Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Quảng Ninh - đích đến của nhà đầu tư

 Ngoài việc phát huy và khai thác mọi tiềm năng lợi thế sẵn có, tỉnh Quảng Ninh đang tích cực chủ động mời gọi các dự án đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
 


Ảnh: Hà Thanh

 

Tiềm năng gắn liền với cơ hội

Năm 2008, mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng và suy giảm kinh tế toàn cầu, nhưng Quảng Ninh vẫn duy trì được mức tăng trưởng kinh tế (GDP) khá cao: trên 13%. Các chỉ tiêu đạt khá so với năm trước đó: giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14,3%, tổng vốn đầu tư trên địa bàn đạt 29.896 tỷ đồng, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1.750 triệu USD.

Điểm nổi bật trong năm 2008 là tỉnh đã phối hợp với Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam lập lại trật tự trong khai thác, kinh doanh than và ổn định sản xuất, giải quyết dứt điểm nhiều điểm nóng về giải phóng mặt bằng. Kết quả là, một số dự án đã được khởi công và tiến độ thi công một số công trình trọng điểm cũng đã được đẩy nhanh như: đường Mông Dương - Móng Cái, đường Trới - Vũ Oai, đường 279…

Chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2008 đã thu hút sự quan tâm và đầu tư của các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước. Nhờ đó, nhiều công trình đã được xây dựng và đi vào hoạt động, đóng góp tích cực vào giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Cũng trong năm 2008, Quảng Ninh có 108 dự án FDI của 14 quốc gia và vùng lãnh thổ còn hiệu lực pháp lý, với tổng vốn đầu tư đăng ký hàng tỷ USD.

Nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là điểm hội tụ của hai hành lang và một vành đai kinh tế, là điểm trung chuyển tiếp nối giữa Trung Quốc với các tỉnh phía Bắc của Việt Nam, Quảng Ninh có điều kiện tốt để phát triển kinh tế đa dạng, tổng hợp. Đó là, nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào, đặc biệt là với trữ lượng than lớn nhất cả nước (3,6 tỷ tấn), thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp nặng, sản xuất vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, với 250 km đường bờ biển, tỉnh có rất nhiều lợi thế trong việc nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản.

Về hạ tầng giao thông, toàn tỉnh có 410 km đường quốc lộ và hơn 2.000 km đường liên huyện, xã. Tỉnh đang triển khai nâng cấp Quốc lộ 18A đoạn Mông Dương - Móng Cái theo tiêu chuẩn đường cấp III miền núi, với chiều dài 122 km. Dự án đường cao tốc nối từ Sân bay quốc tế Nội Bài đến Cửa khẩu quốc tế Móng Cái đang được triển khai kêu gọi đầu tư, với tổng chiều dài 288 km. Mạng lưới giao thông thủy bộ liên hoàn kết nối đến các vùng nguyên liệu, các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) cửa khẩu và với các trung tâm kinh tế lớn lân cận như Hà Nội, Hải Phòng.

Ngoài ra, tỉnh đã hình thành KKT Vân Đồn, KCN Cảng biển Hải Hà. Năm KCN tập trung là Việt Hưng, Cái Lân, Cảng biển Hải Hà, Đông Mai, Hải Yên và các KKT cửa khẩu cùng các cụm công nghiệp được bố trí đều khắp ở huyện, thị xã, thành phố, với cơ sở hạ tầng khá hoàn chỉnh. Về du lịch, chỉ riêng danh hiệu Vịnh Hạ Long được UNESCO hai lần công nhận là “Di sản thiên nhiên thế giới” đã đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước, chưa kể các khu vực giàu tiềm năng du lịch khác, như Bãi Cháy, Vân Đồn, Móng Cái…

Tuy nhiên, vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên mới chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ để các nhà đầu tư mạnh dạn đổ vốn vào tỉnh chính là tốc độ phát triển cao của ngành du lịch (trong quý I/2009, tỉnh Quảng Ninh đã đón hơn 2 triệu lượt khách, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2008, với tổng doanh thu 716 tỷ đồng) cùng những cơ chế khuyến khích, phát triển du lịch của Quảng Ninh. Đây được xem là những thế mạnh của Quảng Ninh trong thu hút đầu tư. Song, điều quan trọng hơn là, Quảng Ninh luôn chào đón các nhà đầu tư bằng tất cả sự thân thiện, nhiệt tình và luôn đồng hành với DN để tháo gỡ khó khăn trong suốt quá trình đầu tư, kinh doanh tại địa phương.

