Ngày 25/3/2013, Ngân hàng Nhà nước công bố áp trần lãi suất tiền gửi VND kỳ hạn dưới 12 tháng về mức 7,5%/năm từ mốc 8%/năm. |
Ngày 27/3/2013, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, tín dụng toàn ngành đã “ngoi lên mặt đất” với mức tăng... 0,1%! Trong khi tăng trưởng vốn huy động là 3,8%, các ngân hàng đang đau đầu với tình trạng hiếm gặp: “tồn kho tiền”, buộc họ phải nhanh nhảu giảm lãi suất tiền gửi để xả bớt nguồn, trước khi Ngân hàng Nhà nước phát đi tín hiệu điều hành giảm lãi suất.
Thống kê từ một số chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh miền Trung và Đông Nam Bộ cho thấy, kéo dài suốt từ cuối 2012 đến nay, tình trạng vốn huy động cao hơn vốn cho vay đang diễn biến hết sức lo ngại, khiến các ngân hàng thừa tiền nhưng không biết đẩy vào đâu.
Mua nhiều, bán được bao nhiêu?
Theo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Phú Yên, tính đến 28/2/2013 so với cuối 2012, tổng nguồn vốn huy động tại địa phương tăng 532 tỷ đồng, tương ứng tăng 7,1%; trong khi đó, tổng dư nợ, kể cả dư nợ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (tín dụng bao cấp - PV) giảm 331 tỷ đồng, tương ứng giảm 3,1%.
Một địa phương khác, theo phản ánh của ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai thì đến 31/12/2012, tổng nguồn vốn huy động tại chỗ trên địa bàn tỉnh đạt 79.229 tỷ đồng, tăng 28,5% so với 31/12/2011, nhưng tổng dư nợ chỉ đạt 67.684 tỷ đồng, tăng 16,59% so với 31/12/2011.
Tình trạng mất cân đối giữa huy động và cho vay trong hai tháng đầu năm 2013 vẫn chưa được cải thiện rõ rệt. Theo đó, tổng nguồn vốn huy động đến 28/2/2013 đạt 80.607 tỷ đồng, tăng 1,74% so với 31/12/2012 nhưng tổng dư nợ chỉ đạt 67.658 tỷ đồng, giảm 0,04% so với 31/12/2012.
Đáng lo ngại, Đồng Nai là địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp, số nhân lực từ nhiều địa phương khác đổ về rất đông và cơ cấu khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 57%, dịch vụ chiếm 36,16% trong cấu trúc GDP của tỉnh.
Chung tình cảnh với Đồng Nai là Bình Dương, tổng nguồn vốn huy động tại chỗ tính đến 28/2/2013 đạt 75.835 tỷ đồng, tăng 3,5% so với đầu năm nhưng tổng dư nợ chỉ đạt 53.686 tỷ đồng, giảm 0,2% so với đầu năm.
Còn ở Đà Nẵng, vốn được coi là nơi có dư nợ tín dụng bất động sản xếp hàng đầu cả nước nhưng tính đến hết tháng 2/2013, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện là 49.909 tỷ đồng, tăng 974 tỷ đồng so với cuối năm 2012; trong khi đó, tổng dư nợ cho vay đạt 50.757 tỷ đồng, tăng rất nhẹ so với cuối 2012.
Tại Hà Nội, tình hình cũng bĩ cực như các nơi khác. Bà Mai Sương, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Hà Nội cho biết, đến 31/12/2012, tổng dư nợ tín dụng đạt 652.926 tỷ đồng, tăng 11,39% so với 31/12/2011. Tuy nhiên, trong 2 tháng đầu 2013, tín dụng không những không tăng mà chỉ đạt 616.600 tỷ đồng, giảm 36.326 tỷ đồng.
