Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sứ mệnh nào cho lãi suất?

Ảnh: Kinh Luân.

Dù một số ngân hàng đã công bố lãi suất cho vay khách hàng truyền thống dao động từ 17-19%/năm so với mức bình quân của thị trường là 20-22%/năm, trong thực tế hiệu ứng giảm lãi suất vẫn còn bị hạn chế, mức độ lan tỏa chưa sâu rộng, chưa đáp ứng kỳ vọng của phần lớn doanh nghiệp.

Điều này là dễ hiểu. Trong bối cảnh thắt chặt tiền tệ, chống lạm phát, lãi suất cho vay tăng cao, đã ảnh hưởng lên hầu hết các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội.

Bất chấp những mong muốn chủ quan, theo đánh giá chung, lãi suất vẫn khó giảm nhanh trong thời gian tới vì những lý do nội tại của nền kinh tế hơn là những tác nhân bên ngoài.

Kiên trì với mục tiêu đã đề ra

Xung quanh vấn đề này, dư luận đang phát sinh nhiều luồng ý kiến đánh giá khác nhau về tác động của lạm phát và lãi suất, kể cả những quan điểm mâu thuẫn nhau. Phía ủng hộ tăng trưởng thiên về xu hướng yêu cầu hạ nhanh lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là khi những thông tin đồn đoán về sự phá sản lan rộng ngày càng nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Một số ý kiến khác có thể diễn dịch theo kiểu “hàng hai”, nghĩa là vừa muốn kiềm chế lạm phát nhưng lại vừa muốn cắt giảm lãi suất, vừa đề xuất tung mạnh thêm tiền ra lưu thông đồng thời đòi hỏi phải kiểm soát chặt mục đích sử dụng vốn (?).

Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách buộc phải cân nhắc nhiều mặt để điều hành lãi suất sao cho hợp lý mà không làm phương hại đến mục tiêu hàng đầu là kiềm chế lạm phát. Cũng nên lưu ý đến đặc thù riêng của nền kinh tế Việt Nam đó là bộ phận kinh tế ngầm và đầu cơ vẫn còn chiếm tỷ trọng khá lớn, có nguy cơ biến tướng ngoài vòng chi phối của hệ thống pháp luật, đây là tác nhân thường trực dễ gây tác động xấu đến hiệu lực điều hành vĩ mô, trong đó có chính sách lãi suất.

Có vẻ như chúng ta đang cố gán cho lãi suất những vai trò mà khả năng thực thi trong thực tế là mâu thuẫn nhau. Vô hình trung, có thể dẫn đến việc tước bỏ đi một công cụ điều hành hữu hiệu nhất nhằm kiểm soát lạm phát hiệu quả. Cần nhấn mạnh rằng, trong giai đoạn hiện nay, sứ mệnh vĩ mô hàng đầu không thể bàn cãi của lãi suất chính là tác động trực tiếp làm giảm tổng cầu, qua đó điều chỉnh sự mất cân đối quan hệ tiền tệ - hàng hóa trong toàn bộ nền kinh tế, thiết lập lại tiến trình ổn định giá cả, đồng thời triệt tiêu dần những động cơ dẫn đến lạm phát cao. Trên thực tế, tư tưởng chỉ đạo này đã được thể hiện khá chuẩn xác trong Nghị quyết 11 khi Chính phủ đưa ra hai yêu cầu tiên quyết phải thực hiện:

(1) Chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, (2) Chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước.

Vấn đề đặt ra không chỉ là năng lực tổ chức thực hiện đến đâu mà quan trọng hơn chính là sự nhận thức đúng và kiên trì với mục tiêu đã đề ra.

Làm ăn khó khăn đâu chỉ vì lãi suất cao

Trong nền kinh tế hiện đang diễn ra sự phân hóa ngày càng rõ nét. Bộ phận doanh nghiệp có năng lực tài chính ổn định, kỹ năng quản trị tốt, sản xuất kinh doanh đúng định hướng chiến lược, có uy tín, tranh thủ được cơ hội, mặc dù đối đầu không ít khó khăn nhưng vẫn có thể lèo lái để vượt qua thử thách trong giai đoạn hiện nay. Những doanh nghiệp này có lợi thế là luôn được hệ thống ngân hàng ưu tiên yểm trợ tín dụng với mức lãi suất thỏa đáng. Đặc biệt những doanh nghiệp xuất khẩu có uy tín thường xuyên được ngân hàng chăm sóc bằng nguồn tín dụng ưu đãi lãi suất thấp (17% bằng đồng Việt Nam hoặc 4% bằng đô la Mỹ). Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp bắt đầu bộc lộ rõ hơn những “gót chân Asin” của mình. Có thể liệt kê ra một số dạng cơ bản:

(1) Tình trạng công nợ dây dưa phát sinh lớn do ảnh hưởng của việc thắt chặt chi tiêu công và hạn chế tín dụng, khả năng thanh toán bị suy giảm, dẫn đến áp lực nợ xấu ngân hàng gia tăng. Tình trạng đáng báo động hiện nay là kỷ luật thanh toán trong nền kinh tế rất lỏng lẻo, nợ chậm thanh toán giữa chủ đầu tư và nhà thi công nhiều khi kéo dài hàng năm trời nhưng vẫn không có một chế tài pháp luật nào để xử lý.