Cơ hội mới cho nhà đầu tư hiện hữu

Thực tiễn đang đòi hỏi những chuyển biến mạnh từ hoạt động xúc tiến đầu tư. Đó là, hướng vào các nhà đầu tư hiện hữu để tạo điều kiện cho họ, đồng thời kêu gọi mở rộng đầu tư là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu trong hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh. Phát huy nội lực, thu hút ngoại lực là bước đi chiến lược của tỉnh trong giai đoạn hiện tại để phát triển kinh tế - xã hội trước mắt, cũng như lâu dài.

Không chỉ tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước, bao gồm cả nguồn trái phiếu chính phủ và vốn ODA cho các công trình kết cấu hạ tầng có liên quan đến phát triển kinh tế của tỉnh, UBND tỉnh Quảng Ninh còn quyết định tạo điều kiện cho các DN, các thành phần kinh tế đầu tư bằng các hình thức BT, BOT một số công trình, như đường cao tốc, xây dựng cảng, sân bay…, nhằm tạo sự đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng cho toàn tỉnh.

Đây được coi là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu “xây dựng Quảng Ninh trở thành một địa bàn động lực, phát triển năng động trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2015” như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XII đã xác định.

Điều quan trọng là, kèm theo các giải pháp đầu tư, hàng loạt cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư, đặc biệt là mức hỗ trợ dành cho các KCN, KKT, KKT cửa khẩu tại đây cũng đã được quyết định. Chẳng hạn, nhà đầu tư sẽ được hưởng những ưu đãi về thuế xuất - nhập khẩu, thuế thu nhập DN, được ưu đãi về đất (miễn, giảm tiền thuê đất…).

Ví dụ, đối với DN xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN, được thuê đất với đơn giá thấp nhất 0,25% giá đất do UBND tỉnh ban hành, được hoàn trả và hỗ trợ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng… Đặc biệt, giải pháp về phát triển nguồn nhân lực gắn với kế hoạch phát triển các KCN, KKT và phát triển các ngành kinh tế sẽ tạo đà cho sự chuyển dịch vững chắc cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đến năm 2010, giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp tăng 5,3 - 5,5%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 19 - 20%, giá trị các ngành dịch vụ tăng 10%.

Vấn đề mấu chốt là cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế “một cửa liên thông”, đơn giản thủ tục, giao mặt bằng đúng tiến độ, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư cũng được tỉnh chủ động thực hiện, để nhà đầu tư an tâm làm ăn lâu dài tại đây.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về những biện pháp cho sự phát triển trong những năm tiếp theo, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong những năm tới, tỉnh sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp, trong đó có 5 nhóm giải pháp chủ yếu là: thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu; thực hiện các biện pháp kích cầu đầu tư tiêu dùng; chính sách tài chính - tiền tệ; bảo đảm an sinh xã hội và tăng cường công tác điều hành, tổ chức thực hiện chính sách.

Theo kế hoạch, tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các nhà máy nhiệt điện: Uông Bí 2, Cẩm Phả, Hà Khánh; triển khai các dự án nhiệt điện: Mông Dương, Mạo Khê, với tổng công suất điện phấn đấu đạt 2.000 - 2.200 MW vào năm 2010 và đạt 5.000 MW vào năm 2015; nhanh chóng đưa các nhà máy xi măng Thăng Long, Hạ Long vào hoạt động ổn định, đồng thời đẩy mạnh đầu tư hạ tầng các KCN đã được Chính phủ phê duyệt và triển khai thêm một số KCN mới.

Tỉnh sẽ có cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích đầu tư các ngành công nghiệp sạch, công nghệ tiên tiến; điều chỉnh các ngành công nghiệp nặng, sản xuất điện ra xa các thành phố, thị xã, các khu du lịch, dịch vụ...

Mức độ hấp thụ và sự lan toả của dòng vốn đầu tư vào Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ sẽ được đẩy mạnh đến các địa phương lân cận, khi hiệu quả của quá trình thu hút và cải thiện môi trường đầu tư được quan tâm. Với vị trí là một trong ba cực của vùng tam giác kinh tế trọng điểm, Quảng Ninh có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình lan tỏa đó.

 

(Theo Đồng Yến // Báo đầu tư)

  • Kêu gọi doanh nghiệp Hàn Quốc mở rộng đầu tư
  • EU đứng thứ hai về vốn FDI giải ngân
  • Khu công nghiệp Phố Nối A: Tiếp nhận 9 dự án đầu tư trong nước
  • Hưng Yên: Tiếp nhận 718 dự án đầu tư
  • Khối công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoàI: Đạt giá trị xuất khẩu hơn 80 triệu USD
  • 6 tháng thu hút FDI đạt 8,87 tỉ USD
  • Thu hút FDI của cả nước đạt 6,68 tỷ USD
  • Việt Nam trong tốp 10 các nước và vùng lãnh thổ hấp dẫn đầu tư nước ngoài
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!