Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Trung Quốc không “mặn” FDI, chỉ muốn thắng thầu

Sự gần gũi về địa lý, sự tương đồng về kinh tế, chính trị, văn hóa cũng như việc xây dựng Khu mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN và các hình thức hợp tác khác dường như vẫn chưa khiến doanh nhân Trung Quốc thúc đẩy đầu tư qua kênh này so với các hình thức kinh doanh khác.

Trung Quốc đứng thứ 15 về đầu tư tại Việt Nam

Hiện có tới hơn 2.000 doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư trực tiếp (FDI) và kinh doanh tại Việt Nam. Hôm Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Công Thương tổ chức "Diễn đàn đối thoại với các doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam" (ngày 16-7 tại Hà Nội), có gần 200 đại diện doanh nghiệp Trung Quốc đến dự.

Ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: tính đến hết tháng 6-2010, đầu tư FDI của Trung Quốc tại Việt Nam (tính theo vốn đăng ký) là 2,92 tỉ đô la Mỹ. Dự án lớn nhất là nhà máy sản xuất phôi thép của Công ty TNHH Fuco đặt tại khu công nghiệp Phú Mỹ II (Bà Rịa - Vũng Tàu) với vốn đăng ký 180 triệu đô la Mỹ. Một vài dự án khác có vốn đăng ký trên 100 triệu đô la thuộc về các lĩnh vực kinh doanh khách sạn, khu công nghiệp, khu chế xuất tại TPHCM, Hải Phòng và Lào Cai. ư

Lý do hàng đầu của việc dòng vốn FDI từ Trung Quốc chảy vào Việt Nam còn ít (đứng thứ 15/91 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào nước ta) vì Trung Quốc chú trọng thu hút FDI hơn là đầu tư ra nước ngoài (nước này là địa chỉ thu hút FDI lớn nhất ở châu Á và đứng thứ ba trên thế giới).

Trung Quốc trúng thầu nhiều dự án lớn như dự án bô-xít Tân Rai. Ảnh SGTT.
Dòng đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam, sau khi hai nước nâng quan hệ song phương lên mức hợp tác chiến lược toàn diện kể từ năm 2008, tuy có khá hơn nhưng vẫn không theo kịp sự phát triển của quan hệ thương mại (mà Việt Nam luôn bị nhập siêu lớn nhất từ Trung Quốc). Tính đến hết năm 2009, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc lớn hơn bảy lần quy mô đầu tư FDI của Trung Quốc vào Việt Nam (22 tỉ đô la so với 2,9 tỉ).

Một báo cáo của Viện Nghiên cứu Trung Quốc ở Hà Nội mới công bố gần đây chỉ ra nguyên nhân: mặc dù trong những năm gần đây quy mô của dự án đầu tư từ Trung Quốc đã tăng, có nhiều dự án có vốn đầu tư trên 10 triệu đô la nhưng bên cạnh đó vẫn có những dự án có vốn đầu tư dưới 500.000 đô la Mỹ, thậm chí dưới 100.000 đô la.

"Quy mô nhỏ đã kéo theo tình trạng hầu hết các dự án đầu tư của Trung Quốc có công nghệ thấp, chỉ đáp ứng yêu cầu tiêu dùng phổ thông", báo cáo viết.

Quy mô đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc vào nước ta cũng chưa tương xứng với điều kiện thực tế. Trong khi các nhà đầu tư Đài Loan coi Việt Nam là "sự chuẩn bị cho đầu tư vào đại lục" nên chỉ tính đến hết năm 2009, đã có tới hơn 2.000 dự án đầu tư từ Đài Loan với hơn 20 tỉ đô la Mỹ vốn đăng ký thì số vốn FDI của Trung Quốc vào Việt Nam chỉ chiếm 1,1% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2009 của Việt Nam và bằng 3% vốn đầu tư vào Việt Nam của nước đứng đầu là Mỹ (nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài).

Sự gần gũi về địa lý, sự tương đồng về kinh tế, chính trị, văn hóa cũng như việc xây dựng Khu mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN và các hình thức hợp tác khác dường như vẫn chưa khiến doanh nhân Trung Quốc thúc đẩy đầu tư qua kênh này so với các hình thức kinh doanh khác.

Vẫn theo Viện Nghiên cứu Trung Quốc, một số khó khăn của doanh nghiệp Trung Quốc khi sang Việt Nam là chưa hiểu đầy đủ về môi trường đầu tư nước ta. Đồng thời, hệ thống pháp luật của Việt Nam còn nhiều lỗ hổng và hay thay đổi khiến họ chưa thật an tâm. Họ cũng khó tìm được đối tác lý tưởng ở Việt Nam, chưa tạo được lòng tin với doanh nghiệp và chính quyền địa phương. "Một số doanh nghiệp Trung Quốc đã không giữ chữ tín, ý thức thương hiệu kém, dịch vụ hậu mãi kém nên đã ảnh hưởng đến hình ảnh của nhà đầu tư Trung Quốc ở Việt Nam", báo cáo viết.

Viện này dẫn ý kiến một nhà quản lý của tập đoàn Hồng Đậu, nhiều năm liền là doanh nghiệp mạnh ở nước này, cho biết họ hướng đến môi trường đầu tư ở Campuchia và Lào hơn là đến Việt Nam vì: "Không gian phát triển của Việt Nam có hạn. Hai là Việt Nam không được miễn thuế hoàn toàn và bị hạn ngạch xuất khẩu một số mặt hàng khi xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ".

Trong khi đó, mục tiêu của Trung Quốc là dịch chuyển các cơ sở sản xuất thâm dụng nhiều lao động, mức lương thấp, hàng hóa giá rẻ và công nghệ không cao ra nước ngoài.

