Năm 2009 với những sự kiện tài chính khẳng định nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa qua được cơn bĩ cực, sự trì trệ của nền kinh tế Mỹ đang và sẽ ảnh hưởng đến bức tranh kinh tế thế giới. Khủng hoảng tài chính không chỉ khiến cho nền kinh tế toàn cầu đi chệch theo quỹ đạo, mà sức tàn phá của nó nặng nề tới mức hiếm thấy trong lịch sử. Mặc dù kể từ quý II/2009, sự phục hồi của nền kinh tế bắt đầu mạnh dần nhưng đến năm 2010, dự đoán kinh tế thế giới vẫn chỉ là “mò mẫm đi trong sương mù”, với các vấn đề nghiêm trọng như tỷ lệ thất nghiệp cao, con số thâm hụt ngân sách không ngừng tăng lên, áp lực về lạm phát ngày càng nghiêm trọng, chủ nghĩa bảo hộ lên ngôi, đói nghèo gia tăng,..
Khởi đầu một năm đầy khó khăn của kinh tế thế giới, trong bối cảnh các kênh đầu tư khác đều mất đi tính hấp dẫn, đặc biệt là vàng và chứng khoán, đồng USD trở thành “chiếc hầm trú ẩn an toàn” cho hầu hết giới kinh doanh. Tháng 1, chỉ số DXY đo lường giá trị đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ bao gồm 6 loại đồng tiền mạnh leo lên mức khá cao trên 85 điểm. Tháng 2 và nửa đầu tháng 3 tiếp tục với ưu thế thuộc về bạc xanh khi tình hình tồi tệ của kinh tế Mỹ vẫn tiếp diễn với việc AIG công bố thua lỗ lớn nhất trong lịch sử, General Motors xin bảo hộ phá sản. Dow Jones xuống dưới 7.000 điểm lần đầu trong 12 năm còn S&P 500 đóng cửa ở mức thấp nhất từ năm 1996. Trước tình hình “rơi tự do” này của kinh tế đầu tàu, cùng với khoản mua lại các cổ phiếu cầm cố trị giá 1.450 tỷ USD đang thực hiện; Fed tiếp tục tung tiền mua vào 300 tỷ USD trái phiếu chính phủ bất chấp một lượng tiền khổng lồ đã được đẩy ra thị trường từ cuối năm 2008. Cũng trong khoảng thời gian trên, đồng USD tăng giá 9% so với EUR và 7% so với JPY.
Cho đến cuối tháng 3/2009, tình hình kinh tế Mỹ bắt đầu có dấu hiệu cải thiện. Thêm vào đó, gói hỗ trợ trị giá đến 787 tỷ USD được chính phủ Mỹ bơm vào nền kinh tế phần nào cổ vũ trào lưu ưa thích rủi ro, xóa nhòa tính chất an toàn của đồng bạc xanh trên thị trường và đánh dấu thời kỳ giảm điểm kéo dài của đồng tiền này cho đến gần hết năm 2009. Tâm lý thị trường dần ổn định hơn, phố Wall bắt đầu gượng dậy và phục hồi trở lại. Đến hết quý 3/2009, kinh tế Mỹ được xem là thoát khỏi suy thoái với tốc độ tăng trưởng GDP so với quý 2 là 2.2%. Tuy nhiên, với chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm kích thích kinh tế và bù đắp thâm hụt cán cân thương mại, FED kiên quyết giữ nguyên mức lãi suất cơ bản đồng USD ở mức 0 – 0.25% bất chấp những chuyển biến tích cực của nền kinh tế và mức thâm hụt ngân sách kỷ lục đã kề cận mức 1.500 tỷ USD. Thêm vào đó, những thông tin về việc các nước Trung Đông có ý định loại đồng USD ra khỏi các giao dịch dầu lửa, NHTW các nước bắt đầu thay đổi cơ cấu dự trữ ngoại hối quốc gia nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD, sự vươn lên của Trung Quốc trên đấu trường thế giới… cũng góp phần đẩy đồng USD suy giảm mạnh hơn. Chỉ số DXY rớt xuống sát mức 75 điểm trong những tuần cuối của tháng 10/2009.
