Để hỗ trợ các ngân hàng giảm lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh thông thường về 17-19% như cam kết, Ngân hàng Nhà nước có thể triển khai thêm các biện pháp mới như bơm thêm vốn, tận dụng nguồn dư thừa trong hệ thống...
Hôm nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ có cuộc họp với các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố và ngân hàng thương mại để bàn về giải pháp ổn định thị trường trong thời gian tới. Trong đó, việc đưa lãi suất cho vay về 17-19% như lời tuyên bố của Thống đốc Nguyễn Văn Bình và cam kết của 12 ngân hàng thương mại lớn vẫn là vấn đề xuyên suốt.
Nguồn tin từ một ngân hàng sẽ tham gia cuộc họp cho biết, một số giải pháp để hiện thực hóa giảm lãi suất cho vay sẽ được bàn trong cuộc họp hôm nay. Trong đó, có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ đề cập đến gói dự trữ 15.000 tỷ đồng để "cứu" 10 ngân hàng nhỏ. Nguồn tin nói trên cho biết, gói dự trữ này không phải mới được công bố, mà được Thống đốc Nguyễn Văn Bình đề cập từ cách đây khá lâu.
Để được sử dụng số tiền nói trên, các ngân hàng nhỏ hoặc phải thế chấp, hoặc số vốn này sẽ được tính là vốn góp của Ngân hàng Nhà nước. Điều này đồng nghĩa với việc Ngân hàng Nhà nước sẽ có quyền trong ngân hàng thương mại với tư cách một cổ đông. Do đó, theo đánh giá của tổng giám đốc một ngân hàng thương mại lớn, đây sẽ là biện pháp để Ngân hàng Trung ương ổn định lại thị trường huy động vốn, nhằm kiểm soát lãi suất vượt trần mà không ít đơn vị đang áp dụng cho khách hàng.
Lãi suất huy động thời gian qua chủ yếu bị điều khiển bởi động thái của các ngân hàng nhỏ, nhất là những đơn vị khát vốn. Chính điều này khiến cho lãi suất trên thị trường luôn cách xa so với trần quy định của Ngân hàng Nhà nước vì cứ một ngân hàng áp lãi huy động cao, các ngân hàng khác phải chạy đua để giữ khách. Với 15.000 tỷ đồng lần này, dự trù mức lãi suất Ngân hàng Nhà nước áp dụng sẽ trong vùng 14% một năm, thấp hơn nhiều so với gom từ thị trường một. Do đó, những đơn vị thực sự thiếu vốn hoàn toàn có thể tiếp cận nguồn vốn rẻ vì nếu so với huy động cao từ thị trường một khoảng 15-18% một năm, kênh này có lợi hơn.
Thời gian qua, nhiều ngân hàng huy động vốn lãi suất cao mà không cho vay được đã phải dự trữ bắt buộc nhiều hơn mức quy định. Lượng vốn dư này ước tính vào khoảng 37.000 tỷ đồng trên toàn hệ thống. Trong cuộc họp ngày mai, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ bàn đến việc sử dụng 37.000 tỷ này lưu thông, khiến thị trường lãi cao có thể hạ nhiệt.
Một số luồng quan điểm đang cho rằng khả năng nhóm giải pháp nào sẽ được thực hiện vẫn còn là dấu hỏi lớn mà phải sau cuộc họp ngày mai mới có câu trả lời chính xác. Có thể là hai nhóm trên đều không được đưa ra, đại diện một ngân hàng tham gia cuộc họp ngày mai cho biết.
Theo ông Phan Đào Vũ, Tổng giám đốc Ngân hàng Bảo Việt, hiện đã đủ điều kiện giảm lãi suất vì vậy không nhất thiết phải tính tới chuyện hỗ trợ thanh khoản, nếu không có thể tạo hiệu ứng "mừng thầm" đối với một số đơn vị. Ông phỏng đoán 2 tháng gần đây, tín dụng bằng VND liên tục giảm so với những tháng trước đó cho thấy một số đơn vị đang ứ vốn tín dụng mà nguyên nhân chính có khả năng là lãi cao, chẳng ai dám vay. Do đó, lãi suất buộc phải hạ xuống so với trước.
Một vài ý kiến khác cũng cho rằng, nếu dòng vốn liên ngân hàng tự chảy từ nơi thừa sang nơi thiếu cũng khiến lãi suất hạ nhiệt. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ đóng vai trò trung gian hỗ trợ bằng nghiệp vụ và thanh khoản, để dòng chảy êm đềm, giảm bớt căng thẳng thanh khoản, làm dịu sức ép cung cầu vốn, kéo lãi suất cho vay đi xuống.
Cuộc họp diễn ra hôm nay cũng sẽ nêu ra một số giải pháp khác kiểm soát thị trường. Trong đó, có một số thông tin cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ phát hành tín phiếu nhằm thu hút tiền từ những nhà băng có thanh khoản tốt để tái cấp vốn cho các đơn vị khác. Đồng thời, tỷ lệ dự trữ bắt buộc cũng có thể được điều chỉnh.
(Theo VnExpress)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com