Để phòng ngừa lạm phát, Ngân hàng Nhà nước (SBV) đưa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2010 là 25%. Hạn mức trần này có phần làm cho nhà đầu tư chứng khoán lo ngại, vì sợ dòng tiền đổ vào thị trường thấp hơn năm qua nên doanh nghiệp sẽ thiếu vốn hoạt động, lợi nhuận năm tới sẽ thấp. Tuy nhiên, qua thực tế từ nhiều năm nay cho thấy việc ấn định hạn mức này xem ra không khả thi.
Khách hàng giao dịch tại Vietcombank TPHCM. Ảnh: N. Hữu
3 năm đều sai định hướng
Theo công bố mới đây của SBV, năm 2009, tín dụng cả nước tăng gần 38% so với năm 2008. Như vậy, so với chỉ tiêu đưa ra lần cuối là 30% (ban đầu là 27%) thì thực tế đã cao hơn 8%. Lý giải điều này, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng do năm nay gặp khủng hoảng nên hệ thống ngân hàng phải thực hiện giải ngân cấp bách vốn kích cầu, với lãi suất thấp, nhờ đó nên tín dụng tăng mạnh. Tuy nhiên, trong thực tế, con số tăng trưởng của SBV đưa ra chỉ là định hướng, chứ không có quy định nào bắt buộc các ngân hàng thương mại (NHTM) phải theo hạn mức đó. Bởi thực tế, hoạt động tín dụng phải căn cứ theo tín hiệu thị trường, vào tương quan cung – cầu tiền tệ, vào khả năng quản trị kinh doanh của từng ngân hàng... Do nhu cầu đầu tư và kinh doanh tăng mạnh, người dân và doanh nghiệp luôn có nhu cầu vay vốn đã tạo ra áp lực tăng trưởng tín dụng mạnh.
Mặt khác, do lạm phát hằng năm tăng cao nên trong khoản tăng tín dụng thực tế đã bị lạm phát khấu trừ một phần lớn, vì vậy giá trị tín dụng thực tế đưa vào nền kinh tế thường thấp hơn con số công bố, nhưng điều này chưa thấy cơ quan nào đề cập. Trong 3 năm qua, mặc dù hằng năm SBV đều đưa ra định hướng trần tín dụng nhưng thực tế lại khác xa. Năm 2009, thực tế vượt chỉ tiêu 8%. Năm 2008, trần tăng trưởng tín dụng đưa ra là 30%, song thực tế là 37,7%. Còn năm 2007, giới hạn này là 22% thì thực hiện là 37,8%...
Sau Tết, tín dụng mới bình thường
Trong những ngày cuối năm nay, tình hình thanh khoản của các NHTM khá căng thẳng làm cho nguồn cung tiền giảm sút, nhiều khách hàng muốn vay tiền gặp khó khăn. Lãi suất vay thỏa thuận đã lên đến 17% - 18%/năm. Bà Dương Thu Hương, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng VN, cho biết: “Việc căng thẳng thanh khoản hiện tại của nhiều NHTM là hiện tượng có tính thời vụ hằng năm”. Như vậy, từ nay đến Tết Nguyên đán thị trường tín dụng sẽ còn “nóng” và dòng tiền đáp ứng cho vay (đặc biệt đối với chứng khoán) sẽ vẫn khép cửa. Theo ông Nguyễn Văn Hiển, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á, đến Tết Nguyên đán, khi doanh nghiệp và người dân thu tiền bán hàng về thì nguồn vốn mới trở lại ngân hàng dồi dào và lúc đó dòng tiền bơm ra thị trường mới mạnh lên.
Đối với hạn mức tín dụng tăng 25%, do chưa thấy năm nào thực hiện được định hướng này nên năm nay có lẽvẫn... như cũ. Nhưng để khỏi làm “mất lòng” SBV, thường thường đầu năm các NHTM xây dựng kế hoạch khiêm tốn. Sau đó họ sẽ cho vay hết khả năng. Bởi thực tế cho đến nay, nguồn thu nhập của NHTM chủ yếu dựa vào kênh tín dụng, nếu huy động vốn vào tối đa mà cho vay hạn chế thì sẽ có nguy cơ... sập tiệm. Vì vậy, các NHTM sẽ đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng hết khả năng khi có nguồn vốn dồi dào. Nhưng từ nay đến cận Tết, còn hơn một tháng nữa, trong khoảng thời gian đó, nhà đầu tư chủ yếu “chơi” bằng vốn tự có. Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán SJC, nhận định do dòng tiền bơm ra thị trường bị khép lại nên từ nay đến Tết, chứng khoán sẽ lình xình quanh mức 500 điểm. Còn sau đó thị trường sẽ lệ thuộc vào nguồn cung tiền cho nền kinh tế.
(Theo Trần Phú Minh/nld.com.vn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com