Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

"Nhật Bản sẽ phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong việc giám sát nguồn vốn ODA”

Chiều 31/3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức lễ ký công hàm về khoản tín dụng ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản dành cho Việt Nam. Như vậy, sau khoảng 7 tháng nỗ lực từ cả hai phía, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định nối lại ODA cho Việt Nam.

Về những cơ sở dẫn đến quyết định này, ông Võ Hồng Phúc - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: "Viện trợ ODA của Chính phủ Nhật Bản dành cho Việt Nam đã góp phần quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam trong suốt 35 năm qua".

Công hàm trao đổi được ký chiều ngày 31/3 quy định các điều kiện khung cho việc cung cấp và sử dụng 83,201 tỷ yên tín dụng ưu đãi để hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội, bảo vệ môi trường, tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và hội nhập kinh tế quốc tế.  

Trên cơ sở điều kiện khung này, cũng trong ngày 31/3, tại Tokyo, Thứ trưởng Bộ Tài chính VN và Chủ tịch Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) sẽ ký 4 hiệp định tín dụng cụ thể cho 4 dự án trong tài khóa năm 2009. Trước hết, dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội (đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo, tuyến số 2, giai đoạn 1 có giá trị 14,688 tỷ Yên). Dự án này sẽ giúp giải quyết vấn đề vận tải trong nội đô Hà Nội từ phía Nam cầu Thăng Long đến trung tâm thành phố. Đây là dự án rất lớn, góp phần giải quyết tình trạng ách tắc giao thông trong nội đô.

Dự án thứ hai là dự án thoát nước và vệ sinh môi trường ở Hà Nội, 29,289 tỷ Yên vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản sẽ được sử dụng thực hiện giai đoạn 2 của dự án, đó là mở rộng ra ngoài phạm vi của sông Tô Lịch và tăng cường khả năng thoát nước ra sông Nhuệ, góp phần giải quyết tình trạng úng ngập, cải thiện môi trường hiện nay ở Hà Nội.

Dự án thứ ba là cải thiện môi trường thành phố Hải Phòng có số vốn 21,306 tỷ Yên, giúp nâng cấp hệ thống thoát nước và xử lý chất thải lỏng ở thành phố này.

Dự án thứ tư là dự án tín dụng ngành giao thông vận tải để nâng cấp mạng lưới đường bộ giai đoạn 2, với số vốn 17,918 tỷ Yên. Đây là dự án nâng cấp các tuyến đường tỉnh lộ. Trong khuôn khổ dự án này, nhiều cầu và đường bộ sẽ được xây dựng ở một số tỉnh.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết, việc Chính phủ Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam sau một thời gian tạm ngưng cung cấp ODA chứng tỏ sự đánh giá cao của Nhật Bản đối với quan hệ đối tác Nhật Bản - Việt Nam cũng như đối với các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường pháp lý và sử dụng hiệu quả các dự án ODA bao gồm cả công tác phòng chống tham nhũng. Nhật Bản luôn là nhà tài trợ lớn nhất cho Chính phủ Việt Nam. Điều này cũng thể hiện được niềm tin của phía bạn dành cho Việt Nam trong việc sử dụng hiệu quả vốn ODA.

Trước đó, trong buổi gặp gỡ với báo chí sáng 31/3, ông Tsuno Motonori - Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam đã khẳng định: "Nhật Bản sẽ phối hợp chặt chẽ với phía Việt Nam trong việc giám sát nguồn vốn ODA để tránh những vụ việc tiêu cực".

 

( Theo Diễn đàn doanh nghiệp )

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!