Tình trạng suy giảm kinh tế toàn cầu đang ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam. Để ngăn chặn đà suy giảm, Chính phủ vừa thông qua gói hỗ trợ trị giá 1 tỷ USD (khoảng 17.000 tỷ đồng) nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, việc sử dụng khoản hỗ trợ này thế nào để vừa bảo đảm kinh tế phát triển bền vững, vừa ngăn ngừa lạm phát. Đây cũng là chủ đề của cuộc tọa đàm "Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đưa đất nước phát triển bền vững" do báo Nhân Dân và Bộ Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) tổ chức ngày 10-12 tại Hà Nội.
Phải hiện thực hóa các giải pháp
Theo đánh giá chung của các đại biểu tham dự tọa đàm, kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2009. Đà suy thoái kinh tế toàn cầu đang tác động ngày càng rõ nét hơn đến nước ta. Nếu như đầu năm 2008, DN phải đối mặt với tình trạng lạm phát cao, thâm hụt thương mại lớn, tăng trưởng tín dụng nóng… thì cuối năm lại phải đối phó với tình trạng suy giảm kinh tế toàn cầu. Việc Chính phủ đề ra 5 nhóm giải pháp cấp bách nhằm chủ động ngăn ngừa suy giảm kinh tế là biện pháp vĩ mô kịp thời. Song vấn đề quan trọng là làm thế nào để hiện thực hóa những giải pháp này bằng những quyết định cụ thể, có lợi cho nền kinh tế. Nhiệm vụ cấp bách hiện nay là phải đưa ra những dự báo, phân tích chính xác, phản ánh đầy đủ những khó khăn, thách thức với nền kinh tế nói chung và DN nói riêng. Từ đó, mới có thể kiến nghị các biện pháp cụ thể để Đảng, Chính phủ đưa ra những quyết sách kịp thời, hỗ trợ các thành phần kinh tế đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Việc tìm ra những biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN trên cơ sở 5 nhóm giải pháp của Chính phủ cùng với việc tìm ra phương án triển khai gói giải pháp hỗ trợ trị giá 1 tỷ USD sẽ giúp Việt Nam chủ động hơn khi đối phó với khó khăn trong năm 2009.
Cần rót tiền đúng chỗ
Xung quanh việc sử dụng hiệu quả gói hỗ trợ của Chính phủ, các đại biểu đã nêu những ý kiến xác thực nhằm hỗ trợ kinh tế phát triển. Ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hội DN nhỏ và vừa Việt Nam đã nêu một số "địa chỉ" đề xuất để kích cầu đầu tư gồm: hạ tầng giao thông (cảng biển, sân bay, đường bộ); nhà ở, đặc biệt là nhà cho người có thu nhập thấp... Về kích cầu tiêu dùng, ông kiến nghị điều chỉnh lương của khu vực hành chính phù hợp với mức giá hiện tại để khuyến khích người dân tăng chi tiêu. Đối với dịch vụ ngân hàng, cần dỡ bỏ quy định hạn chế cho vay tiêu dùng một cách thận trọng. Bên cạnh đó, cần khuyến khích người dân sử dụng hàng trong nước nhằm phát triển thị trường nội địa.
Theo ông Nguyễn Văn Thạo, Phó Chánh văn phòng TƯ Đảng, hai điểm nghẽn lớn được nói nhiều hiện nay là hạ tầng giao thông và cải cách hành chính. Đây chính là những lĩnh vực "nóng", cần nhận được nguồn vốn đầu tư…
Việc tiếp tục thực hiện lộ trình cổ phần hóa DN nhà nước cũng được nhiều đại biểu nhắc đến như một giải pháp tăng thêm nguồn vốn cho DN. Theo ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hiện tiến trình cổ phần DN nhà nước đang chậm lại. Tuy nhiên, đây chính là một trong những cơ hội thu hút vốn hiệu quả của DN. Quan trọng là phải cải cách phương thức cổ phần hóa cho phù hợp, tránh thất thoát tài sản của Nhà nước…
(Theo HNM)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com