Giải quyết vướng mắc công tác đền bù, bồi thường - giải phóng mặt bằng: Sẽ điều tiết lợi nhuận của nhà đầu tư
Tại hội nghị chuyên đề nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn TPHCM vào ngày 20-8, lãnh đạo UBNDTP và các sở - ngành đã tập trung giải quyết một số vướng mắc liên quan đến công tác đền bù, bồi thường - giải phóng mặt bằng (BT-GPMB).
Đền bù theo mục đích sử dụng đất hiện tại
Việc tính giá đền bù còn khó khăn đối với những dự án xây dựng trên đất nông nghiệp. Ảnh: ĐỨC TRÍ |
Tại hội nghị, vướng mắc về đền bù giá đất nông nghiệp được nêu ra nhiều nhất. Trên địa bàn huyện Bình Chánh, vẫn còn đất nông nghiệp thuần nhưng nằm xen kẽ trong khu dân cư. Với giá bồi thường đất nông nghiệp được quy định 200.000 - 375.000 đồng/m², rất khó thực hiện việc đền bù khi giá đất nông nghiệp trên thị trường đến 2 - 3 triệu đồng/m².
Đại diện UBND huyện Củ Chi cũng cho biết, đất nông nghiệp trên địa bàn huyện hiện có tiềm năng đất nông nghiệp đô thị, do đó phải thực hiện bồi thường sát với giá thị trường. Thực tế, nếu bồi thường theo đất nông nghiệp thuần và hỗ trợ 50% đất ở trung bình trong khu vực, giá rất thấp, không sát với tình hình thực tế hiện nay ở Củ Chi. Do vậy, huyện Củ Chi đề nghị được bồi thường sát với giá giao dịch trên thị trường tại thời điểm bồi thường vì không ai giao dịch đất nông nghiệp thuần trong khu vực có dự án.
Ông Tạ Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở Tài chính TP, trả lời: Giá đất nông nghiệp trên được xác định theo phương pháp thu nhập hàng năm từ thửa đất. Khi đền bù đất nông nghiệp chỉ đền bù theo mục đích đất đang sử dụng, chứ không đền bù theo mục đích đất sẽ quy hoạch. Biết là khó, sở cũng đã có văn bản hỏi Bộ TN-MT nhưng được hướng dẫn chỉ đền bù đất theo mục đích sử dụng hiện tại chứ không đền bù theo mục đích trong tương lai!
Nhiều quận - huyện thắc mắc: Đối với những dự án mà doanh nghiệp tự thỏa thuận với dân, nhưng chỉ thỏa thuận được 80% diện tích đất rồi “đuối”, 20% còn lại có được Nhà nước hỗ trợ cưỡng chế để thu hồi không? Nếu cưỡng chế, áp dụng giá nào?
Phó Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Văn Hồng giải đáp: Đối với những dự án Nhà nước thu hồi đất, khi đã thực hiện BT-GPMB trên 80%, sau 180 ngày mà các hộ dân còn lại không đồng ý với giá bồi thường, Nhà nước sẽ cưỡng chế theo quy định. Giá bồi thường là giá không thấp hơn giá trước đó doanh nghiệp đã thỏa thuận với dân, nhưng cần phải được sự thống nhất giữa các sở- ngành.
Đại diện UBND quận Thủ Đức cho rằng, nếu cho phép cưỡng chế, UBNDTP phải có văn bản để quận thực hiện vì hiện nay trên địa bàn quận có rất nhiều dự án thực hiện trước tháng 11-2004 (tất cả đều có phương án thu hồi đất của Nhà nước), đã giải tỏa được trên 80% diện tích đất nhưng quận vẫn “run tay”, không dám cưỡng chế.
Nhà đầu tư hỗ trợ kinh phí xây cơ sở hạ tầng
Phó Chủ tịch Thường trực UBNDTP Nguyễn Thành Tài cho rằng, đối với những dự án an ninh, quốc phòng, phải tổ chức cưỡng chế ngay. Nhưng đối với dự án chưa xin chủ trương đầu tư mà doanh nghiệp đã thỏa thuận với người dân trước, nếu bị vướng, Nhà nước sẽ không hỗ trợ cưỡng chế thu hồi đất. |
Đối với việc cưỡng chế, thu hồi 20% diện tích còn lại, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Minh Trí cho rằng, ở những dự án lớn, 20% có thể ảnh hưởng khoảng vài trăm hộ dân, nhưng đối với những dự án nhỏ, có thể chỉ vài chục hộ, nên con số 20% còn lại chưa phù hợp với tình hình thực tế. Từ đó, ông đề nghị Thanh tra TP phối hợp với Sở TN-MT xây dựng tiêu chí và hướng dẫn cụ thể phần diện tích còn lại để thực hiện việc cưỡng chế, thu hồi đất theo quy định nhằm đảm bảo quyền lợi cho chủ đầu tư…
Cũng theo Phó Chủ tịch Lê Minh Trí, hiện nay giá đất theo phương án đền bù được TP phê duyệt và giá thỏa thuận giữa chủ đầu tư và người dân có sự chênh lệch khá lớn nên tạo tâm lý đầu cơ đất đai. Điều này sẽ gây khó khăn cho quận - huyện trong công tác đền bù. Để tạo công bằng cho người bị thu hồi đất, hướng tới Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản phải quy định việc chủ đầu tư chia lợi nhuận cho người bị thu hồi đất khi dự án hình thành chứ không chỉ trả tiền đền bù là xong.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài cũng cho biết, TP đang cho thí điểm tại quận 2 việc yêu cầu nhà đầu tư hỗ trợ kinh phí thực hiện cơ sở hạ tầng. Sắp tới, TP sẽ nghiên cứu để có những quy định nhằm điều tiết lợi nhuận của chủ đầu tư cho người có đất bị thu hồi. Đồng thời Thanh tra TPHCM cần chủ trì, phối hợp với các sở - ngành tập hợp, hoàn chỉnh thành Cẩm nang hỏi - đáp, trình UBND TP ký ban hành để có cơ sở pháp lý cho các quận - huyện áp dụng. Trong quá trình thực hiện, có những phát sinh, vướng mắc, sẽ bổ sung, điều chỉnh thêm.
Sở TN-MT TPHCM cho biết, trong giai đoạn 2000 - 2006, toàn TP triển khai BT-GPMB 700 dự án - hiện đã hoàn tất bồi thường 311 dự án, còn 389 dự án đang thực hiện. Tổng diện tích đất phải thu hồi hơn 9.500ha, trong đó có hơn 6.000ha đất nông nghiệp, còn lại là đất ở và đất chuyên dùng. Tổng dự toán chi phí bồi thường gần 32.784 tỷ đồng. Tổng số tổ chức, gia đình bị ảnh hưởng là 102.902 hộ, trong đó 57.882 hộ bị thu hồi toàn bộ nhà - đất. Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở TN-MT, cho rằng, số liệu trên cho thấy, mức độ đầu tư tại TP rất lớn, công tác BT- GPMB và hỗ trợ tái định cư gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Thực tế, trên địa bàn TP đã phát sinh nhiều khiếu kiện do người dân không đồng ý với giá bồi thường, trong khi trình tự thu hồi đất thay đổi nhiều lần, mà mỗi lần thay đổi quy trình thủ tục lại khác hẳn khiến các quận - huyện theo không kịp. |
(Theo HẠNH NHUNG // SGGP Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com