Đó được coi là một động lực cho sự phát triển của Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề cập tại Hội nghị cấp cao về kinh doanh tại Việt Nam.
Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Việt Nam không thể chỉ trông chờ vào nguồn vốn đầu tư ODA hay FDI. Hiện Chính phủ Việt Nam đang mở ra nhiều hình thức đầu tư mới BOT, PPP, BT... để đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư phát triển.
Huy động mọi nguồn lực để phát triển
Trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và các đối tác phát triển, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết: Dự báo riêng trong giai đoạn 2011 - 2015, Việt Nam cần khoảng 300 tỷ USD cho đầu tư phát triển.
Do đó cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo lập đồng bộ và phát triển các loại thị trường như thị trường tài chính, thị trường hàng hóa, dịch vụ, thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ theo hướng tự do hóa thương mại và đầu tư; giải phóng và phát huy tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước vẫn là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Cơ sở hạ tầng của Việt Nam tất cả đều quá tải. Đầu tư cho ngành điện mỗi năm đều trên 10% tổng đầu tư toàn xã hội nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ điện. Dự kiến năm nay thiếu khoảng 3 tỷ KWh điện nhưng do điều kiện thời tiết thuận lợi, cùng với việc điều chỉnh giá bán điện khiến cầu điện giảm nên năm nay còn thiếu chỉ khoảng 1 tỷ KWh. Bên cạnh đó, mạng lưới giao thông đô thị, cảng biển, sân bay… vô cùng thiếu. Hệ thống hạ tầng như y tế, giáo dục cũng đòi hỏi đầu tư rất lớn.
Chia sẻ những thách thức của Việt Nam những năm sắp tới, ông ông Kenichi Ohno chuyên gia kinh tế của ADB cho rằng, Việt Nam không thể tiếp tục dựa vào lắp ráp đơn giản với lao động không có kỹ năng để cạnh tranh. Các ngành nhà đầu tư sẽ rút khỏi Việt Nam khi mức lương tăng lên và quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng... Nếu không tạo ra được giá trị trong nước, Việt Nam có thể vướng phải bẫy thu nhập trung bình.
Để trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020, ông Kenishi cho rằng, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm thành công của các nước Đông Á trong việc xây dựng một chính sách công nghiệp chủ động. Việt Nam hiện nay đang thiếu một cấu trúc chính sách chặt chẽ; sự phối hợp giữa các bộ, ngành chưa tốt và thiếu sự tham gia của các bên liên quan trong việc xây dựng một chính sách công nghiệp chủ động.
Cũng theo ông Kenishi thì phát triển công nghiệp hỗ trợ chỉ nên là một phần trong quá trình phát triển công nghiệp của Việt Nam, cần có những chính sách khác để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa.
Đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao
Để thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2020, Phó Thủ tướng cho rằng: Trong những năm tới, bên cạnh việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, Việt Nam sẽ tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa.
Trọng tâm là thực hiện cải cách hành chính, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng; phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; gắn kết chặt chẽ phát triền nguồn nhân lực với ứng dụng khoa học công nghệ.
Đồng quan điểm trên, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) Huruhiko Kuroda cho rằng: Việt Nam hiện đã thoát khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp và đang đứng trên vị trí của những nước có thu nhập trung bình với tốc độ tăng trưởng cao trong những năm gần đây. Tuy nhiên, Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn nữa vào chất lượng nguồn nhân lực bởi đây sẽ là yếu tố then chốt giúp Việt Nam vượt khỏi ngưỡng nước có thu nhập trung bình.
Một trong những thách thức mà Việt Nam gặp phải trong thời gian tới theo người đứng đầu ADB là thách thức đối với khu vực tư nhân, một khu vực có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế quốc gia.
Ông Huruhiko cho rằng khu vực tư nhân ở Việt Nam đang trỗi dậy mạnh mẽ và có đóng góp lớn vào những thành tựu tăng trưởng và phát triển kinh tế tại Việt Nam. Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục tạo thêm những điều kiện thuận lợi để khu vực này đóng góp ngày càng lớn hơn cho tăng trưởng kinh tế và công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Để phát huy tối đa tiềm lực của khu vực tư nhân, theo ông Huruhiko Việt Nam cần phải quan tâm hơn nữa đến cải thiện các thủ tục hành chính và thuế cũng như giải quyết những khó khăn về hạ tầng, vốn và cung cấp những thông tin về kinh doanh. Ngoài ra, Việt Nam cần đặc biệt dành sự đầu tư lớn vào chất lượng nguồn nhân lực”, Chủ tịch Huruhiko Kurodo nhấn mạnh.
Việt Nam ghi nhận sự đóng góp của ADB
Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, những thành tựu to lớn của Việt Nam trong những năm qua bên cạnh sự nỗ lực của Chính phủ và nhân dân Việt Nam có sự đóng góp và hỗ trợ rất quan trọng của cộng đồng quốc tế, trong đó có ADB.
Từ năm 1993 đến tháng 3/2011, ADB đã phê duyệt 105 khoản vay cho Chính phủ Việt Nam, trị giá 9,39 tỷ USD, một khoản bảo lãnh trị giá 325 triệu USD, 246 dự án trợ kỹ thuật trị giá 201,9 triệu USD và 26 dự án tài trợ khác trị giá 150,1 triệu USD. Việt Nam cũng tham gia vào các dự án hỗ trợ kỹ thuật của ADB dành cho Tiểu vùng Sông Mê Kông.
Hiện nay Việt Nam là nước nhận nhiều nguồn tài trợ nhất từ quỹ phát triển châu Á (AFD) và cũng là nước được ADB cung cấp đáng kể các khoản vay thông thường (OCR).
Được biết, theo cam kết trong những năm tới ADB sẽ thu xếp vốn cho Việt Nam khoảng 1,3 tỷ USD, đồng thời ADB dự kiến trao đổi với Việt Nam để hỗ trợ vốn vào một số lĩnh vực khác như hợp tác công tư, tăng vốn đầu tư thông qua bảo lãnh. ADB đối với Việt Nam rất tốt, ngược lại Việt Nam đã thực hiện đúng cam kết với ADB, đặc biệt khi tiếp nhận nguồn vốn, Việt Nam đã triển khai rất tích cực và có hiệu quả. Đến nay, hộ nghèo của Việt Nam chỉ còn khoảng 9,9%, tất nhiên đây có sự nỗ lực của người dân, của Chính phủ và cả cộng đồng kinh tế khác.
Cũng ghi nhận sự đóng góp của ADB, Ông Võ Hồng Phúc, Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, trong những năm qua, ADB là đối tác quan trọng của Việt Nam. Bên cạnh sự giúp đỡ của cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế, Việt Nam liên tục nhận được sự hỗ trợ to lớn của ADB về tài chính, kỹ thuật, tư vấn chính sách.
Đặc biệt rất nhiều dự án quan trọng phát triển năng lượng, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, nông nghiệp, cải cách doanh nghiệp nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa... Các dự án của ADB đã có tác động rất tích cực đối với sự duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bền vững giúp Việt Nam ổn định kinh tế vĩ mô trong giai đoạn trước mắt và dài hạn.
(Tamnhin)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com