Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ngân hàng thương mại: Khó khăn nhưng vẫn hấp dẫn

Đây hiện đang là thời điểm khó khăn đối với các ngân hàng thương mại Việt Nam. Thế nhưng các chuyên gia tài chính nước ngoài vẫn tin rằng tình trạng này sẽ sớm được cải thiện vào nửa cuối năm sau

Tại hội nghị đầu tư do VinaCapital vừa tổ chức tại TPHCM, ông Andy Ho - Giám đốc điều hành quỹ VinaCapital dẫn ra một ví dụ: ông đã từng đọc ở đâu đó rằng, giá cà phê trên thế giới hiện nay đã tăng 8 lần so với trước đây; và giới tài chính Phố Wall cho rằng đó là do các ngân hàng của Việt Nam không cho các doanh nghiệp cà phê vay vốn. Đây, mặc dù là một cách nhìn nhận chưa có căn cứ của các chuyên gia Phố Wall trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng là cách hiểu vấn đề của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay của các nhà tài chính nước ngoài.
 
Sẽ khó khăn trong năm tới?
 
Theo quan điểm của ông Tomaso Andreatta - Trưởng đại diện tại Việt Nam của Ngân hàng Intesa San Paolo - ngân hàng lớn thứ hai của Italy, hệ thống ngân hàng Việt Nam đang vướng phải hai vấn đề về cấu trúc hoạt động. Một là các ngân hàng đã cho vay khá nhiều vào lĩnh vực bất động sản và đang bị tắc vốn tại đây; hai là không có các khoản vốn trung và dài hạn để cho vay. “Có nghĩa là họ sẽ gặp rủi ro khi dùng tiền gửi ngắn hạn để cho vay dài hạn”, ông này diễn giải.
 
Ông Andreatta nhận xét rằng, các ngân hàng lớn nhất của Việt Nam có tính chuyên nghiệp, được tổ chức tốt với cấu trúc hệ thống hợp lý, nhưng vẫn  cần phải nâng cấp rất nhiều. Trong khi đó cũng có các ngân hàng nhỏ hơn và một vài trong số đó còn rất mới đối với ngành và họ cần phải cẩn trọng và làm vững mạnh bảng cân đối kế toán cũng như đào tạo nhân viên và giới quản lý. Theo ông Andy Ho, nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã lên tới 32.000 tỷ đồng, trong đó các khoản vay trong lĩnh vực bất động sản cần phải được đặc biệt lưu tâm. Cùng chia sẻ nhận định này, ông Peter Born, Phó Chủ tịch Ngân hàng Commerzbank, ngân hàng lớn thứ ba của Đức và hiện có văn phòng đại diện tại Việt Nam, Lào, Campuchia cho rằng nợ xấu sẽ tăng lên đáng kể trong thời gian tới và năm sau sẽ là một năm khó khăn cho tất cả mọi người. “Tuy nhiên, trong năm tới các ngân hàng Việt Nam vẫn có đủ nội lực để vượt qua được khó khăn với ít tổn thất nhất”, ông Born nhận định.
 
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu, dư nợ cho vay bất động sản của các ngân hàng thương mại trên địa bàn TPHCM, địa bàn sôi động nhất, tính đến cuối tháng 10/2008, là 61.000 tỷ đồng, chiếm 15% tổng dư nợ trên địa bàn thành phố. Trong đó, vốn vay nhiều nhất đổ vào các dự án sửa chữa nhà ở với khoảng 18.506 tỷ đồng. Vốn đổ vào các dự án khu công nghiệp và khu chế xuất là 1.380 tỷ đồng – mức thấp nhất. 
 
Trong năm 2008, trên địa bàn TPHCM các ngân hàng thương mại đã ký cam kết cho vay 14.388 tỷ đồng với 151 dự án, đến nay đã giải ngân 9.320 tỷ đồng, trong đó 56 dự án đã giải ngân được 100%; số chưa giải ngân là 5.003 tỷ đồng.
 
Cơ hội đầu tư tốt
 
Khi mà nhiều ngân hàng thương mại hiện đang khó khăn, thì dưới con mắt của các nhà đầu tư tài chính, đây chính là thời điểm tốt để tham gia đầu tư vào các ngân hàng trong nước thông qua việc mua cổ phần.
 
Ông Born nhận định rằng, hiện tại đang có những cơ hội tốt nhất để nhảy vào thị trường vì giá của cổ phiếu ngành ngân hàng đang rất rẻ. Ông này cho biết, trong khi các ngân hàng ở châu Âu và Mỹ đang bận giải quyết những vấn đề của riêng mình thì các ngân hàng Châu Á đang nhắm tới Việt Nam, đặc biệt khi trong năm tới sẽ có những ngân hàng tiến hành phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu.
 
Nhận định này của ông Born được củng cố thêm khi ông Andrian Cundy, Trưởng nhóm nghiên cứu của VinaSecurities cho biết, các ngân hàng ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các ngân hàng Việt Nam - thị trường được cho rằng hiện đang phải đối mặt với những thách thức ghê gớm nhưng sẽ lại có bước phát triển mạnh mẽ vào cuối năm 2009 hoặc đầu năm 2010.
 
Hiện Việt Nam có 86 triệu dân nhưng hoạt động của ngành ngân hàng chưa thực sự phát triển. Chỉ mới có khoảng 10% người dân sử dụng dịch vụ ngân hàng, chủ yếu tập trung tại Hà Nội và TPHCM. Đây chính là cơ hội phát triển đối với ngành ngân hàng Việt Nam.
 
“Chúng tôi sẽ mở rộng thị phần. Tất nhiên những ngân hàng khác cũng sẽ có chiến lược tương tự và cạnh tranh sẽ gay gắt hơn. Nhưng tôi tin vào bức tranh chung của ngành ngân hàng Việt Nam và đây là thời điểm tốt để đầu tư”, ông Philip Crouch - Tổng Giám đốc Dịch vụ Tài chính cá nhân của Ngân hàng ANZ nhận định.
 

(Theo Vinanet)

  • Kết luận từ Thanh tra Chính phủ: Nhiều sai phạm tại Kho bạc Nhà nước
  • “Siêu tổng công ty” đang ngắm cổ phiếu ngân hàng nào?
  • WB cho Việt Nam vay ưu đãi 876 triệu USD
  • Tổng kết Dự án Tài chính nông thôn III WB tài trợ cho Việt Nam
  • Nợ xấu của các ngân hàng tại Hà Nội có xu hướng tăng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!