. Khi nợ ngoại tệ đến thời điểm đáo hạn, nguồn cung thiếu hụt sẽ gây nhiều áp lực lên tỷ giá.
Các ngân hàng thương mại cho biết, tín dụng ngoại tệ vẫn đang tăng mạnh và nếu NHNN không có biện pháp can thiệp kịp thời, thì tỷ giá có thể sẽ căng thẳng trở lại vào cuối năm.
Ngoài ra, trong bối cảnh kiều hối, vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp của nước ngoài cùng suy giảm, thâm hụt thương mại vẫn đứng ở mức cao thì áp lực ngoại tệ lên thị trường vẫn rất lớn. Cụ thể, lượng kiều hối đã giảm từ mức 2,4 tỷ USD trong quý I/2011 xuống còn 1,9 tỷ USD trong quý II; vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài 7 tháng đầu năm nay chỉ đạt 0,66 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2010 là 1,79 tỷ USD.
Tân Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn cũng nhận định, nhu cầu mua USD cuối năm sẽ tăng do các DN đang đua nhau vay ngoại tệ. Để tránh xảy ra tình trạng bất ổn tỷ giá cuối năm, NHNN và các ngân hàng thương mại phải có trách nhiệm lo cân đối cung - cầu nguồn ngoại tệ ngắn hạn và dài hạn.
Các chuyên gia cho rằng, giải bài toán tín dụng ngoại tệ cao thực tế không rơi vào tỷ giá, mà rơi vào điều hành lãi suất tiền đồng. Khoảng cách lãi suất giữa hai đồng tiền cần được kéo gần lại bằng cách hạ lãi suất tiền đồng xuống. Tăng dự trữ bắt buộc tiền đồng từ 3% lên 10% tổng vốn huy động, đồng thời nâng lãi suất dự trữ bắt buộc lên 12% thậm chí 13%/năm cũng nên sớm được áp dụng. Số tiền có được từ dự trữ bắt buộc tăng thêm sẽ dùng để giải quyết thanh khoản cho chính các ngân hàng, mà không cần đưa thêm tiền ra. Cung tiền không tăng, mà lãi suất hạ sẽ giúp cải thiện thị trường tiền tệ nhanh chóng.
Dư nợ ngoại tệ đang và sẽ phụ thuộc chủ yếu vào lãi suất cho vay tiền đồng. Các doanh nghiệp sẽ chuyển sang vay tiền đồng nếu lãi suất giảm mạnh, khoảng 3-5 điểm phần trăm so với mức hiện tại, trước mắt về 17-18%/năm, sau đó có thể 15-16%/năm. Mức giảm này sẽ không tác động đến mục tiêu chống lạm phát vì cung tiền vẫn siết chặt. Đến lượt mình, lãi suất huy động sẽ giảm về tầm 12%/năm.
Đức Trung
Tuyên bố trách nhiệm:Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. StockBiz sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.
(StockBiz )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com