Việt Nam chính thức bước vào thập kỷ mới với áp lực nặng nề hơn về hiệu quả sử dụng vốn vay, khi tiếp nhận khoản vay đầu tiên trị giá 500 triệu USD từ ngân hàng Tái thiết và phát triển (IBRD) thuộc ngân hàng Thế giới ngày 22.12 vừa qua.
Nhiều kênh vốn mới
Nói một cách đơn giản, khoản vay IBRD này đánh dấu cột mốc quan trọng để Việt Nam – với tư cách là quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình – có thể tiếp cận tới hàng loạt các kênh tín dụng mới. Các kênh này, ngoài các khoản vay IBRD, bao gồm nguồn tín dụng thông thường (OCR) của ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nguồn tài trợ chính thức khác (OOF) của Nhật Bản, nguồn vốn vay có bảo lãnh của Pháp, vay phát triển của Ðức... Tất cả các khoản vay ODA nêu trên có điều kiện gần với điều kiện vay thương mại.
Trái với điều này, hầu hết ODA cho Việt Nam là có điều kiện ưu đãi cao, kể từ khi cộng đồng quốc tế nối lại các chương trình viện trợ từ năm 1993 đến nay. Ngân hàng Thế giới là một ví dụ. Tất cả các khoản hỗ trợ của họ cho Việt Nam đều từ nguồn tín dụng ưu đãi không lãi cho các nước nghèo nhất thế giới từ hội Phát triển quốc tế (IDA). Các khoản vay IDA không đòi lãi suất và có thời hạn lên tới 35 – 40 năm và ân hạn mười năm.
Với GDP đầu người dự kiến đạt 1.200 USD vào năm tới, vốn ODA cho Việt Nam vay có điều kiện gần với vay thương mại, theo dạng IBRD, chắc chắn sẽ tăng lên, tỷ lệ nghịch với nguồn vốn ODA có điều kiện ưu đãi cao. Chuyên gia hàng đầu về ODA của Việt Nam Dương Ðức Ưng nhận xét với Sài Gòn Tiếp Thị: “Với gói vay IBRD, Việt Nam đang chuyển từ ODA “bao cấp” sang ODA thị trường. Trước tình hình đó, khả năng lựa chọn của chúng ta với các khoản viện trợ đó, và việc ai sử dụng nó là thách thức lớn. Dự án nào hiệu quả cao nhất mới làm, chứ không phải cứ ODA là làm, thì rất nguy hiểm”.
Áp lực nặng hơn
Nhận xét của ông Ưng là rất đáng quan tâm trong bối cảnh Việt Nam đang đối diện với áp lực nặng nề hơn về việc trả nợ nước ngoài. Ðể trả nợ gốc và lãi tính riêng cho các khoản vay ODA ưu đãi, ngân sách sẽ chi 70.250 tỉ đồng năm 2010, tăng cao so với 58.800 tỉ đồng năm 2009 và 51.200 tỉ đồng năm 2008. Bất chấp những lời trấn an rằng vay nợ của Việt Nam vẫn trong ngưỡng an toàn, lượng trả nợ này là tương đối lớn trong tổng thu ngân sách hàng năm của Việt Nam (390.650 tỉ đồng năm 2009 và dự kiến 456.400 tỉ đồng năm 2010). Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói tại kỳ họp vừa qua: “Việc chi trả nợ hiện nay là quá lớn, tốc độ tăng cao so với các năm trước… Ðề nghị Chính phủ tính toán, bố trí việc chi trả nợ hàng năm một cách hợp lý trong điều kiện thu ngân sách còn hạn hẹp”.
Nhưng áp lực còn sẽ gia tăng. Theo tính toán của bộ Kế hoạch và đầu tư, Việt Nam sẽ phải trả nợ nước ngoài khoảng 6 – 6,6 tỉ USD trong năm năm từ 2011 đến 2015. Trong giai đoạn này, tổng số vay ODA mới sẽ đạt 35 tỉ USD, cao hơn nhiều so với cam kết 23 tỉ USD mà Việt Nam dự kiến nhận được trong khoảng năm 2006 – 2010. Nợ nước ngoài của Việt Nam dự kiến tăng từ 31 tỉ USD năm 2010 lên 57 tỉ USD năm 2015.
Những con số tỉ đô này nói lên rằng, áp lực trả nợ sẽ ngày càng tăng cao, cùng với cơ chế cho vay mới theo lãi suất thị trường kiểu IBRD của ngân hàng Thế giới. Ðiều này đòi hỏi phải thay đổi tư duy lâu nay coi ODA như là một thứ “tiền chùa”. Thậm chí, ở nhiều dự án ODA hỗ trợ kỹ thuật, người ta “sung sướng” khi được mua ôtô, máy tính, được đi nước ngoài… mà không quan tâm liệu dự án có được áp dụng trong thực tế hay bị đút vào ngăn kéo. Nếu không thay đổi mạnh trong nhận thức và thực hiện dự án, thì ODA theo cơ chế thương mại sẽ thực sự là gánh nợ mà người phải trả, không ai khác, chính là người dân.
(Theo Tư Giang/sgtt)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com