Tình hình chỉ thay đổi cho đến cuối tháng 11, vụ “nhà giàu khất nợ” của Dubai gây "sốc" cho ngành tài chính toàn cầu. Rủi ro về một cuộc khủng hoảng nợ ở thế giới Arab đã thúc đẩy giới đầu tư quay trở lại với trái phiếu kho bạc Mỹ và đồng USD để tìm kiếm sự an toàn, từ đó tạo lực đẩy đồng bạc xanh hồi phục sau 8 tháng suy yếu. Dầu vậy, bên cạnh bối cảnh lãi suất thấp, những yếu tố tác động tiêu cực đối với USD vẫn còn đó. Nhiều NHTW vẫn muốn bán USD do họ đã tích lũy quá nhiều, dòng vốn tư nhân ra khỏi Mỹ vẫn khá cao và chưa thể thay đổi trong khi Trung Quốc thể hiện rõ ràng việc đa dạng dự trữ ngoại tệ sang những tiền tệ khác và tài sản chất lượng cao hơn, mặc dù USD vẫn là đồng tiền chủ chốt. Trong khi đó, mặc dù tỉ lệ thất nghiệp trong tháng 11 của đầu tàu đã giảm xuống còn 10% - mức thấp nhất trong hơn 2 năm qua, nhưng tỷ lệ này vẫn còn khá cao và nhiều khả năng tỷ lệ này sẽ còn đứng ở mức 9% chí ít là đến hết năm 2010. Trước tình hình này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner quyết định chi thêm 700 tỉ USD từ quĩ hỗ trợ tài chính cho đến tháng 10/2010. Trong đó, gần 550 tỉ dành cho Chương trình giải trừ tài sản xấu (TARP), phần còn lại để giảm thâm hụt ngân sách. Dường như cả Fed lẫn Bộ Tài chính đang làm hết sức mình để sớm đưa đầu tàu ra khỏi cơn khủng hoảng kéo dài từ đầu năm 2008 này.
Dầu vẫn còn khá nhiều vấn đề cần phải giải quyết nhưng kinh tế Mỹ tháng cuối năm đã đón nhận nhiều hơn những dấu hiệu khả quan. Doanh số bán lẻ tăng cùng niềm tin thị trường được khôi phục, cùng lúc đó, hai ngân hàng lớn của Mỹ là Citigroup và Wells Fargo cũng tuyên bố họ sẽ trả lại chính phủ số tiền cứu trợ đã nhận được từ năm ngoái nhằm thoát khỏi các điều kiện quản lý ngặt nghèo từ nhà chức trách, đồng thời khẳng định hệ thống tài chính Mỹ đang ngày một phục hồi mạnh mẽ hơn. Trong khi đó, nỗi lo lạm phát của đầu tàu kinh tế Mỹ ngày một tăng lên khi Fed duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ quá lâu trong khi chính phủ vẫn chưa có kế hoạch rút số tiền hỗ trợ thanh khoản ra khỏi thị trường. Các chuyên gia dự đoán, với tình hình kinh tế bắt đầu khởi sắc đi kèm với mối lo lạm phát, các nhà cầm quyền Mỹ sẽ có quyết định điều chỉnh lãi suất đồng USD sớm hơn dự định. Dự đoán này đã trở thành lực hỗ trợ giúp đồng bạc xanh cải thiện vị thế của mình trên thị trường ngoại hối trong tháng cuối năm và sẽ là một ưu thế để đồng tiền này tiếp tục gia tăng khoảng cách so với các đối thủ của nó trên đường đua ngoại hối 2010.
Thị trường USD/VND 2009: những cơn sóng chưa bao giờ dứt. Giống như hầu hết các đồng tiền quốc gia khác, năm 2009 cũng là một năm đầy khó khăn của thị trường ngoại hối Việt Nam mà cụ thể là thị trường USD/VND.
