Hiện nay, xe buýt tại TPHCM vẫn đi chung với các loại xe khác nên thời gian di chuyển chậm - Ảnh: Anh Quân |
TPHCM đang nghiên cứu xây dựng 8 tuyến xe buýt nhanh (Bus Rapid Transit - BRT) với tổng chiều dài 126 km chạy dọc theo các trục đường chính từ chợ Bến Thành đi các quận, huyện.
Cuối tuần qua, Trung tâm Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) vừa có buổi báo cáo giữa kỳ với Sở Giao thông vận tải TPHCM về việc nghiên cứu khả thi hệ thống BRT tại TPHCM.
BRT là hình thức sử dụng xe khách loại lớn, có sức chở cao gấp 2 - 3 lần xe buýt thường (tùy vào số lượng toa xe) và được chạy trên một làn đường dành riêng hoặc ưu tiên để đảm bảo đúng thời gian hành trình. Do chạy trên một làn đường riêng nên xe buýt BRT không bị ùn tắc như xe buýt thường.
Theo tính toán, từ nay đến năm 2020 TPHCM cần xây dựng 8 tuyến xe buýt nhanh chạy dọc theo các trục đường chính với tổng chi phí xây dựng khoảng 909,6 tỉ đồng (tương đương 50,8 triệu đô la Mỹ).
Các chuyên gia Hàn Quốc cho biết, chi phí đầu tư BRT chỉ 1-2 triệu đô la Mỹ/km, thấp hơn nhiều so với việc đầu tư xe điện mặt đất (20 triệu đô la Mỹ/km, tàu điện ngầm là 100 triệu đô la Mỹ/km). Bên cạnh đó, xe buýt nhanh có ưu điểm là khối lượng vận chuyển lớn, thích hợp phát triển cả ở các cự ly ngắn, trung bình và dài.
Theo tính toán, khi phát triển hệ thống xe buýt nhanh thì TPHCM cần phải giảm tỷ lệ xe máy xuống từ 51- 58% (hiện nay tỷ lệ xe máy tại TPHCM chiếm 85%). Qua quá trình nghiên cứu thì trước mắt, TPHCM có thể triển khai thí điểm ngay tuyến BRT trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh quận Bình Thạnh.
Còn ông Lê Trung Tính, Trưởng phòng quản lý vận tải Sở Giao thông vận tải TPHCM, cho biết vấn đề khó khăn hiện nay là quỹ đất để xây dựng đường dành riêng cho xe buýt nhanh. Mặc dù, phần đất phải giải tỏa không lớn như xây dựng metro nhưng các tuyến đường trong khu trung tâm nhỏ hẹp nên việc xây dựng các tuyến xe buýt nhanh rất khó khăn. Ông cho biết TPHCM vẫn có khoảng 10% tuyến đường có từ 6 làn xe trở lên. Nếu sắp xếp lại các làn xe thì vẫn có thể dành riêng một làn đường cho xe buýt nhanh trên một số tuyến.
Ông Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TPHCM, nhận định khi xây dựng các tuyến xe buýt nhanh cần phải có những lựa chọn phù hợp với thực tế về điều kiện đường xá của TPHCM. Việc xây dựng đường riêng cho xe buýt không làm ảnh hưởng đến việc quy hoạch các tuyến tàu điện ngầm.
Hiện nay, TPHCM đã đưa một tuyến xe buýt nhanh vào hoạt động là tuyến số 39 (Bến Thành - đại lộ Võ Văn Kiệt - bến xe Miền Tây) với chiều dài 17 km. |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com