Do khó khăn về nguồn vốn huy động nên các ngân hàng hạn chế cho vay đối với khách hàng mới. Ảnh: Lê Toàn |
Các ngân hàng cho biết do khó huy động vốn từ dân cư nên các doanh nghiệp khách hàng mới thời gian này sẽ rất khó tiếp cận với vốn ngân hàng.
Ông Nguyễn Quốc Sỹ, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Miền Tây, cho biết ngân hàng hiện đang rất khó khăn trong việc thu hút tiền gửi từ dân cư mặc dù đã tăng lãi suất huy động liên tục. Vì vậy, việc tăng lãi suất cơ bản vừa rồi chỉ giúp ngân hàng giải tỏa áp lực về lợi nhuận, tức chênh lệch lãi suất huy động và cho vay nhiều hơn, nên các ngân hàng sẽ cho vay các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nhưng vì nguồn vốn đang khó khăn nên các ngân hàng sẽ chỉ ưu tiên cho khách hàng hiện hữu của mình. Tương tự ông Sỹ, phó tổng giám đốc một ngân hàng luôn có lãi suất huy động dẫn đầu trên thị trường, cho biết một tuần trở lại đây, mức huy động của ngân hàng này giảm mỗi ngày do nhiều khách hàng đến ngày đáo hạn rút tiền ra mà không tiếp tục gửi. “Hỏi một vài người thì họ cho biết rút tiền để mua chứng khoán…”, vị này nói. Vị phó tổng giám đốc này cũng khẳng định khách hàng mới và kinh doanh không hiệu quả sẽ khó lòng tiếp cận vốn ngân hàng trong thời điểm hiện nay, nhất là trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước muốn siết tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng. Giám đốc chi nhánh của một ngân hàng quốc doanh cho biết thời gian này chi nhánh của ông phải liên tục "năn nỉ" khách hàng để thu nợ sớm hoặc không cho vay tiếp do tăng trưởng tín dụng của chi nhánh này đã vượt mức cho phép của Ngân hàng Nhà nước. Theo thông tin từ buổi họp báo về cuộc họp Chính phủ thường kỳ ngày 1-12, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trong 11 tháng đã là 36%, cao hơn nhiều so với mục tiêu 30% được Ngân hàng Nhà nước đặt ra trước đó. Quyết định không kéo dài gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn đến hết quý 1-2010 của Chính phủ cũng vì lý do tăng trưởng dư nợ đã quá cao. Theo các ngân hàng, nếu có hỗ trợ lãi suất mà ngân hàng không có vốn thì cũng không thể cho vay. Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng việc ngừng gói hỗ trợ lãi suất đúng hạn là rất đúng đắn vì nguy cơ tái lạm phát ngày càng lớn do tăng trưởng tín dụng cao. Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch, cho biết ông đã kiến nghị Chính phủ nên ngừng gói hỗ trợ lãi suất này từ một tháng trước. Ông nói gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn chỉ là "liều thuốc cấp cứu nhanh" cho các doanh nghiệp, hiện nay doanh nghiệp đã qua cơn nguy kịch thì không còn cần nữa. Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học thị trường giá cả thuộc Bộ Tài chính, cũng đồng tình rằng tình hình kinh tế hiện nay không cần phải duy trì hỗ trợ lãi suất. Lý do, theo ông Ánh đó là biện pháp hỗ trợ lãi suất không có tác dụng đối với việc tái cơ cấu nền kinh tế và chỉ nên áp dụng trong thời kỳ khủng hoảng như đầu năm nay; thứ hai là hỗ trợ lãi suất sẽ làm hạn chế hiệu quả của các chính sách tiền tệ đang và sẽ áp dụng để kiềm chế lạm phát trong khi chưa xác định được việc hỗ trợ lãi suất đóng góp bao nhiêu vào sự phát triển kinh tế.
(Theo Thủy Triều // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com