Khởi động năm 2009 là những ngày khá căng thẳng của tỷ giá USD/VND. Tình hình xuất khẩu gặp khó khăn, FDI và kiều hối chững lại trong bối cảnh kinh tế thế giới trượt dốc khiến cung ngoại tệ sụt giảm trong khi cầu ngoại tệ, chủ yếu là cầu USD cho nhập khẩu vẫn khá cao. Trong khi đó, việc các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng chuyển vốn về nước càng gây áp lực lên tỷ giá USD/VND trong những ngày đầu năm. Trong suốt gần 3 tháng của quý 1/2009, tỷ giá USD/VND do NHNN công bố xoay quanh mức 16,975 với biên độ tỷ giá là +/-3% trong khi giá USD/VND tại thị trường tự do có thời điểm lên đến 18,000. Đây cũng là thời điểm các ngân hàng bắt đầu thực hiện giải ngân theo chương trình hỗ trợ lãi suất của chính phủ với mục đích tránh cho
kinh tế Việt Nam khỏi chìm sâu vào cơn bạo bệnh như tại các quốc gia phát triển. Do tác động phụ của chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay bằng VND và việc điều chỉnh giảm lãi suất cơ bản bằng VND, nhiều doanh nghiệp không muốn vay ngoại tệ mà chuyển sang vay VND để mua ngoại tệ tránh rủi ro tỷ giá, dẫn đến nhu cầu mua ngoại tệ tăng mạnh, tình hình cung cầu ngoại tệ càng trở nên căng thẳng hơn.
Để tăng nguồn cung và ổn định thị trường ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc mở rộng biên độ ấn định tỷ giá mua bán USD/VND của các NHTM từ ±3% lên ±5% so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng với hiệu lực từ ngày 24/3/2009. Đặc biệt, nhằm hạn chế tâm lý găm giữ ngoại tệ của các doanh nghiệp và người dân; NHNN đã yêu cầu các NHTM nhà nước giảm lãi suất cho vay và huy động bằng ngoại tệ (lãi suất cho vay giảm từ mức 6 – 6,5%/năm xuống không quá 4%/năm kể từ ngày 15/4/2009 và giảm tiếp xuống mức không quá 3%/năm kể từ ngày 01/6/2009, lãi suất huy động giảm xuống mức không quá 1,5%/năm kể từ ngày 01/6/2009). Tuy nhiên, hiệu quả của những giải pháp này còn khá hạn chế và chưa thể thay đổi được tâm lý găm giữ đồng USD của người dân. Do vậy trong suốt hơn 8 tháng của năm 2009, trên thị trường vẫn tồn tại nguồn huy động USD của các ngân hàng rất nhiều nhưng lại thiếu nguồn USD để bán lại cho các doanh nghiệp theo đúng giá quy định của NHNN. Để đảm bảo hoạt động kinh doanh nhiều công ty vẫn phải chấp nhận mua đồng USD với mức giá cao hơn so với mức giá của NHNN quy định. Tình hình càng trở nên căng thẳng hơn khi bước vào quý 4, Bộ Công Thương thông báo thâm hụt cán cân thanh toán tổng thể trong năm 2009 của Việt Nam ước khoảng 1,9 tỷ USD, trong đó thâm hụt cán cân thương mại khoảng 12 tỷ; NHNN công bố dự trữ ngoại hối tại thời điểm cuối tháng 10/2009 là 16 tỷ USD - thấp hơn mức dự trữ đầu năm 2008 là 20 tỷ USD; hơn nữa, báo cáo kiều hối dự kiến thu trong năm chỉ đạt 6,8 tỷ USD - giảm 6% so với năm 2008 còn nguồn vốn giải ngân FDI đạt khoảng 9 tỷ USD.