Xét trên toàn hệ thống, tín dụng èo uột không còn diễn ra ở một số địa phương nêu trên mà ở hầu hết ở các địa phương. Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tính đến 26/3/2013, tổng tín dụng cả nước đã “ngoi lên mặt đất” với mức 0,1% so với cuối năm, trong khi 2 tháng trước đó, tăng trưởng tín dụng âm lần lượt là 1,06% và 0,6%.
Trong khi đó, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, tín dụng toàn ngành tính đến cuối tháng 2/1013 tăng 3,8%, gấp 38 lần!
Đứt ruột nhìn vốn ra đi!
Theo phân tích của giới kinh doanh vốn ngân hàng, trước đây, nếu như một ngân hàng huy động được 30 nghìn tỷ đồng, đẩy qua kênh tín dụng 20 nghìn tỷ đồng, còn dư 10 nghìn tỷ, ngoài việc trừ đi một tỷ lệ để trích lập dự phòng và dự trữ bắt buộc cùng các nghĩa vụ an toàn vốn theo quy định trước khi cho vay, số còn lại có thể mang lên bán vốn trên liên ngân hàng.
Nhưng nay, với quy định ngặt nghèo tại Thông tư 21, cánh cửa này gần như đóng lại. Bởi, những ngân hàng dư vốn thì họ không mua, còn những ngân hàng yếu kém hơn, có thể mua vốn thì lại bị thông tư yêu cầu phải trích lập dự phòng quá lớn, đến mức, có bán cũng bị lỗ.
Một kênh khác là mua trái phiếu chính phủ nhưng với kỳ hạn 2 năm, lãi suất 8,24%/năm (giao dịch ngày 13/3), 9,7%/năm (giao dịch ngày 27/3) thì ngân hàng cũng khó kiếm. Vì: huy động 8%/năm, cộng thêm 1% chi phí (thuê địa điểm, nhân công, in giấy tờ...), giá vốn hàng bán là 9% nếu đem đi mua trái phiếu 9,7% thì lời lãi không đáng kể; thậm chí, lãi tiền gửi có giảm thêm 0,5%/năm thì ngân hàng vẫn lỗ.
Trước tình trạng vốn khả dụng dư thừa như hiện nay, trong khi các kênh khác như gửi vượt dự trữ bắt buộc, mua tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, trái phiếu chính phủ... thì lãi suất thấp và tài trợ tín dụng chưa khởi sắc, các ngân hàng đành phải lựa chọn giải pháp “xả tồn kho tiền” bằng cách giảm lãi suất huy động. Đơn vị “nhanh nhảu” lựa chọn cách này chính là Vietcombank.
Cụ thể, ngày 25/3/2013, Ngân hàng Nhà nước mới công bố áp trần lãi suất tiền gửi VND kỳ hạn dưới 12 tháng về mức 7,5%/năm từ mốc 8%/năm nhưng trước đó 2 ngày, Vietcombank và một số đơn vị đã đưa lãi suất kỳ hạn này về 7,5%/năm.
Theo phân tích của ông Nghiêm Xuân Thành, Chánh văn phòng Ngân hàng Nhà nước, trong khi các ngân hàng khác đang niêm yết 8%/năm thì những ngân hàng nào niêm yết 7,5% (trước khi áp dụng trần 7,5%/năm của Ngân hàng Nhà nước - PV) sẽ bị khách hàng sắp hết hợp đồng rút ngay để ký 8%/năm với thời hạn 1 năm ở những ngân hàng niêm yết 8%/năm.
“Rất nhiều ngân hàng muốn cho vay nhưng vì nhiều lý do: tình hình tài chính doanh nghiệp yếu kém, doanh nghiệp lành mạnh thì ngần ngại vay vốn mặc dù ngân hàng đã hạ lãi suất tiền vay và tăng khuyến mại nên ngân hàng rất khó đẩy tín dụng ra. Trong tình cảnh này, chỉ còn cách xả bớt nguồn để tránh áp lực chi phí vốn cũng là điều phải chấp nhận”, ông Thành nói.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com