Với mức LS cơ bản mới, LS cho vay trên thị trường thấp nhất là 10%/năm và LS cho vay phổ biến 13-14%/năm. NHNN còn đưa ra một số giải pháp cho phép các tổ chức tín dụng cho vay theo LS thỏa thuận đối với các dự án sản xuất, kinh doanh (SXKD) có hiệu quả cao. Đây được coi là động thái tích cực, tạo nguồn lực cho doanh nghiệp (DN), góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội. Song trên thực tế, số DN được vay vốn của NH vẫn ít, nhất là các DN vừa và nhỏ (VVN). Hiệp hội Ngân hàng cho biết, 80% lượng vốn cung ứng cho các DNVVN là từ kênh NH. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng có thể vay được vốn NH. Cục Phát triển DN thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố kết quả điều tra về thực trạng của DNVVN, trong đó có 32,38% số DN tiếp cận được nguồn vốn nhà nước, 35,24% DN khẳng định khó tiếp cận và 32,38% DN không tiếp cận được...
Sở dĩ có tình trạng trên là do xu thế thị trường tiêu dùng ảm đạm, sức mua của người dân giảm. Một số DN không có đơn hàng, phải thu hẹp SXKD, giảm chi phí để tồn tại. Hiện xuất khẩu cũng gặp phải khó khăn từ thị trường nhập khẩu. Các đơn hàng xuất khẩu về dệt may, hạt điều, hạt tiêu, đồ gỗ… vào Mỹ, EU, Nhật Bản đều giảm 20-30%; có nhiều hợp đồng đã ký phải hoãn, lùi thời gian giao hàng sang năm 2009. Điều các DN mong chờ là trong thời gian tới, các NH tiếp tục giảm LS, cho vay theo LS thỏa thuận, cơ cấu lại thời hạn nợ, các giải pháp xử lý nợ vay vốn của NH… để giúp DN bớt khó khăn. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động, chỉ giảm LS thì chưa đủ, các DN cần phải được hỗ trợ bằng nhiều biện pháp để ổn định nguồn vốn. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, một trong những biện pháp nhanh nhất hiện nay là thuế. Mặc dù việc giảm thuế có thể ảnh hưởng phần nào đến nguồn thu trước mắt, song các ngành chức năng có thể xem xét giảm thuế nhập khẩu để giá nguyên liệu "đầu vào" của DN thấp hơn hoặc hoãn thu thuế của DN trong một thời hạn nhất định để kích thích sản xuất, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng nguồn thu trong tương lai. Giải pháp này cũng phù hợp với những cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO. Việc giảm thuế cũng sẽ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, góp phần thu hút đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, bảo vệ tài nguyên và sản xuất trong nước, hạn chế nhập siêu. Ngoài ra, Chính phủ cần sớm triển khai thêm quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNVVN vốn không đủ điều kiện để tiếp cận tín dụng NH cho dù LS đã giảm. Về việc này, một số nước trên thế giới đã thực hiện khá thành công bằng cách hỗ trợ trực tiếp cho DN về vốn, công nghệ, "đầu ra"... Khi DN gặp khó khăn trong vay vốn để thực hiện SXKD các dự án mới, quỹ bảo lãnh tín dụng có thể đứng ra thế chấp, hoặc tín chấp đối với NH thương mại, nhằm hỗ trợ DN có thể huy động được vốn, phục vụ kịp thời kế hoạch. Mặt khác, trong lúc khó khăn như hiện nay, Chính phủ nên dành một nguồn vốn cho khu vực DNVVN; giúp DN giảm chi phí sản xuất như tiết giảm chi phí vận chuyển, đẩy nhanh các thủ tục hành chính như hải quan, thuế... để không làm mất cơ hội SXKD của DN; xây dựng thương hiệu, nhằm tăng năng lực cạnh tranh của hàng hóa, để đẩy mạnh xuất khẩu; nghiên cứu các hình thức hỗ trợ nông dân theo cam kết với WTO về hỗ trợ nông nghiệp (10% giá trị sản phẩm nông nghiệp); tập trung thúc đẩy xúc tiến thương mại; hiệp hội ngành hàng khuyến cáo, các DN chú ý khả năng thanh toán của đối tác…
Sớm tạo nguồn lực cho các DN, hy vọng thời gian tới việc chặn đà suy giảm kinh tế sẽ có hiệu quả.
(Theo báo Hà Nội mới )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com