Trong lúc cán cân thương mại đang bị sức ép thâm hụt, NHNN quyết định cho phép một số NHTM nhập vàng trở lại vào tháng 11/2009 nhằm ngăn chặn cơn sốt diễn ra trên thị trường vàng cũng một phần gây sức ép đối với tỷ giá USD/VND. Con số âm về chênh lệch xuất nhập khẩu được công bố trong 11 tháng đầu năm 2009 áp sát 10,2 tỷ USD, cộng thêm sức ép nhập khẩu vàng càng tạo tâm lý khan hiếm USD và đẩy rộng khoảng cách giữa giá USD do NHNN công bố giá USD trên thị trường tự do. Ngày 25/11/2009, NHNN buộc hạ biên độ dao động tỷ giá USD/VND từ ±5% xuống ±3% và nâng mạnh tỷ giá USD/VND lên mức 17,964 từ mức 17,034. Ngày 23/12/2009, Thủ tướng Chính phủ có văn bản yêu cầu 7 tập đoàn, tổng công ty nhà nước bán ngay số ngoại tệ dưới dạng tiền gửi và các nguồn thu vãng lai cho các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối, đồng thời NHNN bán ra ngoại tệ cho các TCTD có trạng thái ngoại tệ âm từ 5% trở xuống giúp tình hình ngoại tệ bớt đi nhiều phần căng thẳng. Những ngày cuối tháng 12/2009, tỷ giá bình quân trên thị trường liên ngân hàng liên tục duy trì ở mức 17.941 VND. Giá USD mua vào - bán ra của các NHTM theo đó cũng duy trì ở mức trần là 18.479 VND. Cũng trong thời gian này, thị trường đón nhận thêm nỗ lực tháo gỡ khó khăn của Ngân hàng Nhà nước khi cơ quan chính phủ này có thông tư bổ sung thêm 2 đối tượng được vay vốn bằng ngoại tệ của các TCTD. Nhờ vậy, tình hình tỷ giá USD/VND cũng như cung cầu USD đã giảm bớt đi nhiều phần áp lực. Mặc dầu vậy, diễn biến phức tạp của cuộc suy thoái kinh tế thế giới vẫn chưa đến hồi kết thúc trong khi tình hình kinh tế trong nước chưa thực sự có nhiều dấu hiệu khởi sắc; do đó, việc các dòng vốn tiếp tục rời khỏi Việt Nam cũng như thâm hụt cán cân thanh toán và nợ ngắn hạn nước ngoài tăng lên sẽ vẫn là nỗi lo của thị trường ngoại hối Việt Nam trong thời gian tới.
[VÀNG] 2009 – Năm “vàng” của giá vàng Chứng kiến giá vàng liên tiếp chinh phục những đỉnh cao trong lịch sử cùng những cơn bão giá tăng nhanh – giảm mạnh đầy bất ngờ, thật khó phủ nhận năm 2009 vừa qua là năm “vàng” của mặt hàng kim loại quý này.
“Hải trình Vàng” khởi động năm 2009 ở mốc $879.30/Oz, mang đặc điểm của một tài sản đầu tư rủi ro, song cũng đầy hấp dẫn, đã thu hút một “thủy thủ đoàn” đông đảo tham gia, từ những nhà đầu tư nhỏ lẻ cho đến các quỹ đầu cơ quy mô lớn. Trong suốt cuộc hành trình, với xu hướng tăng chủ đạo, chiếc tàu “Vàng” đã chuyển động tăng đều đặn trong các quý 1, 2 và 3 rồi bứt phá mạnh trong quý 4, để lại nhiều dấu ấn nổi bật cho 1 năm “phiêu lưu” của giá vàng.
Nổi bật nhất có thể kể đến là đỉnh giá kỷ lục – mốc 1,226.30USD/Oz - được xác lập vào ngày 2/12/2009 trên thị trường New York. Mức giá này đã bỏ xa kỷ lục đóng cửa 1.002,8 USD/oz được lập vào năm 2008. Năm nay giá vàng đã tăng 25% và là năm tăng giá thứ 9 liên tục của vàng. Điều đáng nói là giá vàng thế giới năm nay lập kỷ lục giữa lúc khủng hoảng tài chính không còn căng thẳng như năm 2008, đồng thời rủi ro lạm phát cũng không phải là một mối lo quá lớn và thường trực của hầu hết các quốc gia.
