Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vì sao nhiều dự án triệu đô 'bỏ rơi' Việt Nam?

Việt Nam vẫn quan niệm rằng công ty đa quốc gia không muốn tăng tỷ lệ nội địa hoá để đưa các sản phẩm trung gian và bộ phận, linh kiện từ nước mình tới. Nhưng công ty nước ngoài lại khẳng định đầu tư vào các ngành sản xuất máy móc, tỷ lệ nội địa hoá càng cao càng có lợi. Đó là lý do nhiều dự án triệu đô không chọn VN làm điểm dừng chân.
 
cong nghiep phu tro
Công nghiệp phụ trợ chưa phát triển khiến Việt Nam kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư
 
Hụt hơi chạy đua với láng giềng
Trước khi kết thúc chặng đường đầy mệt mỏi, về thúc đẩy công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam, Giáo sư Ohno đã trao "cây gậy tiếp sức" cho Đại sứ Nhật Bản, ông Mitsuo Sakaba. Ông Sakaba đã “sốc” khi biết tỷ lệ cung ứng hàng hóa tại Việt Nam cho các doanh nghiệp Nhật còn rất thấp, phần lớn các linh kiện đều phải nhập ngoại.

"Hiện nay 70-80% sản phẩm phụ trợ của các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp vẫn phải nhập khẩu, ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam đang bị rỗng hóa, vừa thiếu vừa yếu về nhiều mặt. Thực trạng ngành công nghiệp phụ trợ nội địa đã cản trở doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam", ông Sakaba chia sẻ.

Không chỉ Nhật Bản mà DN nhiều nước khác cũng chùn chân khi vào VN với cùng lý do đó. Thời gian qua, nhiều dự án lớn sau khi tìm hiểu đã không đầu tư vào Việt Nam mà hướng sang các nước lân cận.

Cuối năm 2010, công ty Ford Motor (Mỹ) đã quyết định đầu tư 450 triệu USD xây dựng nhà máy ô tô hiện đại mới ở Thái Lan. Ông Michael Pease, lúc đó đang là Tổng giám đốc Ford Việt Nam, nói về lý do Ford Motor chọn Thái Lan, mà không phải Việt Nam đã cho biết: Nguồn cung cấp linh phụ kiện tại Thái Lan rất phát triển; Cơ quan Xúc tiến đầu tư Thái Lan (BOI) rất tích cực tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cùng hàng loạt chính sách thông thoáng; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và xuất khẩu của Thái Lan rất tốt. Đầu tư tại Thái Lan cũng có thể xuất khẩu cho cả khu vực.

Thái Lan ngày nay đã được biết đến với biệt danh “Detroit của châu Á” khi xây dựng được cho mình ngành công nghiệp ô tô phát triển với rất nhiều doanh nghiệp vệ tinh sản xuất linh phụ kiện. (Detroit là quê hương của 3 hãng ô tô lớn ở Mỹ gồm General Motors, Ford và Chrysler.)

Hơn 10 năm trước, Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ đã được Ford Motor chọn là những điểm đầu tư mới ở khu vực châu Á. Tại Việt Nam, một công ty liên doanh có vốn đầu tư 102 triệu USD đã được thành lập, trong đó Ford Motor chiếm 75. Sau 15 năm hoạt động, khoản đầu tư gia tăng tiếp theo của liên doanh này chỉ là 10 triệu USD (tính đến năm 2009). Các kế hoạch đầu tư trong giai đoạn tới cũng được đặt ra nhưng khá khiêm tốn, chỉ vài triệu USD.

Trong khi đó, theo kế hoạch đầu tư mới, Ford sẽ có 3 nhà máy ô tô tại Thái Lan với tổng vốn trên 1 tỷ USD. Ngoài ra, Ford Motor cũng dự kiến sẽ chi 800 triệu USD/năm để mua các phụ tùng và linh kiện được sản xuất tại Thái Lan cho riêng nhà máy mới.

Dù thời gian gần đây, Thái Lan có những bất ổn về chính trị, nhưng vẫn thu hút được rất nhiều đại gia trong ngành ô tô đầu tư. Ngoài Ford Motor là Mitsubishi Motors của Nhật Bản cũng quyết định đầu tư 450 triệu USD cho nhà máy thứ 3 ở Thái Lan để sản xuất các loại xe thân thiện với môi trường thế hệ mới, với công suất 50.000 xe/năm, sản phẩm đầu tiên ra đời vào năm 2012. Còn Suzuki Motor Nhật Bản cũng mới đầu tư 225 triệu USD vào Thái Lan, với mục tiêu sản xuất xe ô tô cỡ nhỏ và thân thiện với môi trường vào tháng 3/2012.

mec
Sản xuất ô tô tại Công ty Mercedes - Benz Việt Nam ở TPHCM.

Tại Việt Nam, các đại gia có tiếng trong ngành ô tô thế giới cũng đầu tư, nhưng rất nhỏ giọt. Trong 15 năm qua hơn 10 đại gia ô tô nước ngoài chỉ đầu tư vào Việt Nam khoảng 1 tỷ USD.

So sánh như vậy mới thấy ngậm ngùi cho ngành công nghiệp ô tô nói riêng và công nghiệp Việt Nam nói chung khi không trở thành 1 trung tâm sản xuất chính tại châu Á.

Phát triển CN phụ trợ: lợi cả đôi bên

Theo các chuyên gia, khi ngành công nghiệp phụ trợ quá yếu, sẽ không hấp dẫn các công ty đa quốc gia đầu tư trực tiếp sản xuất tại Việt Nam, nhất là với các sản phẩm điện tử gia dụng, công nghệ thông tin, ô tô...

