Năm 2008 là năm thứ 3 liên tiếp, thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào TP. HCM đạt mức kỷ lục. Tính đến ngày 26/12/2008, đã có tổng cộng 528 dự án có vốn FDI được cấp phép với tổng vốn đăng ký 8,441 tỷ USD, vốn bình quân mỗi dự án đạt 15,99 triệu USD. |
FDI: Kỷ lục mới! |
So cùng kỳ số dự án được cấp phép tăng 6,45% , vốn đầu tư tăng gấp 3,4 lần. Số dự án điều chỉnh tăng vốn là 177, với tổng vốn tăng thêm 360,9 triệu USD. Như vậy, tổng vốn FDI (gồm cấp phép mới và điều chỉnh tăng vốn) trong năm đạt 8,802 tỷ USD, so với cùng kỳ tăng gấp 3,02 lần. Có thể nói đây là lần đầu tiên trong vòng 20 năm kể từ khi có Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1988 (được thay bằng Luật Đầu tư năm 2005), TP.HCM đã thu hút được số vốn FDI đạt con số kỷ lục.
Những số liệu trên cho thấy, mặc dù năm 2008 nền kinh tế gặp không ít khó khăn, tình hình giá cả - tiền tệ diễn biến phức tạp và vào thời điểm cuối năm, mặc dù dòng vốn đầu tư nước ngoài chịu ảnh hưởng lớn của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào triển vọng phát triển của Việt Nam.
Có nhiều lý do cho sự tăng trưởng đáng mừng đó, nhưng có thể thấy sự ổn định chính trị, những cải thiện môi trường đầu tư, thể chế kinh tế tiếp tục được hoàn thiện cùng với việc thực hiện mở cửa nền kinh tế theo lộ trình cam kết WTO là những nguyên nhân chính.
Điểm nổi bật trong năm qua là đã xuất hiện những dự án có quy mô vốn đầu tư lớn hơn 1 tỷ USD, như dự án Khu đô thị Đại học quốc tế Berjaya của nhà đầu tư Malaysia với 3,5 tỷ USD, dự án Khu công viên Phần mềm Thủ Thiêm với 1,2 tỷ USD… chứng tỏ nhiều nhà đầu tư quốc tế vẫn coi Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng, họ nhìn vào trung hạn và dài hạn để quyết định thực hiện nhiều dự án lớn như vậy.
Về các nước đầu tư, có sự thay đổi rõ nét so với năm 2007. Với 35 dự án, vốn đầu tư 4,772 tỷ USD đã đưa Malaysia vươn lên xếp hạng 1/42 các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào TP.HCM, xếp thứ hai là Singapore 76 dự án, vốn đầu tư 2,036 tỷ USD, kế đến là Nhật Bản 41 dự án, vốn đầu tư 639 triệu USD, British Virgin Island 21 dự án, vốn đầu tư 408 triệu USD, Hồng Kông 23 dự án, vốn đầu tư 138 triệu USD, Hàn Quốc 127 dự án, vốn đầu tư 123 triệu USD, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất 1 dự án, 112 triệu USD... cho thấy nguồn vốn đến từ các nước trong khu vực Đông Nam Á đang tăng mạnh.
Những năm gần đây khu vực FDI đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ ngày càng gia tăng. Giá trị được tạo ra bởi khu vực FDI khá cao trong tổng giá trị sản xuất (GTSX) công nghiệp trên địa bàn thành phố, năm 2008 GTSX công nghiệp khu vực FDI đạt 39,87%.
Cơ cấu tổng vốn đầu tư FDI vào các ngành kinh tế trong năm 2008 cho thấy mức độ tập trung cao vào các ngành dịch vụ, chiếm tỷ lệ 80,11% số dự án và 63,36% vốn đầu tư. Đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và y tế chiếm đến 46,22% tổng vốn đầu tư cam kết trong năm.
2009: Hướng đến môi trường đầu tư thân thiện!
Theo dự báo của nhiều cơ quan nghiên cứu, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu có thể còn kéo dài ít nhất đến quý III năm 2009 và tác động của nó tới
kinh tế Việt Nam sẽ ngày càng lớn hơn. Dòng vốn đầu tư nước ngoài trên thế giới nói chung và đầu tư vào TP.HCM nói riêng sẽ không nằm ngoài tác động của cuộc khủng hoảng.
Trong bối cảnh đó, việc cải thiện môi trường đầu tư cần tiếp tục được tăng cường. Trước hết về môi trường pháp lý, cần nhanh chóng giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực thi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, nhất là các quy định còn thiếu, chưa rõ ràng và chưa nhất quán giữa các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; sớm ban hành các quy định cụ thể về mở cửa thị trường theo cam kết gia nhập WTO, về điều kiện kinh doanh đối với các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện.
TP.HCM hiện vẫn có nhiều tiềm năng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Nếu năm 2009 phát huy tích cực các tiềm năng này, thì nguồn vốn FDI vào Thành phố sẽ ít bị ảnh hưởng. Vì tính riêng dự án bán đảo Thanh Đa, quy mô 427 ha đã có thể thu hút hơn 5 tỷ USD. Ngoài ra, Thành phố còn có nhiều khu đô thị mới với quy mô lớn như Khu đô thị mới Thủ Thiêm quy mô 737 ha, Khu đô thị Tây Bắc – Củ Chi quy mô 6.000 ha, Khu đô thị Cảng Hiệp Phước – Nhà Bè 3.600 ha.