Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm chỉ tăng 2,67%, mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nhưng tính chung mặt bằng giá cả lại đang ở mức cao. Đó là nhận định được đưa ra tại hội thảo “Phân tích diễn biến thị trường giá cả 6 tháng đầu năm và dự báo 6 tháng cuối năm 2009” do Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) tổ chức ngày 16-7.
Giá thép xây dựng tiếp tục tăng cao. Ảnh: H.Thúy
Tái lạm phát: Nguy cơ có thực
Theo Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, hiện đang có hai luồng ý kiến trái ngược nhau. Nhóm thứ nhất cho rằng vấn đề của năm 2009 không phải là lạm phát mà là phải kích thích kinh tế để chống suy giảm tăng trưởng. CPI nửa đầu năm chỉ tăng 2,68% so với cuối năm 2008 là cơ sở thực tế cho nhận định này. Nhóm thứ hai khẳng định nguy cơ lạm phát cao quay trở lại vào khoảng cuối năm nay hoặc đầu năm 2010. Nguyên nhân vì vòng xoáy tăng giá các nguyên, nhiên liệu cơ bản như xăng dầu, điện, nước, sắt thép, đặc biệt là hệ quả trực tiếp của nới lỏng chính sách tiền tệ tín dụng liên quan tới gói kích cầu khổng lồ trị giá 8 - 9 tỉ USD. Ngoài ra còn do tác động của thâm hụt ngân sách Nhà nước tăng vọt lên 7%-8% GDP, nợ xấu của ngân hàng, sự trồi sụt bất thường của thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản, áp lực của cung cầu trên thị trường ngoại hối và tỉ giá...
Nghiêng về nhóm ý kiến thứ hai, ông Nguyễn Đức Thắng, Phó vụ trưởng Vụ Thương mại thị trường Tổng cục Thống kê, cho rằng lạm phát không hẳn xảy ra từ cuối năm nay nhưng nếu xu hướng tăng giá liên tục như gần đây vẫn tiếp diễn, cộng với chính sách nới lỏng tiền tệ thì sẽ lạm phát lớn vào đầu năm 2010.
Ông Vũ Minh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, nêu thực tế chỉ số CPI 6 tháng đầu năm rất đẹp nhưng nhìn vào thói quen mua sắm ở siêu thị của người dân lại thấy khác. Tại Hà Nội, các gia đình đi siêu thị chủ yếu mua thức ăn chứ không phải sắm đồ tiêu dùng nâng cao đời sống. Người dân cho rằng với số tiền ấy, trước đây mua được 3 lạng thịt thì nay chỉ mua được một nửa. Điều này chứng tỏ lạm phát thấp nhưng giá thành đang dừng ở ngưỡng rất cao so với thu nhập khiến đời sống rất khó khăn.
Ông Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, dẫn lại thông tin từ Tổng cục Thống kê cho biết tiêu dùng cá nhân trong tài khoản quốc gia đang giảm 10% là số liệu minh chứng cho nhận định của ông Vũ Minh Phú.
Kiểm soát giá các mặt hàng độc quyền
TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội Hà Nội, cho rằng diễn biến kinh tế năm 2009 rất dị biệt và có nhiều yếu tố lạ, biểu hiện rõ nhất là mâu thuẫn chống lạm phát thì phải kích cầu, kích cầu thì lại đẻ ra lạm phát.
Theo TS Nguyễn Minh Phong, muốn kiểm soát lạm phát, trước hết phải kiểm soát tốt gói kích cầu vì lạm phát năm nay bắt nguồn từ chính sách tiền tệ nới lỏng. Con số công bố về lợi nhuận, nợ xấu của hệ thống ngân hàng 6 tháng đầu năm rất đáng ghi ngại vì chưa đủ vòng quay để tính. Vấn đề rất quan trọng khác là kiểm soát giá đối với các mặt hàng độc quyền như xăng dầu, điện... bởi doanh nghiệp luôn có xu hướng muốn tăng giá để tận dụng cơ hội tăng lợi nhuận, trong khi đó phía Nhà nước lại đang có nhiều kẽ hở cần phải lấp.
Cùng quan điểm này, ông Vũ Minh Phú đề nghị Chính phủ giao Bộ Công Thương xây dựng lại đề án phân phối tại thị trường nội địa theo hướng gắn sản xuất với lưu thông. Hiện nay, không ít siêu thị cũng như các nhà phân phối tỏ ra “lép vế” trước nhà sản xuất vì chỉ được thông báo tăng giá trước 10 ngày mà không được đàm phán giá như trước.
Thép tăng thêm 300.000 đồng/tấn
Ngày 16-7, Công ty Thép Pomina tiếp tục điều chỉnh giá thép tăng 300.000 đồng/tấn. Trước đó, ngày 13 và 15-7, Tổng Công ty Thép VN và Vina Kyoei cũng tăng giá bán 300.000 đồng/tấn. Như vậy, từ đầu tháng 7 đến nay, các công ty thép đã 2 lần điều chỉnh tăng giá thép, với mức tăng tổng cộng là 450.000 đồng/tấn. Giá thép hiện nay giao tại nhà máy (chưa tính thuế GTGT) là 10,85 triệu đồng/tấn đối với thép cuộn, 11,21 triệu đồng/tấn thép cây. Giá thép bán lẻ trên thị trường cũng tăng tương ứng, lên 11,8 triệu đồng/tấn thép cuộn và 12 triệu đồng/tấn thép cây.
(Theo Phương Anh // Người lao động online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com