Do tăng thấp trong tháng 7 và 3 tháng trước đó, nên CPI sau 7 tháng (tức là tháng 7/2010 so với tháng 12/2009) mới tăng 4,84%, thấp thứ ba so với tốc độ tăng của cùng kỳ 7 năm qua. Đây là tín hiệu khả quan để kỳ vọng, CPI cả năm sẽ tăng không quá 8%. Như vậy, cùng với dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5- 6,8%, năm nay, Việt Nam sẽ đạt mục tiêu “kép”: vừa đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, vừa kiềm chế được lạm phát. Đây là kết quả tích cực và tổng hợp từ nhiều giải pháp của Chính phủ, cùng với sự đồng thuận của doanh nghiệp, người dân, cũng như sự cảnh báo kịp thời của các chuyên gia, phương tiện truyền thông.
Lạm phát được kiềm chế là niềm vui của người tiêu dùng, bởi nó làm cho thu nhập thực tế không bị chênh lệch lớn so với thu nhập danh nghĩa. Phần lớn người tiêu dùng cũng là người sản xuất, nên cũng quan tâm đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhập siêu…, nhưng họ thường quan tâm nhiều hơn đến lạm phát, bởi nó liên quan trực tiếp đến thu nhập thực tế. Đối với những người tiêu dùng có thu nhập thấp, thu nhập cố định, sự quan tâm này càng nhiều hơn, đặc biệt là tốc độ tăng giá của những mặt hàng thiết yếu.
Chẳng hạn, đối với lương thực. Mức tiêu dùng lương thực bình quân đầu người của người có thu nhập thấp cao hơn và tỷ trọng chi cho ăn uống của họ cao hơn nhiều so với những người có thu nhập cao. Lạm phát được kiềm chế có nguyên nhân quan trọng do giá lương thực giảm. Sau khi tăng cao trong 2 tháng đầu năm (do là tháng trước và sau Tết Nguyên đán), từ tháng 3 trở đi, giá lương thực đã giảm và tháng 7 là tháng thứ 5 liên tiếp giá lương thực giảm - tính chung 5 tháng - tức là tháng 7 so với tháng 2 - giá lương thực đã giảm tới 5,77%, hay giảm 1,18%/tháng.
Lạm phát được kiềm chế là kết quả tích cực của việc điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt là về lãi suất. Khi lạm phát cao vào tháng cuối năm trước và 3 tháng đầu năm nay, trước cảnh báo của các chuyên gia, chính sách tiền tệ đã được thắt chặt. Cũng từ cuối quý I, đầu quý II năm nay, Ngân hàng Nhà nước chuyển cơ chế lãi suất sang cơ chế thỏa thuận, bắt đầu từ lãi suất cho vay tiêu dùng, lãi suất cho vay đầu tư trung, dài hạn đến lãi suất cho vay ngắn hạn, lãi suất huy động…
CPI hạ nhiệt sẽ tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước có thể yên tâm hơn, mạnh tay hơn trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Với CPI ở mức thấp từ tháng 4 đến nay đã làm cho lãi suất tiết kiệm chuyển từ thực âm sang thực dương và dự báo chung cả năm sẽ vẫn thực dương nếu CPI tăng 8%. Hơn nữa, lãi suất gửi tiết kiệm hiện đã cao hơn so với các kênh đầu tư khác, tạo điều kiện để hạ lãi suất huy động. Khi lãi suất huy động giảm xuống, cùng với việc điều hành thông qua nghiệp vụ thị trường mở, thị trường liên ngân hàng, sẽ tạo điều kiện để hạ lãi suất cho vay, tăng dư nợ tín dụng, phục vụ sản xuất, xuất khẩu; phục vụ thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Nói “hạ nhiệt”, không có nghĩa là đã có thể lơ là với lạm phát, bởi yêu cầu cao về đầu tư, sản xuất, tiêu dùng ở trong nước, nếu tỷ giá không được ổn định, thì sẽ cộng hưởng với các yếu tố trên thế giới, làm cho lạm phát ở trong nước có nguy cơ bị khuếch đại vào cuối năm.
(Theo Minh Nhung // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com