Giải mã cơn bão giá vàng này, giới chuyên gia nhận định là do sự mất giá của đồng Đôla Mỹ, đơn vị tiền tệ thuộc loại mạnh nhất trên thế giới, là do những lo ngại về sự trượt giá tiền giấy gây nên bởi lạm phát và quan trọng hơn cả là do sự đầu cơ, găm giữ vàng của các tổ chức đầu tư, bao gồm các quỹ đầu tư vàng trên sàn giao dịch, các quỹ đầu cơ và nhà đầu tư cá nhân. Ngoài ra, xu hướng tăng dự trữ vàng của nhiều NHTW cũng đã chắp cánh cho giá vàng thăng hoa.
Giá vàng năm nay đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng của nước Mỹ. Xu hướng suy yếu của tỷ giá USD do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục là nhân tố nâng đỡ tích cực nhất cho giá vàng trong năm.
Giảm dự trữ USD và tăng dự trữ vàng là cách đa dạng hóa dự trữ ngoại hối mà NHTW nhiều quốc gia, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi lớn như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Brazil..., đang thực hiện. Kỳ vọng giá vàng tăng của giới đầu tư đang và sẽ tiếp tục được củng cố qua việc các NHTW liên tục đăng ký gia tăng mua vàng từ IMF và thậm chí là mua vàng từ các mỏ vàng sản xuất trong nước của mình như trường hợp của Nga, tạo ra lý do cho các quỹ đầu cơ tiếp tục đẩy giá vàng lên.
Điểm đáng chú ý thứ hai có thể kể đến là sự thay đổi trong cấu trúc của thị trường vàng thời kỳ “hậu khủng hoảng”. Vàng trở thành một kênh đầu tư sinh lợi cao thay vì vai trò truyền thống là công cụ phòng ngừa những biến động xấu của thị trường tài chính – kinh tế - chính trị, hay là để bảo toàn giá trị tài sản trước tác động của lạm phát. Theo số liệu hãng tin tài chính Bloomberg cung cấp, trong 11 tháng đầu năm nay, vàng đã đem đến cho giới đầu tư tỷ lệ lợi nhuận đến 34%, xếp thứ 3 sau các loại trái phiếu có định mức tín nhiệm thấp trên thế giới với mức 58%, tiếp đó là thị trường hàng hóa với mức lợi nhuận 36%, vượt qua các loại chứng khoán (29%), trái phiếu doanh nghiệp (23%), và trái phiếu chính phủ (8%). Cấu trúc thị trường thay đổi còn phản ánh khá rõ nét qua sự “tái sắp xếp” thứ tự ưu tiên của các yếu tố chi phối nhu cầu vàng. Nếu trước kia những nhu cầu cơ bản về vàng vật chất cho tích trữ khi sản lượng bị thu hẹp, vàng nữ trang phục vụ cho mùa cưới ở Ấn Độ, vàng cho dịp năm mới ở Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn trong sức mua vàng thì nay, những nhu cầu ấy đã bị đặt sau nhu cầu đầu cơ và kỳ vọng vàng tăng giá của giới đầu cơ.
Ngoài ra, có thể nhận thấy song song với sự trở mình sang một dạng tài sản đầu tư có rủi ro hấp dẫn, vàng cũng mất dần vị thế “vịnh tránh bão” an toàn của mình. Trận “bão giá” vào quý 4 năm 2009 với sự “góp gió” đáng kể từ Trung Đông là dẫn chứng xác đáng cho sự mất ngôi này. Thị trường tài chính toàn cầu vào khoảng cuối tháng 11 được phen chao đảo do lo sợ về một cuộc khủng hoảng nợ ở thế giới Arab khi đón nhận tin thông tin Dubai World, một doanh nghiệp Nhà nước hàng đầu xin khất nợ, với số nợ lên tới 59 tỷ USD, hơn 2/3 trong tổng số nợ 80 tỷ USD của Chính phủ nước này. Trong hoang mang, thay vì tìm về vàng như “chốn trú ẩn an toàn”, giới đầu tư đã quay trở về một cuộc khủng hoảng nợ ở thế giới Arab đã thúc đẩy giới đầu tư quay trở lại với trái phiếu kho bạc Mỹ và USD để tìm kiếm sự an toàn, kéo tỷ giá USD tăng và giá vàng quay đầu đi xuống. Như vậy, thay vì là vàng, kênh đầu tư được xem là “vịnh tránh bão” hàng đầu năm nay trên thị trường thế giới chính là đồng USD.
