Song song với Kế hoạch rà soát tình hình hoạt động, triển khai các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thực hiện trong quý II tới, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) cũng vừa có văn bản yêu cầu các cục quản lý chuyên ngành, các chủ đầu tư và ban quản lý dự án thuộc Bộ khẩn trương lập lộ trình thực hiện các dự án, công trình giao thông trọng điểm, kể cả các dự án được giao cho địa phương làm chủ đầu tư.
Động thái trên cho thấy, bên cạnh mục tiêu đẩy mạnh công tác giám sát cộng đồng, việc thắt chặt mối liên hệ hai chiều giữa đơn vị quản lý, nhà thầu xây dựng với chính quyền, nhân dân địa phương sẽ góp phần giải toả bớt "gánh nặng" giải phóng mặt bằng, vấn đề về vốn thi công công trình, đồng thời thúc đẩy tiến độ dự án.
Thực tế cho thấy, sự phối hợp giữa chủ đầu tư và các chính quyền các địa phương luôn là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn tới tiến độ dự án, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông, vốn được đánh giá là có tính xã hội rất cao. Đã có không ít hình mẫu về sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan triển khai dự án với chính quyền địa phương, trong đó Dự án Xây dựng cầu Rạch Miễu tại tỉnh Bến Tre theo hình thức BOT (vừa khánh thành) là một ví dụ.
Không chỉ tích cực trong công tác giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh Bến Tre thậm chí còn nhiều lần ứng vốn, treo thưởng tiến độ cho nhà đầu tư để thúc đẩy thực thi dự án. Kết quả là không chỉ nhà đầu tư sớm hoàn thành công trình để có thêm thời gian thu phí mà UBND tỉnh Bến Tre cũng có thêm "một cầu nối đầu tư" quan trọng cho chính địa phương mình.
Tuy vậy, cũng có không ít dự án giao thông đang lâm vào tình trạng "án binh, bất động" sau nhiều năm triển khai do thiếu sự quan tâm thích đáng của chính quyền địa phương. Một chủ đầu tư dự án thuộc Bộ GTVT cho biết, tình trạng đơn vị quản lý dự án phải "nài xin" chính quyền địa phương tích cực hơn trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng hoặc hỗ trợ đảm bảo an ninh trong quá trình thi công không phải là hiếm gặp cho dù địa phương đó là nơi trực tiếp hưởng lợi từ dự án.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng, để đạt được mục tiêu trong của ngành GTVT là giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt 45% kế hoạch năm (tương đương 8.000 tỷ đồng) trong 5 tháng đầu năm, làm cơ sở báo cáo Quốc hội bổ sung vốn Trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn khác cho dự án giao thông, Bộ GTVT rất cần sự chung sức hỗ trợ của chính quyền địa phương trong nỗ lực đẩy nhanh tiến độ dự án.
Đây cũng là "bước chạy đà" quan trọng để Bộ hoàn thành kế hoạch giải ngân 20.000 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong năm 2009 - một nguồn vốn kích cầu đầu tư khá hiệu quả, bởi nó không những góp phần tiêu thụ một lượng không nhỏ vật liệu xây dựng, mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động tại chính những địa phương đang triển khai dự án.
( Theo báo Đầu tư )
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com