Ngày 7.1.2010, UBND TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm tập thể và cá nhân của sở Kế hoạch và đầu tư, sở Tài chính, kiểm điểm trách nhiệm tập thể và cá nhân phòng giao dịch Ông Tạ về những sai phạm trong việc xét duyệt, cho vay, hỗ trợ lãi suất… cho công ty TNHH trường đào tạo nghề Việt Thái (phường Phước Long A, quận 9). UBND thành phố cũng yêu cầu các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, rà soát lại quá trình, mục đích sử dụng vốn, tiến độ thực hiện dự án của công ty Việt Thái và tất cả các đơn vị có sử dụng nguồn vốn kích cầu thông qua đầu tư trên địa bàn TP.HCM.
Ngày 2.9.2001 công ty Việt Thái thành lập chi nhánh tại TP.HCM và giải thể chi nhánh tại Hà Nội. Vốn đăng ký điều lệ của công ty này lên đến 16,5 tỉ đồng do bốn cá nhân góp nhưng chỉ là “góp khống”. Từ khi thành lập đến tháng 8.2009, công ty này không hoạt động sản xuất kinh doanh các ngành nghề theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy phép dạy nghề. Ngày 20.7.2004 công ty Việt Thái đăng ký vay vốn kích cầu để đầu tư vào dự án Trường đào tạo và dạy nghề Việt Thái tại phường Phước Long A, quận 9, tổng vốn đầu tư là 47,4 tỉ đồng. Sau đó, sở Kế hoạch và đầu tư có tờ trình và được UBND TP.HCM bổ sung dự án này vào danh mục hỗ trợ vốn kích cầu, ngân sách hỗ trợ lãi vay 15 tỉ đồng cho phần xây lắp và thiết bị. Ngày 7.9.2008, chi nhánh ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Tân Bình đã giải ngân cho công ty Việt Thái số tiền 14 tỉ đồng. Điều đáng quan tâm là, đến tháng 8.2009, khi hoàn thành giai đoạn 1 của dự án xây dựng trường đào tạo nghề thì chi phí xây lắp trang thiết bị mà công ty Việt Thái bỏ ra chỉ có trên 7,3 tỉ đồng (làm tròn) nhưng sở Tài chính thành phố vẫn duyệt chi hỗ trợ lãi vay tính theo vốn hỗ trợ 15 tỉ đồng, chênh lệch 1,287 tỉ đồng.
Vừa hoàn thành giai đoạn 1 của dự án, công ty Việt Thái đã đem toàn bộ mặt bằng phòng ốc cho trường cao đẳng Viễn Thông thuê dưới hình thức “liên kết đào tạo” để thu về số tiền trên 723 triệu đồng. Thế nhưng, các cơ quan chức năng thành phố vẫn có tờ trình đề nghị cho đơn vị này tiếp tục vay tiền trong các đợt tiếp theo. Tháng 11.2007, chi nhánh ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Ông Tạ (nay là phòng giao dịch Ông Tạ, quận 9) đã giải ngân cho công ty Việt Thái vay tiếp 20 tỉ đồng. Tháng 6.2009, ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam, sở Kế hoạch và đầu tư thành phố đã có nhiều văn bản gửi UBND thành phố đề nghị cho công ty này tiếp tục được vay vốn kích cầu đợt 2 với mức 60 tỉ đồng…
Vì sao tiền nhà nước có thể dễ dàng rót nhiều lần cho một doanh nghiệp có nhiều bê bối như vậy? Phòng giao dịch Ông Tạ cho biết, chỉ căn cứ vào bảng kê chi phí đề nghị giải ngân của công ty Việt Thái để tiến hành giải ngân. Sau khi giải ngân, ngân hàng đã hai lần tiến hành kiểm tra sau vay theo mục đích sử dụng tiền. Tuy nhiên, các đợt kiểm tra này đã không có biên bản làm việc hoặc văn bản chính thức yêu cầu công ty Việt Thái báo cáo tiến độ công trình. Còn sở Kế hoạch và đầu tư cho rằng, sở có hai lần xuống kiểm tra trực tiếp tại dự án nhưng không lập biên bản. Sở có biết việc công ty Việt Thái liên kết đào tạo với trường cao đẳng Viễn Đông nhưng không biết việc liên kết là đúng hay sai. Tuy vậy, ngày 10.8 sở vẫn có văn bản khẳng định “dự án xây trường đã xong giai đoạn 1 và đi vào hoạt động”! Riêng sở Tài chính thì cho biết sở dựa vào quyết định của UBND thành phố về danh mục dự án đầu tư theo chương trình kích cầu, hợp đồng tín dụng, giấy nhận nợ, kế hoạch vốn hàng năm do sở Kế hoạch và đầu tư cung cấp… để tiến hành hỗ trợ lãi vay cho công ty Việt Thái với tổng số tiền trên 2,576 tỉ đồng. Số tiền này chênh lệch với số tiền mà Việt Thái được nhận tới 1,287 tỉ đồng.
(Theo Tùng Quang // SSTT Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com