Đầu tư trực tiếp xếp sau vai trò nhà thầu lớn nhất?

Một câu hỏi đặt ra: Các thương nhân Trung Quốc luôn được đánh giá là nhanh nhạy, quy mô nền kinh tế Trung Quốc hiện nay cũng đang rất lớn và nhu cầu mở rộng thị trường luôn có trong tính toán của các doanh nghiệp Trung Quốc. Vậy tại sao, Việt Nam, quốc gia láng giềng có nhiều điều kiện khá tương đồng về văn hóa và là đối tác nhập khẩu rất lớn hàng hóa từ Trung Quốc, lại không nằm trong sự ưu tiên gia tăng đầu tư FDI của Trung Quốc? Kể cả khi làn sóng đòi tăng lương trong nước ngày một gia tăng và việc tăng tỷ giá đồng nhân dân tệ khiến hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc trở nên đắt đỏ?

Tại diễn đàn nói trên, ông Dương Chân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam, lý giải việc đầu tư FDI tăng không đáng kể do Trung Quốc đang là nhà thầu nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam. Qua kênh này, lợi nhuận của doanh nghiệp và công ăn việc làm của nhiều người lao động Trung Quốc được giải quyết.

PGS.TS. Đỗ Tiến Sâm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc, nói với TBKTSG rằng, Trung Quốc có bốn nội dung phát triển kinh tế đối ngoại liên quan chặt chẽ với nhau, không thể tách rời gồm: thương mại - đầu tư - viện trợ ODA và thầu khoán công trình. Khi doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu ở nước ngoài, họ đồng thời mang theo gói thầu máy móc, thiết bị cho dự án và nhân công. Phần xuất khẩu thiết bị và sức lao động đã chia sẻ những lợi ích về giá thầu cho các dự án. Do vậy, các nhà thầu Trung Quốc thường trúng thầu với giá rẻ hơn nhiều lần so với các nhà thầu đến từ nhiều quốc gia khác.

"Trung Quốc hiện là đối tác thương mại của 220 quốc gia, là thầu khoán công trình ở 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, viện trợ ODA đến 90 nước và đầu tư FDI ở 129 nước. Cả bốn nội dung hợp tác kinh tế này đều có ở Việt Nam", ông Sâm nói.

Ông cho biết thêm rằng, việc Trung Quốc là nhà thầu nước ngoài lớn nhất ở nước ta cũng nằm trong mục tiêu lớn của chính phủ nước này: thầu khoán công trình (tổng thầu EPC) lấy châu Á là chính, rồi mở rộng sang châu Phi... Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cho ông Sâm biết là khi nhận thầu các công trình ở nước ngoài, doanh nghiệp được nhà nước hỗ trợ kinh phí đi xúc tiến đầu tư. Vì vậy, các điều kiện cạnh tranh để trúng thầu của doanh nghiệp Trung Quốc càng được thuận lợi.

Hiện chưa có thống kê về tổng giá trị các gói thầu mà doanh nghiệp Trung Quốc nhận ở Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay. Chỉ tạm tính được như thế này: năm 2009, trong số 4,15 tỉ đô la máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam, có tới 70% là nhập để phục vụ các dự án mà Trung Quốc làm tổng thầu (bao gồm thiết bị cho các dự án, công trình hợp tác trọng điểm, các dự án hợp tác sử dụng tín dụng ưu đãi của Trung Quốc hoặc các dự án phía Trung Quốc trúng thầu đang triển khai). Trong danh sách các dự án tổng thầu, có nhiều công trình lớn như dự án Nhiệt điện Hải Phòng, dự án xây dựng nhà máy khai thác và tuyển luyện đồng Sinh Quyền (Lào Cai), dự án nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ, Tân Rai thuộc dự án tổ hợp bauxite nhôm ở Đắc Nông và Lâm Đồng...

Về xu hướng Trung Quốc có tăng cường dịch chuyển dòng vốn FDI ra nước ngoài vì đồng nhân dân tệ đang tăng giá và áp lực đòi tăng lương trong nước lên cao, ông Sâm nhận định: "Xu hướng thấy rõ là Trung Quốc đang yêu cầu chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế, nâng cấp ngành nghề và công nghệ. Nhiều doanh nghiệp ở phía Đông đang đứng trước yêu cầu phải dịch chuyển về phía Tây hoặc phía Nam. Tuy nhiên, nhân lực lao động ở các khu vực này còn hạn chế về trình độ, đi lại, vận chuyển hàng hóa khó khăn nên sự dịch chuyển cơ sở sản xuất ra nước ngoài như Ấn Độ, Indonesia hay Việt Nam cũng có thể được họ tính đến như một cách chia sẻ rủi ro. Song xu hướng cụ thể thế nào thì chưa hình thành rõ".

THEO TBKTSG//TuanVietnam

  • Đan Mạch tài trợ 210 tỉ đồng cho doanh nghiệp Việt Nam
  • Financial Times: Môi trường đầu tư Việt Nam hấp dẫn các công ty nước ngoài
  • TPHCM đẩy mạnh xúc tiến đầu tư - Campuchia là thị trường trọng điểm
  • Nhật Bản sắp ký 2 dự án 1 tỉ USD cho VN
  • Vận động nguồn ODA và các dự án từ Hoa Kỳ vào VN
  • Khuyến khích các DN Trung Quốc tham gia đầu tư vào cơ sở hạ tầng
  • Chuyển hướng trong thu hút FDI
  • Thuduc House muốn đầu tư bất động sản tại Uzbekistan
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!