Gặp gỡ đầu tuần với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm - nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước - nhấn mạnh như thế. Ông nói rằng điều hành chính sách tiền tệ phải linh hoạt, kiên quyết và khôn khéo để đồng tiền trong túi người dân không bị mất giá thêm.
Việc điều chỉnh tỉ giá vừa qua tiếp tục khiến đồng VN giảm giá ngay 600 đồng so với USD. “Đó là biện pháp phải làm và cần thiết” - TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nói.
Theo ông Kiêm, sắp tới điều hành chính sách tiền tệ cần linh hoạt, kiên quyết và khôn khéo hơn cũng như phải có chiến lược tổng thể để đồng tiền trong túi người dân không bị mất giá thêm. Ông nói:
- Với đợt điều chỉnh tỉ giá vừa qua, muốn mua 1 USD chúng ta phải bỏ thêm 600 đồng nữa và biên độ biến động cho phép là cộng trừ 3%, thực tế chúng ta đã có bước giảm giá đồng VND ở mức tương đối mạnh. Đây là biện pháp dù đau cũng phải làm để đảm bảo nền kinh tế vận hành ổn định, nó sẽ giúp người cần vay có tiền và chống đầu cơ, xuất khẩu thuận lợi hơn... Mặc dù làm như vậy, mỗi USD chúng ta vay nước ngoài sẽ bỗng nhiên tăng thêm 600 đồng phải trả, riêng khoản vay khoảng 17 tỉ USD của doanh nghiệp VN tự nhiên thêm một gánh nặng khá lớn.
Tiền mất giá do nội lực nền kinh tế
* Thưa ông, trong kỳ chất vấn vừa rồi có đại biểu đã chất vấn thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc để đồng tiền liên tục mất giá. Nếu còn là thống đốc ông sẽ trả lời như thế nào?
- Đó là thực tế ta không thể chống lại. Chúng ta không thể muốn giữ giá đồng tiền của mình ở mức nào cũng được, lâu dài phải đưa tiền về giá thực của nó. Đồng tiền thể hiện nội lực của nền kinh tế, nó liên quan đến nhiều yếu tố. Với nền kinh tế VN, sản xuất tuy đã phát triển nhưng hàm lượng công nghệ chưa cao, khả năng xuất khẩu của chúng ta còn hạn chế, các nguồn thu ngoại tệ chưa nhiều, trong khi ngân sách vẫn phải bội chi, nhập siêu liên tục... thì giá trị đồng tiền của chúng ta cũng phải ở mức tương ứng.
Trung Quốc sở dĩ giữ giá được đồng tiền, thậm chí giá trị đồng tiền còn tăng, vì sản xuất của họ phát triển, năng suất cao, họ liên tục xuất siêu với giá trị rất lớn... Ngay các nước châu Âu, có thời gian đồng euro cao gần gấp đôi đồng USD nhưng sau đó khi kinh tế gặp vấn đề thì giá lại giảm. Như lần này có bốn nguyên nhân chúng ta phải điều chỉnh giá tiền VN so với USD.
Thứ nhất là cung cầu, mấy tháng gần đây dù kinh tế đã đi lên nhưng cung cầu ngoại tệ lúc nào cũng căng như dây đàn.
Thứ hai có yếu tố đầu cơ do có những kẽ hở. Việc cho vay lãi suất ưu đãi, theo tôi, không loại trừ có doanh nghiệp vay được vốn ưu đãi đã chuyển sang mua USD gửi lại vào ngân hàng để vừa ăn lãi suất, vừa chờ điều chỉnh tỉ giá.
Thứ ba là một số doanh nghiệp phải nhập hàng nhưng khi đi tìm ngân hàng mua USD thì không mua nổi. Họ phải tìm ra thị trường bên ngoài hoặc chấp nhận mua ngoại tệ từ ngân hàng với giá cao hơn. Chỉ cần một vài doanh nghiệp phải làm động tác này, ngay lập tức sẽ hình thành tâm lý tăng giá USD. Nếu chúng ta giải quyết sớm ngoại tệ cho ngân hàng thì có thể giải tỏa được tâm lý này nhưng nhiều doanh nghiệp đã không được giải quyết.
Nguyên nhân thứ tư là yếu tố tâm lý. Người dân vẫn có tâm lý thích trữ USD, trong khi thị trường chứng khoán, bất động sản và sản xuất phập phồng càng tăng tâm lý trên. Nên ta buộc phải điều chỉnh tỉ giá theo hướng giảm giá VND.
