Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khơi vốn đầu tư từ Singapore

Hội nghị “Kết nối hai nền kinh tế Việt Nam – Singapore lần thứ 5, diễn ra tại Đà Lạt cuối tuần qua tập trung vào trọng tâm chính là kết nối tài chính, thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, du lịch, phát triển cơ sở hạ tầng... giữa hai nước.
 
“Nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh thương mại giữa cộng đồng đầu tư hai quốc gia Việt Nam-Singapore sẽ tiếp tục được mở rộng và khai thông hơn nữa trong thời gian tới”,  là nhận định chung của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc và Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại Singapore Lim Hng Kiang tại hội nghị lần này.

Theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, việc phối hợp chặt chẽ để triển khai các thỏa thuận giữa hai nước là rất tốt trong thời gian qua nên tình hình hợp tác đầu tư và thương mại đã có nhiều chuyển biến rất đáng phấn khởi. Trên cơ sở các kết quả đã đạt được, Hội nghị lần này tập trung vào một số trọng tâm chính. Đó là kết nối tài chính ngân hàng trên cơ sở những vấn đề hai bên cùng quan tâm. Thứ hai là thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa hai nước, nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp Singapore đầu tư vào Việt Nam trong bối cảnh đầu tư toàn cầu vẫn đang diễn tiến phức tạp. Thứ ba là đẩy mạnh hợp tác giáo dục - đào tạo, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực. Cuối cùng là tăng cường hợp tác du lịch giữa hai nước.

Bộ trưởng Lim Hng Kiang cũng cho hay, Singapore rất hoan nghênh tinh thần hỗ trợ của Việt Nam trong việc thực thi những cam kết giữa hai nước, đặc biệt là tạo sự thông thoáng trong hoạt động của các nhà đầu tư Singapore tại Việt Nam.

Tiếp tục khai thông hơn nữa luồng vốn đầu tư từ Singapore vào Việt Nam là vấn đề hai bên đặc biệt quan tâm. Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tới thời điểm này cho thấy, có 792 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 17,3 tỷ USD đến từ Singapore. Kể từ cuộc họp lần thứ 4 giữa hai bên, Singapore đã tổ chức 10 đoàn khảo sát, 5 hội thảo tại Việt NamSingapore nhằm thu hút đầu tư  sang Việt Nam

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho hay, những hỗ trợ từ phía Singapore là rất hữu hiệu, trong đó điển hình nhất cho sự hợp tác thành công này là Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) do Tập đoàn Sembcorp liên doanh với các đối tác Việt Nam, hiện đã triển khai thành công với 4 khu là VSIP 1, VSIP 2 (Bình Dương), VSIP Bắc Ninh và VSIP Hải Phòng.

Để thúc đẩy các dự án đầu tư khác vào hạ tầng, phía Singapore cũng đề nghị Chính phủ Việt Nam cho phép chủ đầu tư cá nhân mua sản phẩm của Dự án Laguna Huế do Tập đoàn Banyan Tree đầu tư tại tỉnh Thừa Thiên Huế, có quy mô giai đoạn 1 là 200 triệu USD; cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư Singapore trong triển khai Dự án Saigon Centre giai đoạn 2 với tòa tháp cao 88 tầng và khu khách sạn 5 sao…

Hoan nghênh sự có mặt của các nhà đầu tư  Singapore trong nhiều lĩnh vực ở Việt Nam, điển hình VSIP I tại Bình Dương đã thu hút được nhiều nhà đầu tư khác, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cũng cho rằng, kế hoạch mở rộng VSIP tại Hải Phòng, Bắc Ninh và ngay tại Bình Dương sẽ góp phần thu hút nhiều hơn nữa nhà đầu tư  từ Singapore cũng như các nước khác. Tuy vậy, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cũng cho rằng các nhà đầu tư  Singapore nên lưu ý hơn nữa tới miền Trung – một trong những khu vực đang có tốc độ phát triển tốt tại Việt Nam. Thêm một điểm đến đến bằng đường biển và một điểm đến bằng đường hàng không giữa khu vực miền Trung Việt Nam với Singapore cũng được lên kế hoạch trong thời gian tới ngay tại Hội nghị này.

