Trong khi trái phiếu chính phủ phát hành bằng VND không mấy hấp dẫn NĐT, do chịu những tác động từ "phản ứng phụ" của chính sách kiềm chế lạm phát, thì dưới con mắt của NĐT nước ngoài, trái phiếu phát hành bằng USD hay EUR vẫn thu hút sự quan tâm của họ.
Nỗi sợ hãi số một của các NĐT trái phiếu, bất kể trong nước hay nước ngoài là lạm phát. Chính bởi điều này nên thị trường trái phiếu đang ở trong tình trạng "chợ chiều".
Với tư cách là một trong những nhà tạo lập thị trường (market maker) trên thị trường trái phiếu quốc tế cho trái phiếu chính phủ Việt Nam phát hành bằng USD, chuyên gia đầu tư Phạm Phú Khôi ở Bank of America Merrill Lynch cho biết, hiện chưa thấy có tín hiệu khả quan từ phía NĐT nước ngoài quan tâm đến trái phiếu chính phủ phát hành bằng VND. Nguyên nhân của tình trạng này là bởi lãi suất phát hành chưa tăng đủ tới mức để hấp dẫn họ tham gia.
Ông Khôi cho rằng, nếu Việt Nam thực hiện thành công việc điều hành chính sách tỷ giá theo hướng ổn định hoặc có chiều hướng tăng giá, thì các NĐT nước ngoài sẽ đổ tiền vào Việt Nam, trong đó có trái phiếu chính phủ. Đối với trái phiếu DN, phần lớn NĐT nước ngoài mới chỉ dừng lại ở đầu tư vào các đợt phát hành nhỏ, theo phương thức phát hành riêng lẻ và có khả năng chuyển đổi thành cổ phiếu, nên không có giao dịch trên thị trường thứ cấp. Hiện vẫn có không ít NĐT mạo hiểm nước ngoài tiếp tục quan tâm tới mặt hàng này, trong đó chủ yếu là trái phiếu chuyển đổi.
Do "phản ứng phụ" của chính sách kiềm chế lạm phát, nên mặt bằng lãi suất, theo ông Khôi, có nguy cơ bị nâng cao, khiến đường cong lãi suất là đường cong với độ dốc đi xuống (lãi suất ngắn hạn cao hơn dài hạn). Thực tế này khiến khả năng giải ngân vào thị trường sẽ còn khó khăn trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn sẽ ổn định trở lại. Đây chính là điều mà cả cộng đồng NĐT trong nước và quốc tế trông đợi.
Hiện tại, tình trạng ảm đạm của thị trường đang có hy vọng qua đi, bởi các giải pháp ưu tiên kiềm chế lạm phát mà Chính phủ đang theo đuổi là đúng đắn, nên đang dần đem lại niềm tin cho NĐT vào thị trường tài chính Việt Nam nói chung và thị trường trái phiếu nói riêng. Điều này phần nào được thể hiện qua diễn biến: ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố chính sách thắt chặt tiền tệ và tín dụng, thị trường bảo hiểm tín dụng Việt Nam 5 năm (Credit default swap) đã có phản ứng tích cực, giảm 40 điểm chuẩn từ 360 điểm xuống 320 điểm. Thêm vào đó, trái phiếu chính phủ Việt Nam phát hành bằng USD tăng giá đáng kể, từ 1 - 2%.
Ông Khôi cũng cho biết, các NĐT nước ngoài vẫn thường xuyên quan tâm đến trái phiếu chính phủ Việt Nam phát hành bằng ngoại tệ. Nếu Chính phủ có nhu cầu phát hành mới trên thị trường trái phiếu quốc tế bằng USD hay EUR vào thời điểm hiện nay, thì sẽ có một lượng cầu rất lớn từ nhiều NĐT lớn trên toàn cầu.
Tuy nhiên, để tiếp tục gia tăng sức hấp dẫn cho trái phiếu chính phủ Việt Nam khi phát hành trên thị trường trái phiếu quốc tế, Chính phủ cần phát hành trái phiếu lô lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN phát hành tiếp cận được với các NĐT nước ngoài. Việc theo đuổi một chính sách tiền tệ rõ ràng, cùng với nỗ lực hoàn thiện cơ sở pháp lý phát triển thị trường minh bạch, chặt chẽ sẽ đảm bảo cho Chính phủ cũng như DN phát hành thành công trái phiếu trên thị trường quốc tế với giá hợp lý, ngay cả trong điều kiện khó khăn.
Riêng đối với trái phiếu chính phủ phát hành bằng VND, theo chuyên gia của Bank of America Merrill Lynch, mức lãi suất phát hành cần gắn chặt với diễn biến thực tế của nền kinh tế và cũng nên phát hành với các lô lớn, để bảo đảm tính thanh khoản trên thị trường thứ cấp. Nếu nhu cầu giải ngân của Nhà nước không cần phải phát hành khối lượng lớn trong 1 lần, thì nên áp dụng phương thức tái phát hành, nghĩa là mỗi năm chỉ phát hành một loại trái phiếu có cùng kỳ hạn phát hành nhiều lần, để hỗ trợ cho quá trình tái cấu trúc thị trường, qua đó cải thiện thanh khoản cho thị trường trái phiếu.
(Đầu tư Chứng khoán điện tử)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com