Khi cấu trúc của thị trường vàng đã nghiêng hẳn về mặt đầu tư và đầu cơ chứ không phải thuần túy là sản phẩm đầu tư thay thế để phòng ngừa rủi ro, sẽ là không quá nếu ta hình dung nên “bong bóng giá vàng”. Trong năm 2009, vàng trở thành sản phẩm được ưa chuộng của giới đầu tư nhờ hiệu ứng phụ của chính sách kích thích kinh tế của các nước. Nói cách khác, bong bóng giá vàng được tạo thành cùng lúc với các quả bong bóng thâm hụt ngân sách, bong bóng nợ chính phủ và bong bóng trong bảng cân đối của các NHTW. Tuy nhiên, cũng giống như bất kỳ bong bóng tài sản nào khác, quả bong bóng vẫn sẽ tiếp tục phình to khi người ta còn tiếp tục kỳ vọng nó sẽ phình to hơn nữa trong vòng một thời gian không ngắn trước khi nó nổ tung. Và đó là vấn đề của tương lai, cho đến khi nào kinh tế thế giới bình ổn, thị trường việc làm hồi phục và thị trường tài chính vận hành suôn sẻ, cộng với việc giá vàng đã được đẩy lên mức cao không tưởng mà việc tiếp tục mua sẽ không đem lại nhiều lợi nhuận, thì quả bong bóng đó sẽ xì hơi.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới, hiện mới chỉ là giai đoạn đầu của chu kỳ đầu cơ vàng và vàng đang trở thành mục tiêu của hoạt động đầu tư dài hạn. Và hiện tại, dấu hiệu bình ổn kinh tế, tỷ lệ tăng trưởng GDP “dương” cũng đã dần hiển hiện ở một số nền kinh tế chủ chốt, lòng tin tiêu dùng đang dần được khôi phục và hơn thế, sự ham muốn thách thức rủi ro của giới đầu tư cũng đang được kích thích, xu hướng chung dự báo giá vàng sẽ tăng trong năm 2010. Một số chuyên gia mạnh dạn dự báo giá kim loại quý này sẽ cán mức 1,500 USD/Oz trong năm tới.
Dưới tác động của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng liên tục khiến thị trường đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Ngày lịch sử của thị trường vàng trong nước năm nay là 11/11, khi giá vàng lần lượt chinh phục các mốc giá 27, 28, rồi 29 triệu đồng/lượng chỉ trong vòng có vài giờ đồng hồ buổi sáng. Đỉnh cao mọi thời đại của giá vàng trong nước hiện là mốc 29,3 triệu đồng/lượng.
Giá vàng khởi đầu năm nay ở mốc hơn 17,5 triệu đồng một lượng và quan sát sơ đồ giá trong năm 2009 có thể thấy đà tăng liên tục, có vài thời điểm vàng xuống hoặc chững giá nhưng độ giảm khá nhẹ và ngắn so với độ tăng. Chênh lệch giữa mức giá cao nhất (29,3 triệu đồng) và thấp nhất trong năm (17,5 triệu đồng) lên tới gần 12 triệu đồng mỗi lượng. Như vậy, có thể thấy chưa có năm nào giá vàng biến động "điên loạn" và gây sốc cho người dân trong nước cũng như thế giới như năm nay.
