Quan hệ hợp tác giữa Đức và Việt Nam trong những năm qua không ngừng được củng cố và phát triển trên mọi lĩnh vực, trong đó phải kể đến quan hệ hợp tác đầu tư và viện trợ phát triển của Đức cho Việt Nam.
Hiện nay có gần 200 doanh nghiệp của Đức đang hoạt động tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực quan trọng, trước hết là hạ tầng cơ sở, giao thông vận tải, năng lượng xanh và tái tạo, chế biến và ngân hàng.
Với 140 dự án đầu tư có tổng số vốn đăng ký 778 triệu USD, Đức đứng thứ 22 trong số 90 nước và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
Năm 2009, mặc dù chịu tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, song Đức vẫn có 15 dự án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với tổng số vốn 112 triệu USD, tăng gần 2% so với năm 2008.
Trên 3/4 tổng số dự án và 2/3 tổng số vốn đầu tư của Đức ở Việt Nam tập trung chủ yếu vào các ngành có thế mạnh và khả năng cạnh tranh cao như cơ sở hạ tầng, giao thông, xử lý môi trường, dịch vụ ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, dịch vụ kỹ thuật, công nghệ phần mềm, thông tin truyền thông, chế biến và chế tạo...
Các dự án đầu tư của Đức tại Việt Nam bước đầu đã có hiệu quả và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam, được thủ tướng hai nước đánh giá cao.
Một số tập đoàn lớn của Đức như Metro Cash & Carry, Siemens, Deutsche Bank, Allianz đã có dự án đầu tư tại 22 tỉnh và thành phố của Việt Nam, nhưng chủ yếu vẫn được thực hiện ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai.
Dự kiến vào giữa năm nay, dự án tuyến tàu điện ngầm số 2 tại Thành phố Hồ Chí Minh, được coi là dự án "hải đăng" trong quan hệ kinh tế 2 nước, sẽ được khởi công. Điều này sẽ góp phần mở đường cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp Đức vào Việt Nam nhiều hơn trong thời gian tới, đặc biệt trong năm 2010 - năm đỉnh cao kỷ niệm 35 quan hệ ngoại giao giữa hai nước và nhân Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.
Việt Nam và Đức trong những năm qua cũng đã ký kết một loạt hiệp định, như Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, các hiệp định hợp tác hàng hải, hàng không... tạo cơ sở pháp lý cho việc mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế song phương.
Đức là nước viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn và thường xuyên cho Việt Nam. Từ năm 1990 đến nay, Đức đã cung cấp trên 1 tỷ euro cho các dự án ODA tại Việt Nam. Ngay cả trong giai đoạn khó khăn do khủng hoảng kinh tế hiện nay, Đức vẫn quyết định không cắt giảm viện trợ ODA cho Việt Nam.
Tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ dành cho Việt Nam năm 2009 (Hội nghị CG 2009) được tổ chức đầu tháng 12/2009 tại Hà Nội, Đức cam kết viện trợ phát triển cho Việt Nam 137 triệu euro trong tài khóa 2009-2010, chiếm gần 12,7% so với tổng mức cam kết vốn ODA của khối các nước Liên minh châu Âu (EU) dành cho Việt Nam, tăng 17% so với năm tài khóa 2008-2009.
Năm 2010 là năm đặc biệt quan trọng trong quan hệ hai nước. Việc tổ chức "Năm Việt Nam tại Đức" và "Năm Đức tại Việt Nam" với nhiều hoạt động phong phú từ chính trị, kinh tế, văn hóa đến giao lưu nhân dân ở nhiều địa phương của hai nước sẽ tạo đà phát triển nâng quan hệ Việt-Đức lên tầm cao mới./.
( Thông tấn xã VN)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com