Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư Võ Hồng Phúc, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Victoria Kwakwa và Giám đốc khu vực của IFC Simon Andrews đều bày tỏ sự lạc quan trước những chỉ số hiện nay của nền kinh tế Việt Nam, cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) với chủ đề "Nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế Việt Nam," do Bộ Kế hoạch-Đầu tư và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) phối hợp tổ chức ngày 26/5 tại Hà Nội, các vị lãnh đạo đồng thời nhận rõ các thách thức mà Việt Nam cần nỗ lực giải quyết để có thể tiếp tục nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong giai đoạn tiếp theo, đặc biệt là cải thiện hệ thống luật định, thủ tục hành chính, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực... nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư.
Đại diện WB cam kết hỗ trợ các nỗ lực cải cách của Việt Nam và mong muốn tham gia vào quá trình xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh Việt Nam còn nhiều việc phải làm sau khủng hoảng.
Ghi nhận những tín hiệu tích cực của nền kinh tế Việt Nam, Đại diện Phòng Thương mại Châu Âu (Eurocham) cho rằng, thách thức lớn nhất đối với Việt Nam trong khoảng thời gian còn lại của năm 2010 là cân bằng tốc độ tăng trưởng mà không gia tăng mức lạm phát.
Một trong những nhân tố chính để phát triển kinh tế bền vững là chuyển đổi từ xuất khẩu các hàng hóa có giá trị gia tăng thấp sang xuất khẩu các hàng hóa có giá trị gia tăng cao. Để có thể chuyển đổi sang sản xuất trong lĩnh vực công nghệ cao và để thu hút, giữ chân các nhà đầu tư, cần quan tâm 3 vấn đề chính: cơ sở hạ tầng, năng lượng, phát triển nguồn nhân lực và tiếp tục duy trì cải cách pháp lý, cải cách hành chính.
Đại diện Eurocham khẳng định luôn tin tưởng vào tiềm năng lớn của Việt Nam, một quốc gia dẫn đầu trong khu vực và là điểm đến cho các nhà đầu tư châu Âu.
Cho rằng còn nhiều lĩnh vực trong môi trường kinh doanh cần được cải thiện để nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, bà Jocelyn Tran, Chủ tịch Phòng Thương mại
Hoa Kỳ (AmCham), đặc biệt nhấn mạnh Việt Nam cần cải thiện và nâng cao hơn nữa kỹ năng của lực lượng lao động.
Bà Jocelyn Tran cũng cho rằng, cần nỗ lực hơn nữa để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định của luật pháp, quan hệ lao động, sự phát triển của lực lượng sản xuất, bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ và cơ sở hạ tầng để hỗ trợ sản xuất, cũng như xuất, nhập khẩu.
Trình bày Báo cáo khảo sát môi trường đầu tư vào tháng 1/2010 tại 29 thành phố và khu vực chính ở châu Á theo đánh giá của các nhà đầu tư Nhật Bản, ông Hiroyuki Moribe, Trưởng Đại diện Văn phòng JETRO Hà Nội, cho biết mặc dù mức lương tối thiểu đã được tăng lên, nhưng Việt Nam vẫn rất cạnh tranh về chi phí lao động (thấp nhất trong các quốc gia ASEAN).
Mặc dù còn những khó khăn tồn tại về cơ sở hạ tầng, khó tuyển dụng công nhân, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, nhưng Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn, là thị trường tiềm năng đối với các nhà đầu tư Nhật Bản do Việt Nam giữ vững ổn định chính trị-xã hội.
Tỷ lệ các công ty Nhật Bản ở Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong 1-2 năm tới là cao nhất trong khu vực ASEAN; Việt Nam là nước triển vọng nhất về lĩnh vực xây dựng/nhà máy và truyền thông/phần mềm.
Là kênh đối thoại giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam, nhằm xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư và kích thích tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, VBF được tổ chức định kỳ, trước thềm Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG).
Tại VBF, đại diện các cơ quan chính phủ Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp đã tập trung thảo luận về các chủ đề: cơ sở hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực; cải cách hành chính, pháp luật và thuế./.