Biến động cùng chiều với giá thế giới, song giá vàng trong nước thường có độ vênh đáng kể so với giá vàng thế giới, do thừa hoặc thiếu cung vàng và biến động tỷ giá USD/VND. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, sự lệch giá này là kết quả của hoạt động ghìm giá hoặc thổi giá của giới đầu cơ. Giá vàng trong nước năm nay có thời điểm thấp hoặc cao hơn giá vàng thế giới tới cả triệu đồng/lượng. Vào thời điểm giữa quý 1, khi người dân ồ ạt bán vàng để chốt lời ở mức giá 19-20 triệu đồng/lượng, còn doanh nghiệp mạnh tay gom mua để xuất khẩu, giá vàng trong nước đã có lúc thấp hơn giá vàng thế giới 1,5 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, vào giữa quý 4, khi các nhà đầu tư tranh mua vàng, giá vàng trong nước lại thường xuyên cao hơn giá thế giới. Ngoài ra, sự lên xuống của tỷ giá USD/VND thị trường tự do ở nhiều thời điểm còn gây nên sự khác biệt trong biên độ tăng giảm, thậm chí hình thành nên sự biến động ngược chiều giữa giá vàng trong nuớc và giá vàng thế giới.
Với giới đầu tư Việt Nam, năm 2009 cũng là năm mà kênh đầu tư vàng chứng tỏ được sức hấp dẫn của nó. Giá vàng từ đầu năm tới ngày 24/12 đã tăng gần gấp rưỡi, chỉ số VN-Index tăng 51,8%, còn lãi suất tiết kiệm VND kỳ hạn 1 năm ở điểm đầu năm nay vào khoảng 8%. Sự phát triển rầm rộ của các sàn giao dịch vàng với tỷ lệ ký quỹ ban đầu từ 5 – 7% tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt của kênh đầu tư này và thu hút được nhiều người tham gia. Tuy nhiên, sự mới mẻ của kênh đầu tư này, xu hướng “bầy đàn” vẫn thống trị tâm lý các nhà đầu tư, cộng thêm sự chi phối của quá nhiều tin tức không rõ nguồn gốc và tình trạng thiếu kiến thức phân tích cơ bản về thị trường đã khiến không ít nhà đầu tư nhỏ lẻ thua lỗ nặng.
Cũng trong năm 2009, NHNN đã có những can thiệp kịp thời vào thị trường vàng nhằm duy trì tính ổn định của thị trường. Tiêu biểu là quyết định nối lại hoạt động nhập khẩu vàng từ ngày 11/11 sau khi tạm ngừng 1 năm rưỡi đã giúp “hạ nhiệt” cơn sốt vàng đang ở đỉnh điểm. Sau khi vấn đề nguồn cung được giải quyết, giá vàng tiếp tục có những biến động mạnh do xu hướng leo thang của tỷ giá USD thị trường tự do. Tuy nhiên, vấn đề này đã được khắc phục sau khi NHNN nâng mạnh tỷ giá USD/VND liên ngân hàng và thu hẹp biên độ tỷ giá từ +/-5% về +/-3% vào ngày 25/11. Từ thời điểm đó tới nay, với sự ổn định của tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do và nguồn cung vàng không còn khan hiếm, giao dịch trên thị trường vàng diễn ra khá ổn định.
Năm 2010 tới được đánh giá là năm mà kinh tế các nước có thể sẽ hoàn toàn hồi phục sau cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua, áp lực lạm phát sẽ tăng mạnh là hệ quả của hàng loạt gói kích thích kinh tế của các nước. Hơn nữa, cán cân thương mại của Mỹ sẽ tiếp tục thâm hụt nặng nề và USD được dự báo sẽ chịu áp lực giảm giá mạnh. Đây là những trợ lực vững chắc để vàng tiếp tục lập thêm nhiều kỷ lục mới. Năm 2010 cũng được dự báo là năm tăng giá của vàng trong nước bởi các yếu tố gồm giá vàng quốc tế tăng, tỷ giá USD/VND tăng và nhu cầu đầu tư vàng vẫn khá mạnh.