Đối với lĩnh vực thương mại, dịch vụ, trong những năm qua kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Singapore đã có sự tăng trưởng mạnh, từ 9,8 tỉ USD năm 2007 lên 12 tỉ USD năm 2008. Còn năm 2009, do suy thoái kinh tế trên thế giới nên giao thương giữa hai bên chỉ đạt 6,3 tỉ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 2 tỉ USD và nhập khẩu 4,2 tỉ USD. Để khắc phục tình trạng nhập siêu lớn của Việt Nam từ Singapore, ông Lê Hữu Phúc, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Công thương) cũng đề nghị phía Singapore khuyến khích, tổ chức cho các doanh nghiệp Singapore, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh doanh siêu thị và đại siêu thị đẩy mạnh giao thương hợp tác với các đối tác Việt Nam trong cung cấp sản phẩm cũng như hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất, tiếp thị hàng xuất khẩu với hệ thống các văn phòng khu vực của các công ty đa quốc gia đóng tại Singapore.

Phát triển du lịch biển cũng là một lĩnh vực nhận được sự đồng thuận để thúc đẩy hợp tác phát triển nhanh giữa hai bên. Đại diện Tổng cục du lịch Singapore sau chuyến khảo sát thực tế tại Việt Nam đã cho rằng, Singapore là một trong những tâm điểm của các tàu biển du lịch quốc tế, còn Việt Nam lại sở hữu nhiều di tích thắng cảnh được Unesco công nhận và các danh thắng này đều gần các vị trí cảng nước sâu, rất thuận lợi cho phát triển du lịch biển. Biên bản ghi nhớ hình thành liên doanh giữa Trung tâm du lịch tàu biển Singapore và Công ty TNHH Cảng Đà Nẵng hợp tác đầu tư nâng cấp hệ thống cảng Sông Hàn trở thành cảng bến phà và bến tàu du lịch tại Đà Nẵng cũng đã được ký kết tại kỳ họp này dưới sự chứng kiến của hai Bộ trưởng.

Ở lĩnh vực viễn thông, các nhà đầu tư  Singapore cũng đang tìm kiếm khả năng đầu tư vào các mạng di động hiện có tại Việt Nam là Viettel, MobiFone , VinaPhone; đề xuất cung cấp dịch vụ lẫn các giải pháp công nghệ cho khu vực chính phủ, thương mại và tài chính. Đồng thời, Singapore cũng sẵn sàng mời gọi các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam mở rộng đầu tư tại Singapore

Để tận dụng tối đa hiệu quả của các Hội nghị Kết nối hai nền kinh tế, ông Nguyễn Trung Thành, Đại sứ Việt Nam tại Singapore cũng cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng nhiều hơn nữa vị trí trung tâm vận chuyển của Singapore để tiếp cận các điểm đến quốc tế bên cạnh việc tự  nâng cấp sức cạnh tranh của mình như chuẩn hóa về công nghệ, ổn định nguồn nguyên liệu và chất lượng sản phẩm hàng hóa cung cấp.

Hiệp định kết nối hai nền kinh tế Việt Nam – Singapore được được Chính phủ hai nước thoả thuận và ký kết năm 2005 với việc đẩy mạnh hợp tác trên sáu lĩnh vực chính gồm giáo dục và đào tạo; tài chính; truyền thông và thông tin; đầu tư; thương mại - dịch vụ và vận tải. Tuy nhiên, với thực tế các vấn đề được thảo luận và ký kết tại cuộc họp lần thứ 5 vừa diễn ra, hai Bộ trưởng đã thống nhất mở rộng hợp tác trên hai lĩnh vực  nữa là du lịch và phát triển cơ sở hạ tầng. 

(Theo Hà Phong // Báo đầu tư)

  • Anh phấn đấu nâng mức đầu tư vào VN
  • Giải ngân FDI nhảy bước dài
  • AFD tài trợ 100 triệu euro để cải cách đầu tư công
  • Anh muốn nâng FDI tại Việt Nam lên 3 tỷ USD
  • Tháng 3, giải ngân vốn FDI đạt kỷ lục 1,4 tỷ USD
  • Mở tín dụng cho cải cách đầu tư công
  • 15 tỷ Yên dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
  • Tháng 3, giải ngân vốn FDI đạt kỷ lục 1,4 tỷ USD
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!