Trong 4 tháng đầu năm nay, hàng loạt dự án đầu tư nước ngoài đã đổ dồn vào VN với số vốn đăng ký đạt 8,2 tỉ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý có rất nhiều dự án tỉ USD.
Tăng mạnh vào sản xuất
Điều đáng mừng là trong 4 tháng đầu năm nay, vốn FDI dồn khá nhiều vào các lĩnh vực mà Việt Nam muốn thu hút như công nghiệp chế biến, chế tạo… với 164 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 7,4 tỉ USD, chiếm 90,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Nhà máy sản xuất thiết bị di động của Samsung Electronics VN ở Bắc Ninh - Ảnh: Quang Thuần |
Có thể điểm danh một số tên tuổi như Samsung Electronics VN đã khởi công xây dựng nhà máy sản xuất các thiết bị di động tại Thái Nguyên trong tháng 3 với vốn 2 tỉ USD tại Tổ hợp công nghệ cao ở Thái Nguyên (SEVT). Tập đoàn này cho biết sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư với kế hoạch xây dựng tiếp một nhà máy thứ hai tại đây chuyên sản xuất, lắp ráp các bộ vi xử lý và mạch tích hợp với quy mô 1,2 tỉ USD.
"... Việt Nam mới chỉ tập trung vào tiền kiểm, mà chưa chú trọng hậu kiểm, trong khi hậu kiểm mới là quan trọng nhất, nếu không thay đổi được thì chất lượng đồng vốn FDI không bao giờ được cải thiện" Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI |
Công ty TNHH lọc hóa đầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) của Nhật cũng đã điều chỉnh tăng thêm vốn với 2,8 tỉ USD, nâng tổng số vốn của dự án này lên con số 9 tỉ USD. Ngoài ra, dự án nhà máy lắp ráp và sản xuất phụ tùng ô tô buýt với tổng vốn 1 tỉ USD của Công ty TNHH Bus Industrial Center (vốn đầu tư từ Liên bang Nga) cũng đã được cấp phép tại Bình Định; Công ty cổ phần Prime Group của Thái Lan với tổng vốn đầu tư 239,69 triệu USD để khai thác đá, cát, sỏi sản xuất vật liệu xây dựng tại Vĩnh Phúc... UBND tỉnh Bình Dương cũng vừa trao giấy chứng nhận đầu tư cho 29 dự án đầu tư nước ngoài (ĐTNN), trong đó có 15 dự án mới, với mục tiêu thu hút ĐTNN 1 tỉ USD trong năm 2013...
Có thể thấy, vốn FDI trong những tháng qua có sự thay đổi cả về chất và lượng. Về chất, trước đây vốn FDI thường đổ vào các lĩnh vực nóng như bất động sản, du lịch thì nay đã đi vào sản xuất. Về lượng, giá trị mỗi dự án đã tăng mạnh. Những năm trước, chỉ có 1 - 2 dự án tỉ USD/năm vào sản xuất nhưng nay số lượng các dự án có quy mô lớn đã tăng rất mạnh. Các dự án này khi đi vào hoạt động sẽ thu hút thêm rất nhiều doanh nghiệp vệ tinh. Chẳng hạn nhà máy điện thoại di động đầu tiên của Samsung tại Bắc Ninh với quy mô 1,5 tỉ USD đến nay đã có 80 công ty vệ tinh và mục tiêu là hướng đến khoảng 200 công ty vệ tinh trong và ngoài nước.
Tăng hậu kiểm
Dấu hiệu khởi sắc là có thật nhưng theo các chuyên gia trong ngành, VN không thể lơ là việc cải thiện môi trường kinh doanh của mình. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định: “Các nhà ĐTNN vẫn còn phàn nàn về việc môi trường kinh doanh tại VN còn nhiều khó khăn. Ví dụ câu chuyện 3 nút thắt gồm hạ tầng, nguồn nhân lực và thể chế kinh tế đã được nói nhiều nhưng chưa khắc phục được. Trong vòng 2 năm qua, Philippines hay Indonesia đều có những thay đổi mạnh về môi trường đầu tư. Hay các nước như Thái Lan, Malaysia và mới nhất là Myanmar vẫn là nơi đầu tư hấp dẫn trong mắt các nhà ĐTNN. Vì vậy VN cần có những thay đổi mạnh mẽ hơn mới tiếp tục thu hút được vốn FDI bởi các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn đến chuyện chất lượng môi trường kinh doanh chứ không phải là yếu tố giá rẻ như trước đây. Ngoài ra, để hạn chế việc có những dự án đăng ký với số vốn lớn nhưng không giải ngân đúng số tiền đã đăng ký, Chính phủ cần chú trọng đến công tác thẩm định dự án, nhất là về tính khả thi của nó”.
Một số chuyên gia kinh tế cho biết vấn đề quan trọng nhất trong khâu thu hút ĐTNN là tiến độ giải ngân và triển khai dự án. Báo cáo của Cục ĐTNN trong hội nghị tổng kết 25 năm thu hút FDI cho hay, tổng vốn FDI đăng ký là 211 tỉ USD nhưng giải ngân thực tế chỉ đạt gần 98 tỉ USD, bằng 47% vốn đăng ký. Thời gian qua đã có nhiều dự án bị buộc phải rút giấy phép đầu tư như dự án xây Khu trung tâm đô thị mới Nhơn Trạch (Đồng Nai). Mới đây, tỉnh Bình Định "dọa" sẽ thu hồi dự án Hòn Ngọc Việt Nam 125 triệu USD do Công ty CP phát triển du lịch ALT (Nga) làm chủ đầu tư vì hơn 2 năm mà chưa thực hiện. Một loạt siêu dự án trước đó cũng bị thu hồi như Thép Cà Ná 9,8 tỉ USD ở Ninh Thuận; Thành phố Sáng tạo 11,4 tỉ USD ở Phú Yên hay dự án Bãi Biển Rồng 4 tỉ USD ở tỉnh Quảng Nam...
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, các dự án FDI thực thi không đúng thời hạn là do chủ đầu tư đưa ra một dự án lớn nhưng không tìm đủ vốn triển khai hoặc họ chỉ vào để "xí chỗ" chứ không nghiêm túc. Do đó vốn đăng ký tăng chỉ là một chút tín hiệu lạc quan chứ chưa thể phản ánh đúng thực chất về thu hút ĐTNN.
Trong khi đó, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI, cảnh báo: “Thực tế, những mặt trái của FDI mà lâu nay dư luận thường nhắc tới, như gây ô nhiễm môi trường, lách luật để chuyển giá, dự án đăng ký đầu tư nhưng không triển khai… được cho là hệ lụy của việc thời gian qua, VN mới chỉ tập trung vào tiền kiểm, mà chưa chú trọng hậu kiểm, trong khi hậu kiểm mới là quan trọng nhất, nếu không thay đổi được thì chất lượng đồng vốn FDI không bao giờ được cải thiện”.
Nhật Bản dẫn đầu Trong 4 tháng đầu năm 2013 đã có 37 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại VN. Nhật Bản dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,635 tỉ USD, Singapore đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,331 tỉ USD; Liên bang Nga đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,105 tỉ USD… |
(Theo Thanh niên Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com