Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tín hiệu tích cực từ chính sách tiền tệ

Quyết định tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc gấp 3 lần (từ 1,2% lên 3,6%) được giới phân tích đánh giá là động thái hỗ trợ tích cực đối với nền kinh tế.

Những tín hiệu này sẽ tác động thế nào đến TTCK là nội dung cuộc trao đổi giữa báo giới và ông Vũ Hoài Chang, Giám đốc Bộ phận phân tích đầu tư, CTCK Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Theo ông, việc tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc sẽ hỗ trợ cho các ngân hàng và nền kinh tế như thế nào?
Theo quy định về dự trữ bắt buộc của NHNN, tiền gửi dưới 12 tháng tại các ngân hàng thương mại phải trích 11%, tiền gửi trên 12 tháng phải trích 5% gửi tại NHNN hoặc Kho bạc Nhà nước. Hiện tiền gửi ở hệ thống ngân hàng ước khoảng 1,4 triệu tỷ đồng, nếu tính xấp xỉ tỷ lệ trung bình dự trữ bắt buộc của các ngân hàng là 10% thì số tiền giữ tại NHNN là 130.000 tỷ đồng.
Với lãi suất 1,2%/năm như trước đây, số tiền lãi các tổ chức tín dụng được trả vào khoảng 200 tỷ đồng, nay lãi suất tăng gấp 3, đồng nghĩa với việc hệ thống ngân hàng có thêm khoảng 400 tỷ đồng nữa.
Nhìn vào động thái này thì thấy, các ngân hàng có lợi đầu tiên, tính thanh khoản được cải thiện, giảm bớt chi phí, đây là cơ sở để ngân hàng giảm lãi suất cho vay đối với DN, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đó là cái lợi cơ bản đối với TTCK, còn tác động trực tiếp, tôi nghĩ, nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ có dấu hiệu khởi sắc hơn, đây là nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường, do vậy hiệu ứng trên TTCK sẽ tích cực.
Ngay sau khi NHNN tăng lãi suất dự trữ bắt buộc, một số ngân hàng đã thông báo giảm lãi suất cho vay. Theo ông, hiệu ứng này có lan rộng toàn bộ hệ thống ngân hàng?
Theo tôi được biết, có ngân hàng đang dư thừa vốn nhưng DN không thể tiếp cận được. Lãi suất huy động hiện ở mức 17%/năm, trong khi lãi suất cho vay chỉ 20 - 21%, chênh lệch 3 - 4%, chưa kể chi phí cho dự trữ bắt buộc, quản lý, nhân công... Ngân hàng thương mại do đó không mấy sẵn sàng giảm lãi suất đầu ra. Tuy nhiên, đây có thể là động thái phát tín hiệu giảm lãi suất cơ bản, làm cơ sở buộc các ngân hàng giảm lãi suất cho vay.
Tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc cũng là một tín hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ. Để đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý trong những tháng cuối năm, chính sách tiền tệ có thể theo kịch bản nào, thưa ông?
Giảm lãi suất cơ bản là một công cụ mạnh, nhưng chính sách tiền tệ thắt chặt của Việt Nam vẫn cần tỏ ra thận trọng. Kinh nghiệm quốc tế đưa ra, chỉ nới lỏng quy định trên khi lạm phát giảm tốc trong 1 - 2 tháng. Tháng 7, chỉ số CPI chỉ tăng 1,13%, song đến tháng 8 lại vọt lên 1,56% vì thế chưa thể giảm lãi suất cơ bản ngay.
Tôi cho rằng, căn cứ để theo dõi là trong tháng 9 khi lạm phát được kiểm soát, xu hướng rõ ràng hơn thì NHNN có thể điều chỉnh giảm 0,5% lãi suất cơ bản. Như tuyên bố của NHNN, chính sách tiền tệ của Việt Nam trong những tháng cuối năm là thận trọng, do vậy nếu có giảm lãi suất cơ bản thì cũng sẽ nới lỏng từng bước để theo dõi sát phản ứng từ thị trường.
Với định hướng điều hành chính sách tiền tệ như ông đã phân tích, liệu có thể lượng hóa những tác động của nó tới TTCK từ nay tới cuối năm?
Tôi cho rằng, TTCK sẽ tương đối tích cực, động thái hỗ trợ các ngân hàng của NHNN như trên phát tín hiệu hệ thống ngân hàng tiếp tục được hỗ trợ qua các kênh thị trường mở, chiết khấu giấy tờ có giá, tín phiếu. Khi tính thanh khoản được cải thiện, căng thẳng về vốn qua đi, có thể các ngân hàng sẽ tích cực phối hợp với CTCK triển khai các nghiệp vụ hỗ trợ tài chính cho NĐT trên TTCK như repo, cầm cố cổ phiếu.
Tôi cho rằng, trong quý III và quý IV này, DN mới bộc lộ thực chất hoạt động sản xuất - kinh doanh với những tác động từ chính sách tiền tệ thắt chặt. Quý I và quý II, một số DN có thể kết chuyển hoạt động lãi từ năm 2007, ngoài ra do những hạn chế về tiêu chuẩn kế toán thống kê, trong nhiều trường hợp NĐT khó thẩm định rõ được DN lãi thật hay lãi giả. Do vậy, thị trường có xu hướng tích cực, song việc lựa chọn được cổ phiếu tốt cũng không hề dễ.
Một lưu ý nữa là hiện nay biên độ giao dịch giá được mở rộng, xu hướng lướt sóng của NĐT rất mạnh. Điều này một mặt làm cho tính thanh khoản của thị trường tăng lên, nhưng mặt khác cũng làm cho VN-Index trên thị trường khó có thể tăng mạnh nếu không có nguồn tiền mới đổ vào thị trường.

(Theo DTCK)

  • Kết luận từ Thanh tra Chính phủ: Nhiều sai phạm tại Kho bạc Nhà nước
  • “Siêu tổng công ty” đang ngắm cổ phiếu ngân hàng nào?
  • WB cho Việt Nam vay ưu đãi 876 triệu USD
  • Tổng kết Dự án Tài chính nông thôn III WB tài trợ cho Việt Nam
  • Nợ xấu của các ngân hàng tại Hà Nội có xu hướng tăng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!