Sáng 17-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) bàn về phương án phân bổ 20.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) bổ sung cho năm 2009 và chính sách thu ngân sách đối với phần lợi nhuận bất thường của nhà thầu dầu khí do giá dầu thô biến động tăng.
Theo báo cáo thẩm tra phương án phân bổ vốn TPCP bổ sung năm 2009 của UB Tài chính – Ngân sách, tính đến ngày 31-5-2009, các dự án sử dụng nguồn TPCP mới giải ngân được 5.336,5 tỷ đồng trên tổng số 36.000 tỷ đồng được giao, đạt 18,4% kế hoạch. Do đó, nhiều ý kiến phát biểu tại phiên họp e ngại về khả năng hấp thụ vốn TPCP.
Ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm UB Kinh tế QH nhận xét: “Kể cả 20.000 tỷ đồng vốn bổ sung, tổng nguồn TPCP năm nay lên đến 64.000 tỷ đồng. Nếu không tổ chức thực hiện ráo riết thì chắc chắn không thể thực hiện được mục tiêu”.
Chủ nhiệm UB Kinh tế đề nghị Chính phủ nhanh chóng ban hành các hướng dẫn cần thiết để Luật sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đầu tư xây dựng cơ bản thực sự đi vào cuộc sống từ 1-8 tới. Trong khi đó, việc huy động TPCP thời gian qua không đạt kết quả cao như mong muốn. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định, Bộ Tài chính vừa qua đã điều chỉnh lãi suất nên có thể đảm bảo được việc huy động vốn TPCP cho năm nay.
Về các lĩnh vực cụ thể được phân bổ vốn, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách của QH đề nghị rút khoản phân bổ 4.000 tỷ đồng dành cho xây dựng ký túc xá sinh viên xuống còn 2.500 tỷ đồng để phù hợp với khả năng giải ngân của các dự án loại này. Ông Lê Quang Bình, Chủ nhiệm UB Quốc phòng – An ninh của QH đề nghị lưu ý đến mục tiêu xây dựng đê bao để đối phó với hiện tượng nước biển dâng tại một số khu vực, đặc biệt là TPHCM.
Giải thích thêm với UBTVQH, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải công nhận, giải ngân TPCP chậm là nhược điểm trong nhiều năm, song tiến độ đã được đẩy nhanh hơn trong vòng 1 năm nay.
Liên quan đến chính sách thu ngân sách đối với phần lợi nhuận bất thường của nhà thầu dầu khí do giá dầu thô biến động tăng, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, năm 2008 giá dầu thô biến động rất nhanh với biên độ lớn, trong khi việc điều chỉnh thuế suất xuất khẩu dầu thô lại không dễ dàng vì sẽ khiến các nhà thầu bị động, ảnh hưởng đến tính ổn định trong sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, bên cạnh việc áp dụng thuế xuất khẩu ổn định, để điều tiết lợi nhuận bất thường do giá dầu thô biến động tăng thì cơ chế phù hợp nhất là ban hành quy định phụ thu đối với mặt hàng này (không phân biệt dầu thô xuất khẩu hay dầu thô trong nước). Đây là khoản thu mới, chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật của QH và UBTVQH.
Cụ thể, Chính phủ dự kiến tỷ lệ điều tiết phần lợi nhuận bất thường là 50% và mức biến động tăng giá là 20% (bắt đầu tính phụ thu khi mức giá bằng từ 1,2 lần giá cơ sở trở lên). Giá dầu thô trung bình để tính phụ thu được xác định theo quý.
Đa số ý kiến trong UBTVQH đồng tình với mức thu này, song cũng có ý kiến đề nghị tăng tỷ lệ điều tiết lên tới 70%
(Theo ANH PHƯƠNG // SGGP online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com