Giáo sư Trần Văn Thọ, Đại học Waseda, Nhật Bản cho biết, công nghiệp phụ trợ phải phát triển mới thu hút được FDI trong các ngành sản xuất máy móc, là những ngành đang phát triển mạnh tại Đông Á và là những lĩnh vực Việt Nam có lợi thế so sánh.

Theo giáo sư Thọ, quá trình phát triển công nghiệp phụ trợ có thể chia làm ba giai đoạn: Trước khi FDI vào đã có nhiều công ty trong nước sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ cung cấp cho các công ty lắp ráp, sản xuất sản phẩm chính cho thị trường nội địa. Khi có FDI, một bộ phận những công ty sản xuất công nghiệp phụ trợ sẽ phát triển mạnh hơn vì được tham gia vào mạng lưới chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp FDI.
Đồng thời với sự gia tăng của FDI, nhiều doanh nghiệp bản xứ ra đời trong các ngành công nghiệp phụ trợ chủ yếu để phục vụ cho hoạt động của các doanh nghiệp FDI. Những doanh nghiệp sớm hình thành sự liên kết với doanh nghiệp FDI sẽ được chuyển giao công nghệ và sẽ phát triển nhanh.
Sau một thời gian hoạt động của doanh nghiệp FDI với lượng sản xuất ngày càng mở rộng, tạo ra thị trường ngày càng lớn cho công nghiệp phụ trợ, nhiều công ty nhỏ và vừa ở nước ngoài sẽ đến đầu tư.
Ngóng chờ chính sách

Công nghiệp phụ trợ của một nước sẽ phát triển được khi các công ty trong nước ngày càng được cải tiến quản lý, công nghệ để cung cấp sản phẩm công nghiệp phụ trợ cạnh tranh được với hàng nhập và Chính phủ có chiến lược, chính sách để thúc đẩy các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ ra đời, đồng thời tạo điều kiện, môi trường để các công ty nhỏ và vừa ở nước ngoài đến đầu tư.

Chừng nào các công ty nước ngoài không thấy Chính phủ đưa ra chính sách cụ thể và dài hạn để phát triển công nghiệp phụ trợ cũng như không tạo môi trường kinh doanh ổn định cho các doanh nghiệp FDI để từ đó công nghiệp phụ trợ phát triển thì môi trường FDI ở nước đó không được đánh giá cao, các dự án lớn không đầu tư vào và nhiều dự án đã đầu tư  có thể sẽ ra đi.

Mới đây tại cuộc Hội thảo về phát triển công nghiệp phụ trợ do Phòng Thương mại và Công Nghiệp Việt Nam(VCCI) tổ chức, ông Vũ Tiến Lộc - chủ tịch VCCI đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ hàng loạt doanh nghiệp FDI rút khỏi Việt Nam.

Theo ông Lộc, nhiều tập đoàn sản xuất kinh doanh nước ngoài có doanh nghiệp lắp ráp ở Việt Nam cho biết, nếu không tiếp cận được nguồn cung tại chỗ theo lộ trình giảm thuế trong khuôn khổ hợp tác mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc thì họ sẽ chuyển đến sản xuất ở những nước có ngành công nghiệp phụ trợ tốt hơn. Thời gian vừa qua cũng đã chứng kiến sự rời bỏ thị trường Việt Nam của những doanh nghiệp FDI lớn để chuyển tới những nơi gần vùng nguyên liệu hơn.
Thông tin từ các liên doanh lắp ráp ô tô ở Việt Nam cho biết, nếu đến năm 2018 tỷ lệ nội địa hóa không đạt được khoảng 60% thì nhiều nguy cơ các doanh nghiệp ô tô cũng sẽ ra đi. Đó là sức ép rất lớn đối với Việt Nam nếu muốn duy trì ngành công nghiệp lắp ráp ở trong nước.
Hiện nay tại Việt Nam vẫn có quan niệm cho rằng các công ty đa quốc gia không muốn tăng tỷ lệ nội địa hoá để đưa các sản phẩm trung gian và bộ phận, linh kiện từ nước mình tới. Họ đầu tư vào Việt Nam chỉ là để tận dụng những lợi thế như giá nhân công rẻ,  ưu đãi về thuế, đất đai... chứ không mang lại giá trị lớn cho đất nước.

Nhưng các DN FDI lại có ý kiến ngược lại. Đối với các công ty nước ngoài đầu tư vào các ngành sản xuất máy móc, tỷ lệ nội địa hoá càng cao càng có lợi. Điểm này khác với nhận thức của nhiều người Việt Nam, kể cả các nhà hoạch định chính sách.

Chừng nào các ngành công nghiệp phụ trợ sẵn có chưa được cải thiện đồng loạt và chừng nào nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa của nước ngoài chưa đến đầu tư ồ ạt thì FDI của các công ty lớn vào Việt Nam sẽ không thể tăng hơn.
 
Theo Vietnamnet

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • WB: Kinh tế Việt Nam… còn có nhiều “tin xấu”
  • 8 tháng, dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán, BĐS giảm
  • Nhà đất Hà Nội: Nội đô khát, ngoại tỉnh thèm
  • Lạm phát cao, lãi suất có giảm ?
  • Khi các “vịnh tránh bão” trở nên nguy hiểm
  • Rủi ro nợ công có thể vượt lạm phát và tỷ giá?
  • Xu hướng giá vàng thời gian tới có dễ đoán?
  • Việt Nam: 3 “điểm nóng” nợ nước ngoài
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!