Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thu hút vốn FDI: Điểm sáng năm 2008

Bất chấp những biến động kép của nền kinh tế khi nửa đầu năm phải đối phó với lạm phát tăng cao và nửa cuối năm lại chịu tác động của suy thoái kinh tế thế giới mang theo nguy cơ thiểu phát, thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam vẫn đạt được những kết quả ngoài mong đợi.

Những điểm nhấn ấn tượng
 
Sau thời gian suy thoái kéo dài từ 1999-2004, làn sóng đầu tư nước ngoài thứ hai vào Việt Nam bắt đầu từ năm 2006 đã dâng cao đột biến trong năm 2008, vượt xa dự báo của các cơ quan chức năng. Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư, cho thấy tổng lượng vốn FDI đăng ký mới và bổ sung trong năm 2008 đã đạt trên 64 tỷ USD, gấp hơn 6 lần kết quả của năm 2006 và 3 lần năm 2007.
 
Riêng số vốn tăng thêm của các dự án đang hoạt động tại Việt Nam trong năm nay cũng đã tương đương với toàn bộ số vốn đăng ký mới của năm 2000.
 
Lượng vốn giải ngân trong năm 2008 cũng đạt tới con số ấn tượng 11,5 tỷ USD, mức cao nhất trong 21 năm qua, dù khoảng cách giữa mức vốn đăng ký và vốn giải ngân còn khá lớn.
 
Bên cạnh đó, việc có tới 11 trong tổng số 50 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam có số vốn đăng ký trên 1 tỷ USD là minh chứng cho sự tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài vào triển vọng đầu tư trung và dài hạn ở Việt nam.
 
Năm 2008 cũng ghi nhận sự xuất hiện của hàng loạt dự án đầu tư lớn, trong đó có nhiều dự án công nghiệp, bất động sản, du lịch có quy mô nhiều tỷ USD như dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn ở Thanh Hóa, dự án thép ở Ninh Thuận và Hà Tĩnh, khu đô thị đại học quốc tế ở Thành phố Hồ Chí Minh, khu du lịch sinh thái ở Bà Rịa-Vũng Tàu.
 
Sự gia tăng các dự án và lượng vốn đăng ký đã làm tăng quy mô hoạt động của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Với hơn 9.800 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 150 tỷ USD, năm qua hơn 4.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam đã đóng góp 40% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
 
Khối doanh nghiệp này còn tạo ra trên 200.000 việc làm mới, nâng tổng số lao động làm việc trong các dự án FDI lên gần 1,47 triệu người, góp phần quan trọng vào giải quyết vấn đề việc làm vốn rất nóng bỏng của Việt Nam hiện nay.
 
Và nhiều thách thức lớn
 
Giải ngân vẫn tiếp tục là điểm đáng lo ngại nhất của hoạt động đầu tư nước ngoài do những nút “thắt cổ chai” của nền kinh tế như về kết cấu hạ tầng, thiếu hụt năng lượng và chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa được giải quyết. Bởi vậy, lượng vốn đổ về dồn dập với những dự án lên đến cả chục tỷ USD không chỉ là niềm vui mà còn là nỗi lo của các cơ quan chức năng về khả năng hấp thụ nguồn vốn này của nền kinh tế.
 
Bên cạnh đó, chính việc phân cấp đầu tư cho các tỉnh, thành phố được coi là một cải cách thủ tục hành chính đột biến ở lĩnh vực này, tạo sự chủ động cho các địa phương và thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, cũng đang đặt ra những thách thức cho khâu quy hoạch, đảm bảo môi trường và khả năng đáp ứng của kết cấu hạ tầng, khi mà các địa phương vì muốn đẩy nhanh tiến độ đã chưa coi trọng đúng mức những yếu tố này.
 
Các thủ tục đầu tư sau cấp phép, nhất là thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng, chưa được cải thiện cũng đang là những rào cản lớn đối với nhiều dự án. Kết quả chuyến khảo sát các dự án bất động sản mới đây của đoàn công tác liên ngành do Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì cho thấy tình trạng “vốn chờ đất” tại các địa phương còn khá phổ biến.
 
Chất lượng là mục tiêu trọng tâm
 
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, được dự báo có thể kéo dài và tác động lan tỏa hơn, sẽ là một trở ngại lớn cho nguồn vốn nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2009.
 
Bởi vậy, tăng lượng vốn giải ngân và chú trọng vào chất lượng nguồn vốn được coi là mục tiêu chính của hoạt động đầu tư nước ngoài năm tới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung tạo điều kiện thúc đẩy triển khai các dự án đã được cấp phép, tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại, cùng với những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật liên quan và các quy hoạch ngành, vùng.
 
Bày tỏ tin tưởng các giải pháp chống suy giảm kinh tế đang được Chính phủ triển khai sẽ có những tác động tích cực đến thu hút đầu tư nước ngoài, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Phan Hữu Thắng cho rằng năm tới Việt Nam vẫn có thể thu hút được vốn đầu tư mới khoảng 30% và giải ngân đạt bằng năm 2008./.

(Theo vietnamplus.vn)

  • Khoảng 7.000 tỷ đồng/năm đầu tư quản lý các công trình thuỷ lợi
  • Dự án bãi đỗ xe Hồ Bụng Cá - Hà Nội: 10 năm vẫn nằm trên giấy
  • Việt Nam là nhà đầu tư số 1 tại Lào
  • Nguồn đầu tư đang chảy đi mạnh, số người thất nghiệp tăng ở Nga
  • Vốn FDI đăng ký vào Việt Nam năm 2008: Hơn 64 tỷ USD
  • Công bố và trao quyết định quy hoạch xây dựng Vùng Duyên hải Bắc bộ
  • Năm 2009: Đầu tư xây dựng sẽ giảm 30%
  • Đầu tư nước ngoài vào Bắc Ninh năm 2008 đạt hơn 1,2 tỉ USD
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!