Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Điểm lại thông tin kinh tế vĩ mô đáng chú ý tháng 2

Điều chỉnh tỷ giá, CPI tăng trên 2% và Chính phủ ban hành Nghị quyết 11 là những thông tin vĩ mô đáng chú ý nhất trong tháng 2.

Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá USD/VND

Ngày 11/2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 9,3% (tương đương với việc VND bị mất giá 8,5%), đồng thời thu hẹp biên độ dao động tỷ giá xuống ±1%.

Mặc dù vậy, động thái điều chỉnh tỷ giá của NHNN lại dường như không có mấy tác động tích cực tới thị trường tự do do giá USD liên tục tăng kể từ ngày 11/2, đặc biệt biến động khá mạnh trong ngày 17/2 khi giá bán được niêm yết vượt 22.000, đạt kỉ lục 22.300 vào ngày 19/2.

Sự tăng mạnh đột biến của giá USD có thể bắt nguồn từ chênh lệch giá vàng thế giới và trong nước vẫn đang duy trì ở mức khá cao, cộng thêm với tâm lý đầu cơ của người dân cũng như sự e ngại về giá trị của VND.

Tuy nhiên, trong tuần cuối cùng của tháng 2, giá USD tự do có đấu hiệu giảm nhẹ (khoảng 21.920-21.980) nhưng chênh lệch giữa thị trường tự do và thị trường chính thức vẫn được duy trì ở mức khá cao (1.100-1.200VND).

Xu hướng giảm nhẹ giá USD có do tâm lý đầu cơ của người dân đã giảm đi phần nào sau những thông điệp rõ ràng, minh bạch và quyết tâm về kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ được thể hiện trong Nghị quyết số 11 (ngày 24/2/2011).

Tỷ giá liên ngân hàng từ 12-28/2. Nguồn: SBV

CPI tháng 2/2011 tăng 2,09%

Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2011 tăng 2,09% so với tháng 1, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng mạnh nhất là 3,65%. Đây là mức tăng phù hợp và nằm trong dự đoán bởi vì tháng 2 năm nay bao trọn cả thời điểm điểm trước và sau Tết nguyên đán.

Hơn nữa, theo quan sát của chúng tôi trong giai đoạn 2002-2010 thì chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 năm nay là đứng ở mức trung bình, thấp thứ 3 sau CPI tháng 2 năm 2009 và 2010 (tương ứng 1,2%, và 1,96%), các số liệu còn lại dao động từ 2,2-3,6%.

Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 được coi là nằm trong dự báo nhưng do liên tiếp trong những ngày gần đây có rất nhiều chính sách và thông tin vĩ mô được coi là sẽ khiến cho chỉ số này vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao trong tháng 3.

Đợt tăng mạnh giá xăng lên 19.300VND/lít lần này là do giá dầu thế giới chính thức chạm mốc 100 USD/thùng khiến cho các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu dường như “không muốn tiếp tục chịu lỗ” để nhập khẩu làm cho nguồn cung xăng dầu bị ảnh hưởng ít nhiều.

Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 2 tăng 23,5%

Số liệu của Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá cố định tháng 2/2011 ước đạt 59,6 nghìn tỷ đồng, giảm tới 16,4% so với tháng 1 nhưng lại tăng tới 23,5% so với cùng kì năm ngoái. Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 2 giảm so với tháng 1 là một diễn biến bình thường do đây là tháng trùng với Tết nguyên đán.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 130,93 nghìn tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2010, cao hơn chỉ tiêu kế hoạch là 14% (trong khi 2 tháng cùng kỳ năm 2009 và 2010 tăng 2,9% và 14,3%). Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước tăng 7,0%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng 17,0%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 16,6%.

Chính phủ ban hành Nghị quyết 11

Ngày 24/2 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Trong Nghị quyết này, Chính phủ nêu rõ “tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay” và đề ra 6 nhóm giải pháp cụ thể để đạt được mục tiêu này.

Trong đó, Thủ tướng chính phủ đã đồng ý với đề xuất của NHNN về việc giảm tỷ lệ tăng trưởng tín dụng xuống dưới 20% (có thể chỉ là 18-19%), thay vì mục tiêu 23% trước đây. Với việc cắt giảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng này, tín dụng toàn hệ thống sẽ giảm khoảng 50.000 tỷ đồng, cộng thêm với 60,000 tỷ đồng do cắt giảm chi thường xuyên và hạ mức thâm hụt ngân sách xuống dưới 5%, lượng cung tiền sẽ giảm khoảng 110.000 tỷ đồng.

Mặc dù chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng bị hạ xuống dưới 20% nhằm kiềm chế lạm phát nhưng tín dụng cho sản xuất sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi lẽ NHNN đã định hướng các NHTM cho vay tập trung vào một số lĩnh vực chính như sản xuất kinh doanh, khu vực nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ, các dự án điện...

Thêm vào đó, Chính phủ sẽ siết tiền vào khu vực công, trái phiếu chính phủ phát hành chỉ bằng 50% so với năm trước, do đó số vốn này sẽ được điều chuyển sang khu vực tư nhân, DN vừa và nhỏ sẽ có nguồn vốn dồi dào hơn để phát triển sản xuất.

Nhập siêu 2 tháng đầu năm 2011 đạt 1,83 tỷ USD


Kim ngạch xuất khẩu tháng 2/2011 có thể đạt mức 5,25 tỷ USD, giảm khoảng 26% so với tháng trước; còn kim ngạch tháng này ước tính có thể đạt 6,2 tỷ USD, giảm xấp xỉ 22% so với tháng trước.

Như vậy, nhập siêu tháng 2 chỉ ở mức khoảng 950 triệu USD, đưa mức nhập siêu của 2 tháng đầu năm lên 1,83 tỷ USD, tương đưong với 14,8% kim ngạch xuất khẩu.

Sự giảm sút trong kim ngạch xuất khẩu cũng như nhập khẩu trong tháng 2 so với tháng 1 là bình thường do đây là tháng thường trùng vào thời gian nghỉ Tết nguyên đán. So với mục tiêu nhập siêu của cả năm 2011 là 14 tỷ USD (tương đương 18% tổng kim ngạch xuất khẩu) thì mức nhập siêu 1,83 tỷ trong 2 tháng đầu năm có thể coi là tương đối chấp nhận được.

(NDHMoney)

  • Kết luận từ Thanh tra Chính phủ: Nhiều sai phạm tại Kho bạc Nhà nước
  • “Siêu tổng công ty” đang ngắm cổ phiếu ngân hàng nào?
  • WB cho Việt Nam vay ưu đãi 876 triệu USD
  • Tổng kết Dự án Tài chính nông thôn III WB tài trợ cho Việt Nam
  • Nợ xấu của các ngân hàng tại Hà Nội có xu hướng tăng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!