Năm 2008, Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Đó là kết quả đáng khích lệ, song làm thế nào để triển khai thực hiện nhanh các dự án FDI là trách nhiệm rất lớn đối với các ngành chức năng. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thể hiện môi trường đầu tư của tỉnh. Bà Lê Kim Hương (ảnh), Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo BR-VT về vấn đề này. * Thời gian qua, dư luận quan tâm nhiều đến việc triển khai, đưa vào hoạt động của các dự án FDI hàng tỷ USD. Vậy, Sở KH&ĐT đã làm gì để thúc đẩy nhanh các quá trình xây dựng dự án này, thưa bà? - Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua Sở KH&ĐT thường xuyên rà soát những quy định hiện hành gây cản trở hoạt động đầu tư để bãi bỏ hoặc kiến nghị các cấp thẩm quyền bãi bỏ, điều chỉnh, bổ sung các quy định của pháp luật cho phù hợp với thực tế. Phối hợp với các ngành và các địa phương rà soát tiến độ triển khai của các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, nhằm báo cáo UBND tỉnh, kịp thời hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án không triển khai theo tiến độ đã cam kết. Đôn đốc ngành chức năng và các địa phương đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư để sớm giao mặt bằng cho nhà đầu tư. Những dự án có quy mô sử dụng đất, tiền đền bù lớn, Sở KH&ĐT tham mưu cho UBND tỉnh khuyến khích chủ đầu tư tạm ứng trước tiền thuê đất cho cả thời gian thuê để tạo nguồn phục vụ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. * Trên địa bàn tỉnh đang có những dự án FDI vốn không lớn nhưng triển khai chậm, theo bà nguyên nhân vì sao? - Nhìn chung, đa số các dự án đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh đều triển khai đúng tiến độ. Tuy nhiên, có một số dự án quy mô vốn đầu tư thấp, nhu cầu sử dụng đất ít, nhưng do vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nên tiến độ triển khai chậm như: dự án Trung tâm Thương mại Thái Dương với diện tích đất 1,2ha, vốn đầu tư 4,3 triệu USD, đã hơn một năm nhưng chưa hoàn tất việc bồi thường, giao mặt bằng. Bên cạnh đó, một số dự án có quy mô vốn đầu tư lớn, nhưng chủ đầu tư khó khăn về tài chính nên cũng triển khai chậm như: dự án thép không gỉ - Trung Quốc (Đài Loan), vốn đầu tư 700 triệu USD, đã được Bộ KH&ĐT cấp phép từ năm 2005, đến tháng 8-2008 vẫn chưa triển khai xây dựng. Hiện, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã rút giấy phép hoạt động đối với dự án này. * Theo bà, tỉnh cần làm gì để khắc phục những khó khăn nói trên?
- Theo tôi, phát triển quỹ nhà, đất để phục vụ bố trí tái định cư cho người dân bị thu hồi đất và đào tạo chuyển đổi ngành nghề cho người lao động là những việc quan trọng mà trong thời gian tới tỉnh cần chú trọng giải quyết. Trước mắt, cần có giải pháp để phát triển quỹ nhà phục vụ bố trí tái định cư. Đồng thời, xúc tiến lập đề án chuyển dịch lao động nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp; Xác định số lao động nông thôn bị mất việc làm do phải giải tỏa đất, số lao động trong độ tuổi có nhu cầu việc làm. Phối hợp chặt với chủ đầu tư các dự án, lập kế hoạch đào tạo, chuyển đổi nghề và giải quyết việc làm cho lao động bị mất việc do thu hồi đất. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách huy động vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án và phục vụ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. * Theo dự báo của nhiều chuyên gia năm 2009, việc thu hút FDI cũng như triển khai các dự án FDI sẽ càng khó khăn hơn vì ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Bà đánh giá như thế nào về vấn đề này? - Năm 2009, nền kinh tế nước ta đứng trước nhiều khó khăn và thử thách do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, do vậy sẽ có những bất lợi trong tình hình thu hút đầu tư, triển khai các dự án FDI. Tuy nhiên, chúng ta cũng có những thuận lợi như sự ổn định chính trị, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao, các giải pháp kiềm chế lạm phát đã phát huy tác dụng, hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư đã góp phần nâng cao môi trường đầu tư, kinh doanh… Đây là những điều kiện quan trọng để có thể huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển kinh tế nhanh và bền vững, cũng như tạo thuận lợi trong việc thu hút đầu tư và triển khai các dự án FDI. Riêng Bà Rịa – Vũng Tàu dự kiến năm 2009 sẽ thu hút khoảng 7,6 tỷ USD vốn đầu tư mới, thấp hơn so với năm 2008 (gần 12 tỷ USD). Về vốn đầu tư thực hiện năm 2009, dự báo khoảng 960 triệu USD, tăng 47,7 % so với năm 2008 do dòng vốn đăng ký của các năm 2006, 2007 và 2008 đều ở mức cao. * Xin cảm ơn bà! |
(Theo báo Bà rịa vũng tàu)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com