Ngày 6/10/2011, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành Thông tư số 32/2011/TT-NHNN quy định một số ngân hàng thương mại (NHTM) đủ điều kiện sẽ được NHNN xem xét, cho phép chuyển đổi một phần số vàng huy động và giữ hộ tồn quỹ (gọi chung là vàng tồn quỹ) thành tiền, nhằm mục đích bình ổn thị trường vàng trong nước.
Tác động của thông tư này đối với thị trường vàng là khá tích cực khi mà giá vàng trong nước ngay lập tức giảm mạnh và thu hẹp đáng kể khoảng cách so với giá thế giới. Tuy nhiên, những quy định thận trọng trong thông tư này của NHNN đã làm cho hiệu quả bình ổn không cao, bởi giá vàng mặc dù đã giảm nhưng vẫn cao hơn giá vàng thế giới đến 1,5 triệu đồng/lượng. Điều này thể hiện ở hai điểm sau.
Thứ nhất, việc hạn chế số lượng các NHTM tham gia bán vàng, cũng như tỷ lệ vàng được bán ra thị trường tương đối thấp đã làm cho nguồn cung vàng từ các NHTM không tăng mạnh như thị trường kỳ vọng và do đó giá vàng vẫn không thể ngang bằng với giá thế giới. Điều này đang tạo điều kiện cho giới đầu cơ có thời gian, cơ hội thích nghi với quy định mới và tiếp tục làm giá trên thị trường vàng.
Thứ hai, việc cho phép các NHTM bán vàng huy động mà không “bật đèn xanh” cho các ngân hàng này được huy động vàng vô hình trung đã cắt đứt nguồn cung vàng trong nước cho các NHTM, có nghĩa là các NHTM sau khi bán hết hạn ngạch của mình là xong nhiệm vụ. Nói cách khác, biện pháp này chỉ làm tăng lượng cung trên thị trường vàng tại thời điểm nhất định và khi lượng cung này được hấp thụ hết thì thị trường vàng lại trở lại căn bệnh cũ, đó là nguồn cung hạn hẹp và hầu hết nằm trong tay các công ty độc quyền và các nhà đầu cơ. Do đó, có thể nói rằng biện pháp này của NHNN không có gì khác biệt so với việc cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng để bình ổn, ngoại trừ nền kinh tế tạm thời không tốn ngoại tệ để nhập vàng. Từ đó, có thể dự đoán rằng biện pháp này sẽ không trị được tận gốc căn bệnh đầu cơ, làm giá trên thị trường vàng hiện nay.
Ở khía cạnh khác, sự dè dặt của NHNN trong Thông tư 32 không chỉ làm yếu đi công cụ khắc chế giới đầu cơ vàng mà còn tạo ra một con đường mới cho những cuộc tấn công đầu cơ tiền tệ có thể xảy ra trong nền kinh tế Việt Nam.
Bước đầu tiên của các cuộc tấn công giả định như thế sẽ là các nhà đầu cơ vay lượng lớn tiền đồng để mua vàng, sau đó gửi lượng vàng này vào ngân hàng giữ hộ. Lượng vàng gửi vào các ngân hàng càng lớn thì lượng cung vàng các ngân hàng thương mại ra thị trường càng nhiều và do đó áp lực mua vàng trong tương lai của các ngân hàng càng cao.
Khi các điều kiện cho một cuộc tấn công tiền tệ chín muồi, bao gồm nền kinh tế có mức lạm phát, thâm hụt thương mại, thâm hụt ngân sách đều cao, trong khi dự trữ ngoại hối thấp sẽ dẫn đến kỳ vọng phá giá nội tệ ngày càng lớn. Lúc này, các nhà đầu cơ sẽ cùng một lúc tấn công trên cả hai thị trường là thị trường vàng và thị trường ngoại tệ. Trên thị trường ngoại tệ, các nhà đầu cơ sẽ tăng cường tích trữ ngoại tệ làm khan hiếm nguồn cung và kích thích nhu cầu đầu cơ ngoại tệ của người dân trong nước. Trên thị trường vàng, họ sẽ tiếp tục gia tăng mua vàng và đồng thời rút vàng đã gửi từ hệ thống ngân hàng. Các nhà đầu cơ rút vàng đột ngột với số lượng lớn sẽ làm hụt lượng vàng tồn quỹ của các ngân hàng. Sự thiếu hụt vàng tồn quỹ sẽ buộc các ngân hàng mua vàng trên thị trường trong nước.
Tuy nhiên, khi các ngân hàng từ vị thế là người bán lớn trở thành người mua lớn sẽ làm nguồn cung vàng trên thị trường trong nước lúc này đã trở nên khan khiếm càng khan hiếm trong khi lượng cầu thì rất cao. Điều này có nghĩa là nguồn cung trong nước sẽ không đáp ứng đủ nguồn cầu, do đó buộc NHNN phải cho phép nhập vàng vật chất từ thị trường thế giới. Nhập khẩu vàng sẽ làm tăng cầu ngoại tệ, thâm hụt thương mại sẽ càng tăng, ngoại tệ càng khan khiếm. Lúc này, nền kinh tế Việt Nam sẽ chịu áp lực từ cả thị trường ngoại hối lẫn thị trường vàng, do đó áp lực phá giá tiền đồng sẽ rất mạnh mẽ. Với nguồn dự trữ ngoại hối thấp của Việt Nam cũng như chi phí quá lớn cho việc bảo vệ tỷ giá sẽ làm cho khả năng phá giá đồng nội tệ rất cao.
Mặc dù NHNN đã có những biện pháp phòng ngừa các cuộc tấn công đầu cơ mang tính giả định trên đây như yêu cầu các NHTM siết chặt các khoản vay bảo đảm bằng vàng, hay kiểm soát chặt chẽ thị trường ngoại hối, tuy nhiên, rõ ràng với những bất ổn vĩ mô trong những năm gần đây, đặc biệt là các điều kiện cho cuộc tấn công tiền tệ ở Việt Nam luôn hiện hữu thì khả năng tiền đồng bị tấn công đầu cơ là hoàn toàn có thể xảy ra.
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com