* Cái đáng lo hơn là với việc giảm giá VND, lạm phát đang có nguy cơ quay lại? Ta vừa quyết tiếp tục kích cầu bằng bù 2% lãi suất, giờ lại tăng lãi suất cơ bản 1% sẽ khiến chi phí doanh nghiệp tăng, tất cả lại dồn vào giá bán?
- Với việc nới tỉ giá thì đồng tiền VN đã giảm giá. Việc tăng lãi suất cũng khiến chi phí của doanh nghiệp tăng lên, nên lo ngại lạm phát không phải không có cơ sở. Nhưng nếu chúng ta không điều chỉnh tăng giá đồng USD so với VND thì dễ diễn ra tình trạng nhiều doanh nghiệp có USD sẽ găm USD không bán, doanh nghiệp cần sẽ không có USD nhập khẩu hàng để sản xuất...
Theo tôi, lạm phát năm 2009 có lẽ không có vấn đề gì, nhưng lạm phát sẽ là vấn đề khó nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô năm 2010. Giữ đúng mục tiêu lạm phát 7% mà Quốc hội đề ra cho năm 2010 là rất khó.
Cần chiến lược và điều hành linh hoạt
* Các sàn vàng, cơ sở thu đổi ngoại tệ đã góp phần không nhỏ vào tâm lý găm giữ vàng, tăng giá USD. Theo ông, sắp tới nên quản lý như thế nào?
- Theo tôi, các sàn vàng có biểu hiện hoạt động vô lối, là nơi tạo những cơn sốt để đầu cơ, cần phải siết chặt quản lý, thậm chí cho đóng cửa. Không thể để những tổ chức có thể làm giá, gây rối loạn thị trường như thế được. Các cơ sở buôn bán ngoại tệ không có giấy phép, Nhà nước chưa có biểu hiện gì đã tạo tâm lý để tăng giá ngoại tệ cũng cần phải được xem lại. Công tác quản lý phải sát hơn, cứ thả lỏng rồi đứng hô thì không thể hiệu quả được. Ngay các ngân hàng cũng không thể cho phép bán ngoại tệ cho doanh nghiệp theo một tỉ giá cao hơn tỉ giá Ngân hàng Nhà nước công bố.
Thời gian qua có thể không hồi tố nhưng sắp tới thì không nên để các ngân hàng tự đặt ra một tỉ giá theo hướng hạ thấp giá đồng VN. Muốn vậy, Ngân hàng Nhà nước cần chủ động, nhanh nhạy và quyết liệt hơn, tránh việc gì cũng phải xin ý kiến, trình Thủ tướng. Thị trường hiện nay cần những quyết định hợp lý nhanh hơn. Như việc cho nhập vàng thời gian qua nói kịp thời nhưng không hẳn vậy. Nếu kịp thời thì anh phải cho nhập ngay khi vừa có cơn sóng tăng giá để triệt tâm lý găm giữ, đầu cơ. Khi người ta đã đầu cơ xong, thu tiền về anh mới cho nhập thì tác dụng không lớn.
Hay Thủ tướng nói tập đoàn phải bán ngoại tệ cho ngân hàng thì Ngân hàng Nhà nước cần cụ thể hóa xem họ bán theo giá nào, bán rồi thì lúc mua có mua được đúng giá đã bán hay không. Chủ trương cần đi kèm chính sách cụ thể mới phát huy tác dụng nhanh được.
* Thưa ông, trước nguy cơ lạm phát vẫn rình rập, là người tham gia chống lạm phát phi mã những năm trước đây, theo ông, cần giải pháp gì để tiền của dân không bị “bay hơi” một cách thầm lặng?
- Theo tôi, ngoài việc phải giúp người VN tin tưởng vào đồng tiền VN hơn, lâu dài, điều hành những năm sau vẫn phải tập trung làm tốt những việc đã nói nhiều lần như: không chạy theo con số tăng trưởng đẹp mà quên ổn định vĩ mô, lơ là hiệu quả sử dụng vốn, gây lạm phát... Nghiêm khắc với chỉ số lạm phát cần được nhất quán. Lâu dài, để đồng tiền không mất giá thì cần chiến lược tổng thể tăng lực của nền kinh tế.
Quan trọng bậc nhất là tái cơ cấu thế nào để hàng VN sản xuất có giá trị cao, VN có đội ngũ doanh nghiệp mạnh, môi trường kinh doanh lành mạnh, ít chi phí ngầm, hàng VN cạnh tranh được khi xuất khẩu... Những chiến lược trên chúng ta đều đã nhận ra, không quá khó, vấn đề là cần bắt tay làm và làm thật. Chỉ khi có thực lực kinh tế mạnh thì đồng tiền mới mạnh được.
(Báo tuổi trẻ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com