(2) Do kinh tế thế giới suy giảm, thị trường bị thu hẹp, chi phí sản xuất gia tăng do lạm phát và lãi suất cao, doanh nghiệp không thể đương đầu với khó khăn, đánh mất thị trường và đối tác, buộc phải thu hẹp hoặc sản xuất cầm chừng, thậm chí có nguy cơ đóng cửa, phá sản công khai hoặc ngấm ngầm.

(3) Định hướng kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp bị chệch hướng, chuyển sang kinh doanh ngoài sở trường, chạy theo lợi ích nhất thời dẫn đến kẹt vốn, kém hiệu quả, thậm chí lỗ lớn, khó tránh khỏi nguy cơ lụn bại… Hơn khi nào hết, lãi suất đang nhắn gửi một thông điệp vô cùng quan trọng đến toàn thể các doanh nghiệp và nền kinh tế, đó là nên cân nhắc cẩn trọng hơn về cách thức sử dụng nguồn lực vốn liếng vốn dĩ còn rất khan hiếm và quý giá của đất nước.

Xu hướng phân hóa nói trên đang diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân nội tại chứ không hẳn chỉ do yếu tố lãi suất cao như dư luận tập trung phê phán trong thời gian vừa qua. Lãi suất cho vay hiện nay ở các tổ chức tín dụng cũng đang bắt đầu có sự phân hóa theo từng đối tượng khách hàng trên cơ sở vận dụng tính linh hoạt của cơ chế lãi suất thỏa thuận. Theo đó, khách hàng có uy tín sẽ được ưu tiên tiếp cận tín dụng với lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường công bố trên thị trường. Những loại hình kinh doanh ẩn chứa nhiều rủi ro hoặc thuộc diện hạn chế sẽ bị áp lãi suất cao.

Tự bản thân ngân hàng đã đến lúc cũng phải biết ứng xử như thế nào cho phù hợp nếu họ muốn cùng tồn tại và phát triển với khách hàng của chính mình. Có thể nói sự phân hóa này đang diễn ra một cách tự nhiên và là “cái neo” quan trọng để giữ cho lãi suất vận hành theo đúng quy luật thị trường mà không phải gánh chịu bất kỳ sức ép hành chính nào.

Tuy nhiên, đằng sau bài toán lãi suất luôn ẩn hiện hai bóng dáng có lẽ là đáng sợ và đáng kính nhất: lạm phát và Ngân hàng Trung ương. Không nghi ngờ gì nữa, kiểm soát chặt chẽ lạm phát phải là ưu tiên hàng đầu nếu muốn thực thi chủ trương giảm dần lãi suất trong thời gian đến.

Mặt khác, nếu xem mong muốn của tân Thống đốc “giảm lãi suất cho vay về 17-19%” như là định hướng quan trọng nhất của chính sách tiền tệ thì câu hỏi đặt ra là làm sao để tranh thủ và phát huy những nhân tố thuận lợi đang le lói xuất hiện? Lạm phát bắt đầu có dấu hiệu giảm nhiệt. Một số ngân hàng thương mại bắt đầu cho vay trong mức lãi suất Thống đốc chỉ đạo. Vấn đề còn lại là chủ động tạo ra “cú hích” đủ mạnh, đủ liều lượng nhằm phát động hiệu ứng lan tỏa tích cực trên toàn bộ thị trường vốn. Quả bóng, chắc chắn như vậy, đang nằm ở phía Ngân hàng Nhà nước.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Khi khách hàng tốt... không chịu vay
  • Nóng tỷ giá “chợ đen”, khi nào can thiệp?
  • Đường đi mới của tỉ giá và lãi suất
  • Căng thẳng tỷ giá chỉ mang tính nhất thời
  • Chính sách tiền tệ: Món ngon khó nấu!
  • Doanh nghiệp chọn vay USD hay VND?
  • Ai nắm giữ vàng nhiều nhất thế giới?
  • Hạ lãi suất, doanh nghiệp chưa vội “thở phào”
  • Vai trò lãi suất thực âm
  • Lạm phát cao, lãi suất có giảm ?
  • Đồng tiền nào có đủ khả năng thay thế được USD?
  • Đã ép xuống, USD cuối năm vẫn bật lên?
  • Bản tin tư vấn tiền tệ ngày 01/09/2011
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!